Giá cloramin B tăng mạnh
Một thực tế đang xảy ra tại các khu vực phía Nam đó là hóa chất khử khuẩn cloramin B đang bị các nhà cung cấp hét giá theo dịch bệnh.
Bác sĩ Huỳnh Cao Hải - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, trước việc nhiều tỉnh thành dự kiến mua cloramin B với số lượng lớn, nhiều công ty cung cấp đã hét giá từ mức 80.000 - 90.000 đồng/kg trước đây lên 128.000-140.000 đồng/kg cho hàng xuất xứ châu Âu và hơn 100.000 đồng/kg đối với loại nhập từ Trung Quốc.
|
Cấp cứu trẻ mắc tay chân miệng ở Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). |
Nếu mua với số lượng từ vài chục tấn sẽ rất tốn kém, gây khó khăn cho các địa phương trong công tác phòng chống dịch. “Các cơ quan chức năng nên kiểm tra can thiệp việc làm giá trên để đưa ra mức giá bán hợp lý cho các tỉnh để đối phó với các loại dịch bệnh đang hoành hành”- ông Hải nói.
Tại nhiều tỉnh thành khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa… cũng đang thiếu nghiêm trọng nguồn hóa chất cloramin B để phát khử khuẩn tại vùng dịch. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau 4 tháng phát hiện dịch tỉnh mới cấp phát được 5 tấn cloraimin B cho 20 quận, huyện. Tỉnh này đang dự kiến mua thêm 5 tấn nữa để dự phòng xong do giá cả tăng cao nên Sở Y tế vẫn đang phải cân nhắc.
Là một trong ba tỉnh ở phía Bắc có dịch, Thanh Hóa cũng đang đối mặt với việc thiếu nghiêm trọng cơ số hóa chất cloramin B. Bà Nguyễn Thị Bích - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện tỉnh mới chỉ cấp phát được 1 tấn cloramin B cho 27 trung tâm y tế dự phòng. Vì cloramin B có hạn nên các đơn vị phải dùng dè xẻn và tự phân phối”.
Kinh phí dự phòng dịch của Thanh Hóa có hạn (chỉ có 4 tỷ đồng) phải phân bổ cho nhiều mục tiêu, nên việc tăng giá hoá chất lên 120.000 đồng/kg khiến Sở Y tế Thanh Hóa lúng túng. “Do vậy, cũng như các địa phương khác dù muốn phát miễn phí cloramin B cho tất cả vùng có dịch TCM nhưng Sở cũng đành bó tay” - bà Bích khẳng định.
Nhiều lo ngại với thuốc sát khuẩn
Ở TP.HCM, trong khi dịch đang hoành hành thì Sở Y tế lại loay hoay đi tìm hóa chất khử khuẩn mới. Ngay khi bước vào mùa TCM, ngày 24.5, Sở đã tổ chức họp các quận, huyện và thay vì bàn cách chống dịch Sở này lại cho mời 4 công ty đến giới thiệu hóa chất khử khuẩn mới.
Đến ngày 30.6, Sở đã có văn bản đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng của thành phố và 24 quận, huyện “được hợp tác với các công ty có sản phẩm đã được kiểm tra xác định có tác dụng khử khuẩn để tiếp nhận và phân phối sản phẩm. Sở đã xác định 2 sản phẩm: Surfanios và zonrox có tác dụng khử khuẩn phòng ngừa bệnh dịch trong đó có TCM…
Vì thế, vừa chống dịch, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và 24 quận, huyện giờ đây còn gánh thêm nhiệm vụ… bán thuốc từ chủ trương của Sở. Nhiều người lo ngại liệu hóa chất có được sử dụng đúng, có phát tận nơi cho người dân và hướng dẫn sử dụng kỹ hay không?
Ngày 22.8, bác sĩ Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã có 13 trẻ em từ 5-6 tuổi mắc dịch bệnh TCM. Trong đó, 9 bệnh nhân đã chữa khỏi. Các trường hợp mắc bệnh đều tập trung ở trẻ em của xóm Mỹ Hòa, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên. (Hữu Anh)
Không riêng gì các tỉnh trong vùng dịch, ngay tại Hà Nội, nhiều trường học cũng nháo nhác tìm mua cloramin B để sát khuẩn trước mùa tựu trường, nhưng vì thiếu thuốc nên cứ nghe các công ty tư vấn thuốc nào là mua thuốc đó.
Bà Lê Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm) cho biết: “Ngay từ đầu năm học, trường đã chủ động mua cloramin B và thuốc diệt muỗi về để phun. Giờ hơi khó mua nên cứ có thuốc sát khuẩn nào chúng tôi cũng nghe ngóng để mua về sát khuẩn toàn bộ các lớp học, vật dụng đồ chơi cho trẻ trong lớp học”.
Thực tế, tại Hà Nội, thời gian qua nhiều trường đã lo sợ và tự ý mua cloramin B để dùng. Trong khi đó, hầu hết hóa chất được mua về đều không có nguồn gốc xuất xứ, không kèm hướng dẫn pha chế...
Tùng Lâm - Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.