Không có con riêng nhưng cô được hàng trăm du học sinh Việt Nam xem như người mẹ trong những năm tháng “tu luyện” ở xứ người. Cô là Noriko Kuroe - một nghệ sĩ múa người Nhật Bản.
Nghệ sĩ Nhật bén duyên múa Việt Nam
Tốt nghiệp chuyên ngành múa của một trường nghệ thuật nổi tiếng ở Nhật Bản, nữ nghệ sĩ Noriko dành trọn những năm tháng thanh xuân của mình cho nghệ thuật. Thời tuổi trẻ, cô rong ruổi khắp các nước như Mỹ, Anh, Đức, Philippines... để theo đuổi nghiệp múa, cô thành thục từ điệu múa dân gian, múa đương đại đến jazz, ballet... Cho đến một ngày, khi cô gặp những điệu múa dân gian Việt Nam.
Nghệ sĩ múa Noriko Kuroe (thứ hai từ trái qua) phát lì xì cho những “đứa con Việt Nam” dịp tết Nguyên đán.
Đó là năm 1996, nghệ sĩ Noriko Kuroe tiếp nhận và bảo lãnh giấy tờ cho du học sinh ngành múa người Việt đầu tiên sang học tập tại Trường Japan Dance School (JDS) do cô và chồng thành lập. Từ những hạt giống Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản này, nghệ sĩ Noriko nhận ra những nét rất hấp dẫn trong nghệ thuật múa của Việt Nam. Từ đó, không chỉ học tập từ những du học sinh Việt Nam, đi đâu gặp những nghệ sĩ múa người Việt, cô cũng bắt chuyện, rồi học theo. Lại bị thu hút bởi những chiếc áo dài, nón lá dịu dàng hay chiếc áo tứ thân với nón quai thao thẹn thùng e ấp... điệu múa dân gian Việt Nam càng thêm quyến rũ trong mắt người nghệ sĩ Nhật.
Gần 10 năm sau khi biết đến hai tiếng Việt Nam, năm 2004, lần đầu tiên nghệ sĩ múa Noriko Kuroe được đến Việt Nam trong một chuyến lưu diễn. Tại đây, sau giờ diễn, cô tìm hiểu nhiều hơn các điệu múa dân gian Việt Nam, rồi dành thời gian trôi dọc theo dòng Mê Kông hay thả hồn vào phố cổ Hà Nội. Trong 2 tuần ở Việt Nam lần đó, người nghệ sĩ ấy mới biết, mình đã yêu Việt Nam tự bao giờ.
Lại nói về chuyện học múa Việt Nam của nghệ sĩ Noriko Kuroe, cô cho rằng, hầu hết những động tác múa của Nhật bản rất “nghiêm chỉnh”, dứt khoát, người nghệ sĩ thường phải dựng thẳng tay, chân, đầu và mắt nhìn cùng hướng một cách chuẩn xác, trong khi đó, múa dân gian của Việt Nam lại mềm mại, uyển chuyển, đặc biệt là các điệu xòe và nắm ngón tay, cách nghiêng người thể hiện cảm xúc… do đó phải tốn rất nhiều thời gian để luyện tập.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, rồi cũng đến lúc nghệ sĩ múa Noriko được thể hiện mình với những điệu múa rất Việt Nam, những năm 2009 – 2012, cô Noriko cùng một số biên đạo múa của Việt Nam như John Huy Trần, Ngọc Khải, Tố Như, Thanh Phương, Thùy Chi… thực hiện vở diễn “Chuyện kể của những chiếc giày” được cả khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao. Vở diễn được công diễn lại nhiều lần sau đó. Cũng từ đó, những chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật giữa hai nước Việt – Nhật hầu như đều có sự góp mặt của Noriko Kuroe trong vai trò biên đạo múa.
“Chỉ mong các con học tập thành tài, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, mong tình cảm hai nước Việt - Nhật ngày càng gắn bó hơn, gần gũi hơn” - Noriko Kuroe
Kết nối văn hóa Việt - Nhật
Cũng từ năm 2004, tần suất những lần đi về giữa Việt Nam – Nhật Bản của nghệ sĩ múa Noriko Kuroe ngày càng tăng. Càng đến Việt Nam, mong muốn kết nối những nét văn hóa hai nước càng lớn mạnh trong cô.
Nghệ sĩ Noriko Kuroe (thứ 2, từ trái sang) cùng các học sinh của mình.
Một lần, trở về nước sau khi hướng dẫn một số học sinh người Nhật sang Việt Nam học múa, Noriko hạ quyết tâm thực hiện dự án phát triển nghệ thuật múa Nhật Bản tại Việt Nam cũng như đưa múa dân gian Việt Nam đến Nhật. Bắt đầu bằng việc học tiếng Việt nhưng do lớn tuổi, lại bận rộn với việc giảng dạy, biểu diễn, cô bỏ dở việc học này.
Không bỏ cuộc, trong một dịp giao lưu với du học sinh Việt Nam tại Nhật sau đó, Noriko Kuroe gặp và bày tỏ mong muốn được dạy múa cho sinh viên Việt Nam với TS Nguyễn Đức Hòe – Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Đông Du. Cô nói rằng, cô muốn dạy múa mà không cần thù lao, chỉ cần được tạo điều kiện để tiếp xúc với thanh niên Việt Nam, với những bạn trẻ muốn tìm hiểu nền văn hóa Nhật Bản, có mong muốn được đến Nhật học tập, sinh sống.
Ông Hòe đồng ý hợp tác, từ đó, cứ 3 tháng một lần, Noriko Kuroe lại đến Việt Nam để hỗ trợ giảng dạy, mang theo những nét văn hóa rất riêng của Nhật Bản. Không mười ngày thì nửa tháng, cũng có khi nhiều hơn. Căn nhà nhỏ của cô trong hẻm đường Lê Lợi (Quận 1, TP.HCM) trở thành nơi gởi gắm tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ quê hương của những công dân Nhật Bản đang sống tại Việt Nam. Cũng trong những dịp lưu lại Việt Nam đó, nghệ sĩ Noriko lặn lội khắp nơi, sưu tập những đạo cụ múa dân gian Việt Nam để mang về nước, phục vụ cho việc giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản.
Trường Múa JDS của cô cũng được thành lập chi nhánh 2, đặt tại TP.HCM để thuận tiện hơn trong việc hỗ trợ phát triển môn nghệ thuật này ở Việt Nam. Cô dạy miễn phí, chưa kể còn khuyến mãi thêm nét dịu dàng, thùy mị, nét huyền hoặc mờ ảo của văn hóa xứ hoa anh đào.
Còn tại Nhật, mỗi năm, cô tổ chức nhiều chương trình, lễ hội để sinh viên, thanh niên Việt Nam – Nhật Bản có dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau, cũng là dịp để những sinh viên Việt Nam tại Nhật có điều kiện hiểu hơn nền văn hóa nơi họ đang sống.
“Xây mái ấm” cho sinh viên Việt Nam
Ở tuổi xấp xỉ lục tuần, nghệ sĩ múa Noriko Kuroe cùng chồng vẫn miệt mài với nghiệp diễn và những dự án hỗ trợ sinh viên Việt Nam tại Nhật, đến nỗi quên luôn cả việc rất riêng của đời sống vợ chồng là sinh con cái. Cô bảo, sợ không đủ thời gian để sinh thành và nuôi dưỡng một đứa con, thế nhưng cô lại dành cả nửa đời mình để chăm sóc hàng trăm sinh viên Việt Nam.
Căn nhà nhỏ của vợ chồng nghệ sĩ Noriko ở thành phố Kawasaki (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản) dù không có “người thừa kế” nhưng luôn có người Việt lui tới. Cũng không khó để thấy cảnh những nhóm sinh viên Việt Nam tụ tập, hát múa rồi sinh hoạt, giao lưu tại trường JDS vào ngày cuối tuần. Quan trọng là, tất cả du học sinh Việt Nam đến với cô đều được hỗ trợ miễn phí.
Để khỏa lấp nỗi buồn, nỗi cô đơn khi xa quê của sinh viên nơi đất khách, cô thành lập nhóm múa gồm các du học sinh Việt Nam tại Nhật. Cũng tập tành, cũng lưu diễn khắp nơi, nhưng cái chính là để các bạn trẻ có môi trường văn hóa lành mạnh, có tập thể, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Ngoài múa, dịp Tết Nguyên đán, cô tổ chức tiệc với những bánh chưng, bánh giày, với áo dài khăn đóng... cho hàng chục “đứa con Việt Nam” tại Nhật. Còn Tết Nhật, cô cùng chồng dắt díu “đàn con” đi chùa cúng lễ, uống rượu Sake và cầu nguyện cho năm mới. Cũng có năm cô đưa các bạn trẻ Việt Nam về nhà họ hàng của mình, cùng giã bánh giày, ăn mì Soba mừng lễ hội.
Mới đây, tháng 4.2014 cô thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Việt Nam tại tỉnh Kanagawa - Nhật Bản (KVSS) để giúp đỡ những sinh viên Việt Nam trong lúc khó khăn. Là một nghệ sĩ múa nổi tiếng trong nước, Noriko Kuroe vẫn không ngại gõ cửa từng nhà hàng, khách sạn hay các công ty, tổ chức Nhật Bản để xin việc làm thêm cho du học sinh Việt Nam. Tiền dành dụm dưỡng già cô lấy đi thuê nhà trọ, giúp nhiều bạn trẻ Việt Nam có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, yên tâm tập trung cho việc học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.