Ngày 22/10, tại TP. Thanh Hóa, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) phối hợp với Hội ND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị đối thoại về việc thực hiện các chính sách an toàn thực phẩm (ATTP). Hội nghị do Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hôiij NDVN Nguyễn Xuân Định chủ trì.
Nâng cao công tác tuyên truyền
Hội nghị đối thoại nhằm thực hiện Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 2/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN, HLHPNVN giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.
Nhiều Sở, ban, ngành tham gia Hội nghị. Ảnh: Vũ Thượng
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện Bộ NNPTNT; ông Lữ Minh Thư-Phó giám đốc Sở Công Thương; bà Phạm Thị Nguyệt Nga-Phó Chủ UBND TP. Thanh Hóa; ông Hà Văn Giáp-Chánh Văn phòng điều phối về VSATTP tỉnh...
Báo cáo tại hội nghị, bà Hà Thị Lan Hương-Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, công tác đảm bảo ATTP tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 362.600 tấn sản phẩm thực phẩm các loại; xây dựng 1.502 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm ATTP; 66 chợ được đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017; 305 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; 757 bếp ăn tập thể đáp ứng các quy định về ATTP,...
Ngoài ra, công tác xây dựng xã, phường ATTP được đẩy mạnh, đến nay có 63 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định và tặng Bằng công nhận xã đạt tiêu chí ATTP. Trong đó, huyện Đông Sơn có 15/15 xã, huyện Vĩnh Lộc có 16/16 xã được công nhận đạt tiêu chí ATTP; tỷ lệ sản phẩm thực phẩm sản xuất, chế biến theo mô hình sản xuất lớn, tập trung đáp ứng quy định về ATTP đạt 100%; tỷ lệ sản phẩm thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh được kiểm soát, đáp ứng các quy định về ATTP đạt 71%...
Bà Nguyễn Thị Tuất, Hội ND phường Phú Sơn nêu ý kiến. Ảnh: Vũ Thượng
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Tuất, Hội ND phường Phú Sơn nêu 2 vấn đề cần được giải đáp. Hiện nay trên địa bàn TP. Thanh Hóa có bao nhiêu cơ sở sản xuất nem chua?, khâu kiểm tra, giám sát có được thực hiện thường xuyên không?; Hằng ngày có rất nhiều thực phẩm bẩn, kém chất lượng, có hóa chất nguy hiểm đi vào trực tiếp cơ thể con người vậy cách nhận biết?.
Trả lời vướng mắc của hội viên Hội ND, ông Đỗ Xuân Trường-Chi cục trưởng, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn TP. Thanh Hóa có gần 1.000 cơ sở chế biến nem chua được cấp giấy phép, thuộc quyền quản lý của xã, phường. UBND TP. Thanh Hóa luôn đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất nem, nếu phát hiện vi phạm về VSATTP sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
.Vẫn còn nhiều thách thức
Theo bà Hà Thị Lan Hương-Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh kết quả đã đạt được thì việc tổ chức, quán triệt và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 04-NQ/TU, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh tại một số địa phương, đơn vị chưa kịp thời, chưa thường xuyên.
Hoạt động của Văn phòng Điều phối về vệ sinh ATTP cấp huyện, ban nông nghiệp xã ở một số địa phương chưa phát huy hiệu quả. Kết quả thực hiện một số mục tiêu cụ thể đạt thấp so với nghị quyết đề ra, như: Công tác kiểm tra xử lý vi phạm ở một số địa phương còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe, còn tình trạng nể nang, né tránh...Công tác quản lý thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định đánh giá cao những câu hỏi thiết thực của hội viên nông dân tỉnh Thanh Hóa và cách giải đáp của các Sở, ban, ngành có sức thuyết phục.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cũng đưa ra 5 đề nghị gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền VSATTP, đặc biệt đối với tuyên truyền các mô hình tiêu biểu; Hội ND tỉnh Thanh Hóa phải phối hợp với các Sở, ban, ngành về tiêu thụ sản phẩm và nắm bắt các quy trình sản xuất; Quan tâm áp dụng công nghệ thông tin để tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Phối hợp rà soát chính sách liên quan đến ATTP.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.