Đó là tình cảnh tại Công ty TNHH MTV cán nóng thép tấm Cái Lân (Khu công nghiệp Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh).
Vào thời điểm 6.2010, khi Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân Vinashin đi vào hoàn thiện và ra tấn thép đầu tiên, ngành đóng tàu trong cả nước kỳ vọng sẽ có nguồn cung ứng thép tấm khổ lớn thay thế nhập khẩu để phục vụ đóng những con tàu biển có tải trọng hàng vạn tấn. Nhà máy có công suất 1 triệu tấn thành phẩm/năm và có thể sản xuất ra các tấm thép có độ dày từ 5mm đến 50mm, rộng từ 1,6m đến 3m; dài từ 6m đến 18m...
Với diện tích 15ha, Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân nằm im lìm giữa cỏ dại, như một nhà máy “ma” thực sự.
Chỉ 3 tháng sau, vào tháng 9.2010, Vinashin “vỡ trận” với hàng loạt quan chức sa vào vòng lao lý, nhà máy cán thép tấm nóng Cái Lân buộc phải dừng đốt lò, khối tải sản gần 3.000 tỷ “đắp chiếu” kể từ đó đến nay.
Hàng loạt các bài toán đã được đặt ra từ rất lâu để giải cứu Công ty thép Cái Lân, nhưng đến nay vẫn hoàn toàn rơi vào bế tắc. Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thì Công ty thép Cái Lân thuộc diện đơn vị nằm trong nhóm: Giải thể, phá sản, bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa…
Ông Hoàng Việt Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV cán nóng thép tấm Cái Lân, cho biết: Với phương án bán cả công ty thì chắc chắn không có người mua kể cả bán với giá “0 đồng”, vì con số nợ tài chính của Công ty thép Cái Lân là rất lớn (riêng phần lãi vay đã chiếm đến hơn 30% số nợ). Hơn nữa, máy móc thiết bị của nhà máy để lâu năm không sử dụng nên đã xuống cấp rất nhiều. Thực tế từ năm 2011 đến 2015, Tổng công ty đã giới thiệu với rất nhiều đối tác nước ngoài để đề nghị mua lại Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân. Một số đơn vị cũng quan tâm và đã tiến hành khảo sát, tuy nhiên đến nay việc bán là không thành công.
Với các phương án chuyển nhượng và cổ phần hóa, khó khăn cơ bản cũng như phương án bán. Việc kêu gọi cổ phần hóa cho một đơn vị chưa thể hoạt động là điều vô cùng khó khăn, gần như chẳng có đối tác nào lại đầu tư tiền để mua cổ phần của một đơn vị chưa có khả năng tạo ra lợi nhuận.
“Cốt lõi của vấn đề ở chỗ, hiện nay giá tôn cán nóng trên thị trường là rất thấp, chủ yếu là do nguồn tôn giá rẻ từ Trung Quốc nên khó có người nào lại mạo hiểm đấu tư hàng nghìn tỷ đồng để mua lại nhà máy rồi sau đó vận hành trong điều kiện kinh doanh bán hàng chưa chắc đã có lãi” - ông Văn bộc bạch.
Vậy là, khối tài sản là Nhà cán nóng thép tấm Cái Lân 2.900 tỷ đồng (cộng thêm 400 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng là 3.300 tỷ) dần trở thành đống phế liệu hoang tàn theo năm tháng.
Rất nhiều tấm tôn lợp xung quanh nhà máy rụng rơi, tạo thành những mảng trống lớn.
Lò nung phôi - công đoạn đầu tiên trong dây chuyền sản xuất được mua mới từ Trung Quốc.
Trạm bơm nước rửa phôi sau nung đã bị nước mưa hắt vào và nước biển ngấm mặn.
Nhiều thiết bị đã hỏng hóc, hoen gỉ.
Dây chuyền chạy máy đánh vẩy phôi...
Và cụm máy cán thép chính – trái tim của nhà máy – kể từ khi ngừng sản xuất từ tháng 9.2010, đến nay vẫn chưa một lần được bảo dưỡng.
Lớp bụi phủ dày theo năm tháng nhưng vẫn còn tàn tích của những công nhân nghịch ngợm để lại.
Máy mài trục, thiết bị rời đắt nhất nhà máy với giá hơn 2 triệu USD, giờ cũng trở thành đống sắt bất động.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân: Hiện đơn vị có 50 lao động, nhưng trong số đó có tới 41 người làm bảo vệ. Nguồn thu chủ yếu để duy trì chi trả lương là từ cho thuê mặt bằng, kho bãi.
Bất cứ ai khi bước chân vào nhà máy này đều không khỏi xót xa khi nhìn cảnh hoang tàn, máy móc thiết bị hàng nghìn tỷ đồng đang dần trở thành đống phế liệu. Chính ông Hoàng Việt Văn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cán nóng thép Cái Lân - cũng phải thốt lên đau xót: “Chúng tôi thực sự lo lắng khi hàng ngày phải chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của nhà máy cán thép được đầu tư hiện đại nhất khu vực. Nhiều chi tiết bị hỏng, đặc biệt là nước biển ngấm làm hỏng hệ thống thủy lực chìm (lắp đặt dưới hầm sâu 8,5m, điều khiển trục quay máy cán chính) do lâu ngày không duy trì bảo dưỡng”.
Liệu có còn lối thoát tối ưu cho khối tài sản 3.300 tỷ đồng trên hay không? Câu hỏi vẫn cần câu trả lời từ các nhà quản lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.