Lê Thanh Phong xuất hiện trên báo Lao Động từ năm 1996. Từ năm 2005, anh bắt đầu viết bình luận, nhiều bài có sức lôi cuốn bạn đọc.
Lê Thanh Phong còn chọn cho mình 3 bút danh có định ngữ là chữ chân: Lê Chân Nhân,
Chân Tâm, Chân Ngôn trên các báo trong nước, hàm ý dùng ngòi bút nói lên sự thật, bảo vệ sự thật. Tập sách in lần này chỉ tuyển chọn 150 bài với bút danh Lê Thanh Phong trên Báo Lao Động, không phải vì hay nhất mà vì còn hôi hổi tính thời sự.
Bình luận, thể loại được coi là thần công, đại bác của mặt trận báo chí. Thường tòa báo chỉ giao cho những người có trọng trách và tay nghề cao chấp bút bài bình luận.
Bởi vì để viết tốt thể loại này người viết cần phải có trí tuệ sâu sắc, kiến văn uyên bác, tư duy lô gic, và cách diễn đạt độc đáo giàu cá tính để phân tích, đánh giá chính xác bản chất của các sự kiện quan trọng vừa xảy ra, dự báo đúng xu thế phát triển của nó, có quan điểm phù hợp với xu thế tự do, dân chủ của thời đại, từ đó đưa ra quyết định: Phải khuyến khích hoặc ngăn chặn những sự việc tương tự xảy ra. Lâu nay thể loại bình luận bị người đọc định kiến là khô khan, dễ nghẹn. Đó là do người viết chưa đủ sức nhập thân vào sự kiện, trăn trở với sự kiện, tư duy và xúc cảm hòa quyện vào nhau, tuôn trào cuồn cuộn theo dòng chữ. Bài bình luận hay đòi hỏi sự phân tích sắc sảo, bất ngờ và bằng thứ ngôn ngữ chính xác, đẹp đẽ một cách tài hoa.
Bình luận của Lê Thanh Phong cho thấy khá rõ bản lĩnh của người viết đáp ứng được yêu cầu khắt khe nói trên.
Bìa cuốn sách "Ánh đuốc giữa ban ngày", chọn lọc 150 bài bình luận của tác giả Lê Thanh Phong.
Ngày 3-7 các báo tường thuật bài nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cử tri Hải Phòng về hành động hung hăng của Trung Quốc và cách ứng xử của Việt Nam. Lê Thanh Phong phân tích hai ý lớn của Thủ tướng bằng tựa đề “Hòa bình và chủ quyền”, có nhiều câu lay động lòng người: “Đại Việt ta được cha ông khai khẩn, khắc triện bằng xương và đóng dấu bằng máu cho đến hôm nay, không thiêng liêng sao được.” Một câu kết súc tích: “Việt Nam chưa bao giờ là người đầu tiên rút kiếm ra khỏi vỏ và bao giờ cũng là người cuối cùng tra kiếm vào vỏ”.
Trong phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục, Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu: “Những người có bằng giả hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Lê Thanh Phong viết bài “Chữ “chui” của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận”, cùng hệ mờ ám xấu xa như các chữ lẻn, lòn: “Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào”.
Điều bất ngờ khi người viết cho rằng ý kiến trên là một phản biện về chất lượng cán bộ công chức, viên chức mà Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng công bố : Có 99% số công chức , viên chức hoàn thành nhiệm vụ! Người viết đã khéo chọn một lời bình gián tiếp “Dư luận xem ông Bình là người thích đùa, là chính khách rất có khiếu hài hước”. Người viết cũng rất công bằng khi trao dư luận tới ông Bộ trưởng GD ĐT : “Trách nhiệm của ông cũng không hề nhỏ trước cái sự “chui” này!”
Vụ 5 công an đánh chết người ở Phú Yên báo chí cả nước tốn không ít giấy mực, nhà bình luận Lê Thanh Phong khéo dùng lời của “nhân dân tuyên án” bén ngót : “5 vị công an này đã dùng dùi cui quật vào lương tâm của chính mình. 5 vị công an này đã dùng dùi cui quật vào danh dự của người công an nhân dân. 5 vị công an này đã dùng dùi cui quật vào lòng tin của nhân dân”.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi ngày người dân đứng trước cả một núi tin tức, sự kiện.
Nhà báo viết bình luận là người kiểm chứng thông tin, giúp công chúng biết phán xét loại tin tức nào, chọn lựa tin tức nào cần thiết cho mình để giành lấy quyền làm chủ cuộc sống.
Ở các nước tiên tiến có nền dân chủ được thiết lập hàng trăm năm vẫn bị các giáo sư của Đại học Missouri danh tiếng Hoa Kỳ nhận xét rằng “Nền dân chủ không được thực thi tốt như lẽ ra nó phải như thế. Do đó nhà báo có trách nhiệm phải cố gắng làm gì đó để cải thiện tình trạng này”.
Vậy thì cho đến nay ở nước ta chắc chắn vẫn chưa thoát khỏi tình trạng mà nhà báo Vũ Bằng đã từng kể trong quyển hồi ký báo chí nổi tiếng của ông: "Ở những nước tiên tiến, sự tranh đấu của báo chí tương đối nhẹ nhàng hơn. Ở nước ta, thiên la địa võng nhiều, tất nhiên cuộc tranh đấu cam go, đau khổ”.
Nhà báo, nói chung phải dũng cảm vượt qua chông gai, chướng ngại, nhà báo viết bình luận, một thể loại luôn luôn công khai rạch ròi các quan điểm nhìn nhận sự việc thì lại càng phải đương đầu với các thế lực bảo thủ, giáo điều nặng nề hơn ! Đọc Lê Thanh Phong có thể thấy được sự dũng cảm đó.
Góp ý về Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng phải sửa đổi ngay cơ chế quá nặng nề về cơ cấu, hiệp thương đưa tới tình trạng có nhiều quan chức vào Quốc hội. Các vị này do bận việc lãnh đạo ở đơn vị, địa phương không thể đi họp, đưa tới tình trạng có những chiếc ghế trống trong các kỳ họp. Lê Thanh Phong bình luận “Khi vai trò của một quan chức là chính còn vai trò đại biểu Quốc hội là phụ thì rõ ràng ưu tiên không thuộc về phía cử tri”. Anh còn giúp người đọc nhìn ra một tác hại khác đáng sợ hơn: “Đối với những người không làm được công việc của một đại biểu Quốc hội, cho dù họ có mặt thì chiếc ghế đó vẫn trống”!
Nói về một số người dám đứng ra kiện các quan chức: Ông Huỳnh Uy Dũng kiện chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, giảng viên Hoàng Xuân Quế kiện Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mà không sợ nguy hiểm trước uy quyền, nhà bình luận khuyến khích: "Một số quan chức có kiểu ứng xử như quan lại phong kiến là vì người dân chưa khai thác hết quyền và nghĩa vụ công dân trong một xã hội dân chủ. Nếu dân còn sợ quan chức như thảo dân sợ quan lại thời phong kiến thì áp bức bất công sẽ còn. Hãy biết chúng ta đã và đang là công dân, không còn là thần dân!”.
Bài “Hãy cho luật sư được nói hết ý”, người viết phê phán Hội đồng xét xử của tòa án Hà Nội một cách thẳng thắn, mạnh mẽ hiếm có: “Chỉ có những phiên tòa mà án đã “bỏ sẵn trong túi” mới không cần nghe luật sư bào chữa, không cần chứng cứ mới. Chỉ có những phiên tòa mà bản án được tiền chế mới xem thường tranh luận để tìm sự thật khách quan. Những phiên tòa mà tranh luận bị xem thường thì luật sư chỉ là những bộ vét tông trang trí cho tòa án mà thôi”.
Các nhà nghiên cứu về báo chí hiện đại cho rằng vào thế kỷ 21, nhà báo cần phải có sự hiểu biết rộng hơn các thế hệ nhà báo trước kia. Bởi vì ngày nay có rất nhiều vấn đề đang gia tăng : Sinh vật học (AIDS chưa thể chữa trị), xã hội học (những tộc người thiểu số đang trở thành đa số), thống kê học (thế giới quanh ta là thế giới định lượng) và rất nhiều kiến thức khác cần phải biết để lý giải được cái thế giới ngày càng phức tạp và có sự tương quan chặt chẽ.
Lê Thanh Phong đã chứng tỏ sự hiểu biết khá rộng qua nhiều đề tài đã đề cập từ kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, pháp luật, quan hệ quốc tế… Hiếm có nhà báo được bạn đọc nhớ đến một cách sâu sắc, gắn bó như anh.
Xin kể chuyện Lê Thanh Phong được “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu coi là nhà báo thần tượng của mình. Ông Võ Hồng Ngoãn là một nông dân nghèo, nhưng rất thông minh, ham hiểu biết, là bạn đọc của nhiều tờ báo. Ông tìm trong báo để học cách làm ăn của thiên hạ. Năm 2001, ông bán hết bò dê, chuyển sang nuôi tôm và nhanh chóng trở thành “vua tôm”.
Một lần “vua tôm” đọc bài bình luận của Lê Chân Nhân bàn về nghề của mình đã vỗ đùi kêu lên “hay quá!”. Dò la tìm hỏi, ông được cho biết: Lê Chân Nhân là một nhà báo nữ ở tận ngoài Hà Nội. Tiếc thật, xa quá! Khá lâu sau, ông được mời dự “Cuộc họp mặt các điển hình sản xuất giỏi” tổ chức ở Hà Nội. Vua tôm quyết định phải đi dự để được gặp nhà báo thần tượng. Ra đó ông mới hay: Lê Chân Nhân là nhà báo Lê Thanh Phong công tác ở cơ quan thường trú báo Lao Động tại TP.Hồ Chí Minh. Vé máy bay khứ hồi Cần Thơ - Hà Nội, ông không ghé tìm thần tượng được.
Sau khi ổn định công việc do một thời gian đi xa, ông gọi điện mời: "Anh Lê Thanh Phong ơi, tui thèm gặp anh quá! Nhưng tôi không thể bỏ mấy ruộng tôm để đi xa được. Anh chịu khó chạy xuống chơi với tôi một ngày thì vui quá. Tiền vé, tiền nhậu tôi xin lo hết”.
Trước chân tình của người bạn đọc, Lê Thanh Phong đã sắp xếp thời gian vượt 300 cây số diện kiến vua tôm.
Tại ngôi biệt thự của mình, vua tôm mở tiệc mừng nhà báo thần tượng, có mời khá nhiều bạn bè. Ông đưa ra cả chồng các bài “Sự kiện và Bình luận” của Lê Thanh Phong trên báo Lao Động mà ông đã cắt ra cho bà con lối xóm đọc. Ông đặt ra cho thần tượng bao nhiêu câu hỏi về tình hình trong nước và quốc tế. Vừa nghe Vua Tôm vừa ghé tai nhà báo Nguyễn Phấn Đấu ngồi cạnh: “Cha này viết hay mà nói cũng hay. Cái gì cha cũng biết, hèn chi viết đọc thật đã!”.
150 bài bình luận trong tập sách này như ánh đuốc soi sáng nhiều sự thật bị che khuất. Chúng ta dễ đồng cảm với Vua Tôm Võ Hồng Ngoãn: “Đọc thật đã!”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.