Anh em cùng họ đánh nhau, một người lĩnh án

Xuân Lực Thứ bảy, ngày 14/06/2014 19:32 PM (GMT+7)
Ngày 13.6, TAND huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thế Công (SN 1990, thôn Tân Thịnh, xã Bồng Lai, Quế Võ) và tuyên phạt bị cáo này 6 năm 6 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Bình luận 0

Người bị hại là anh Nguyễn Thế Huy (SN 1992, ở cùng thôn Tân Thịnh, có quan hệ dòng tộc với bị cáo Công).

Theo cáo trạng, khoảng 20h30 ngày 26.6.2013, Nguyễn Thế Huân (SN 1995) đi chơi với Nguyễn Thị Lan (trú cùng thôn Tân Thịnh) ở đường đê thôn Tân Thịnh thì bị Hoàng Văn Nguyên chặn đánh. Lúc này, Lan đã gọi điện về báo cho bố đẻ Huân là ông Nguyễn Thế Thi (SN 1968). Ông Thi bảo con trai là Nguyễn Thế Huy ra đón Huân về. Huy đi xe máy ra đê Tân Thịnh song không gặp Huân nên quay về làng, khi đến ngã ba thôn Tân Thịnh thì xảy ra xô xát cãi nhau với ông Nguyễn Thế Tưởng (SN 1966, ở thôn Tân Thịnh). Lúc này Nguyễn Thế Công cầm dao quắm bằng tay phải đến chém Huy hai nhát vào mang tai trái và khuỷu tay trái khiến Huy phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Kết luận giám định, Huy bị thương tích 43%.

Cáo trạng cũng nêu rõ,  tại cơ quan điều tra, lúc đầu Công khai nhận đã dùng dao quắm giấu sẵn trong bụi găng ở ngã ba làng, khi sự việc xảy ra Công lấy con dao quắm và chém Huy hai nhát: Một nhát vào tay trái và một nhát vào đâu không biết vì trời tối. Nhưng sau đó, Công khai khi gặp Huy, giữa Công và Huy xảy ra xô xát. Huy định chém Công và Công đã giằng được con dao, làm con dao rơi xuống đất. Công cầm con dao đó vung lên bằng tay trái theo chiều từ dưới lên, Huy lao vào nên trúng người. Tuy nhiên, căn cứ giấy chứng nhận thương tích, bản giám định pháp y, cơ chế hình thành vết thương, lời khai của bị hại và các lời khai của nhân chứng, có đủ căn cứ xác định Công dùng dao chém Huy liên tiếp hai nhát.

Tại phiên tòa ngày 13.6, trong phần xét hỏi, bị cáo Công cho biết mình và bên bị hại có quan hệ dòng tộc. Công cũng thừa nhận, thương tích của anh Huy là do bị cáo gây ra. Tuy nhiên, Công khẳng định mình không cố ý chém Huy. Công khai rằng, sau khi thấy bố chạy ra ngoài thì Công chạy theo, thấy ông Thi và anh Huy tay đang cầm dao xô xát với bố mình. Sợ Huy chém bố nên Công chạy lại giằng được con dao làm con dao rơi xuống đất, rồi Công cầm con dao đó vung lên thì Huy lao vào nên trúng người.

Khi HĐXX đặt câu hỏi, vì sao lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và tại tòa lại mâu thuẫn với nhau thì Công cho biết mình bị cán bộ điều tra ép cung. Tuy nhiên, bị cáo Công không có bằng chứng chứng minh lời khai của mình.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Công nhiều lần đề nghị với HĐXX, đưa nạn nhân Huy đi giám định lại. Tuy nhiên, trả lời trước tòa, anh Huy từ chối đi giám định và cho rằng kết quả giám định tỉ lệ thương tích đã thể hiện đúng sự thật tình trạng sức khỏe của anh.

Tranh luận tại tòa, luật sư Lại Xuân Cường – Văn phòng luật sư Quốc Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) trình bày: Tại phiên xét xử ngày 24.4.2014 đối với bị cáo Nguyễn Thế Công, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó có hai nội dung là cho thực nghiệm điều tra vụ án và cho trưng cầu thương tích người bị hại là do vật sắc thẳng hay cong gây ra. Sau đó, VKSND huyện Quế Võ đã bổ sung hai công văn có nội dung giải thích về cơ chế hình thành việc gây thương tích. Tuy nhiên, việc thực nghiệm hiện trường đã không được bổ sung.

Luật sư Cường cho rằng, nếu không cho thực nghiệm hiện trường thì khó xác định lời trước và lời khai sau của bị cáo Công, lời khai nào có căn cứ. Đồng thời, việc xác định bị cáo chém bằng dao rựa hay dao quắm rất quan trọng. “Nếu VKS vẫn dựa vào lời khai của các nhân chứng để khẳng định anh Công dùng dao chém thì cần đặt ra vấn đề là chém bằng dao rựa hay dao quắm. Việc dùng dao gì chém là việc khác nhau hoàn toàn. Công cũng chưa bao giờ khai mang dao quắm như cáo trạng nêu”, luật sư Cường nói.

Ngoài ra, luật sư Cường cũng cho rằng, giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh không phải văn bản giám định pháp y, nên không có giá trị làm căn cứ xem xét như chứng cứ. Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị tham khảo tạm thời và làm căn cứ để đưa ra kết luận giám định pháp y.

Cũng theo luật sư Cường, VKSND huyện Quế Võ đã bổ sung hai công văn với nội dung giải thích cơ chế hình thành vết thương từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ và Phòng Giám định pháp y. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, đây không phải kết luận trưng cầu giám định mà chỉ là văn bản trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan với nhau nên không có giá trị làm chứng cứ để xem xét. “Để có một kết luận giám định cần có quyết định trưng cầu giám định của cơ quan điều tra gửi cơ quan giám định và những người tiến hành giám định phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định mà mình đưa ra”, luật sư Cường nói.

Sau khi trình bày quan điểm, luật sư Cường đề nghị HĐXX tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong đó, luật sư Cường đề nghị tiến hành thực nghiệm điều tra để đánh giá chính xác lời khai của bị cáo Công; giám định lại toàn bộ tỉ lệ thương tật của bị hại, đồng thời trưng cầu giám định cơ chế hình thành thương tích theo đúng trình tự của pháp luật. Ngoài ra, luật sư còn đề nghị cơ quan điều tra cần truy tìm hung khí bị cáo Công đã dùng gây thương tích cho nạn nhân Huy và con dao nạn nhân Huy mang theo nhưng nói để trên xe.

Đối đáp lại phần bào chữa của luật sư bào chữa, đại diện VKS cho biết, sau khi HĐXX phiên tòa ngày 24.4 quyết định trả hồ sơ điều tra lại, VKS đã xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án và nhận thấy rằng, lời khai của nhân chứng, bị can và các chứng cứ khác phù hợp với nhau nên không nhất thiết phải điều tra lại. Về trưng cầu giám định cơ chế hình thành vết thương, VKS khẳng định, cơ chế hình thành vết thương đã được nêu rõ theo công văn giải thích của Phòng Giám định pháp y  (Sở  Y tế tỉnh Bắc Ninh). Công văn này có giá trị giải thích kèm theo bản giám định pháp y, do vậy đã làm rõ được cơ chế hình thành vết thương đối với người bị hại, phù hợp với tài liệu chứng cứ trong hồ sơ. Về giá trị pháp lý, đại diện VKS nêu căn cứ khẳng định, bản giám định pháp y số 34 của Phòng Giám định pháp y phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, đại diện VKS cũng cho rằng, dựa trên lời khai của các nhân chứng, người bị hại, có đủ căn cứ xác định bị cáo Công dùng dao quắm chém anh Huy.

Trên cơ sở xem xét toàn diện các chứng cứ tài liệu của vụ án, kết quả tranh luận, ý kiến của các bên tại tòa, HĐXX cho rằng việc Nguyễn Thế Công dùng dao chém anh Nguyễn Thế Huy như truy tố của VKS huyện Quế Võ là có căn cứ pháp luật. Xét thấy hành vi của bị cáo Công gây nguy hiểm cho xã hội nhưng xuất phát từ sự hiểu nhầm, sau khi gây án đã có ý thức bồi thường cho bị hại nên HĐXX quyết định phạt bị cáo này 6 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem