Anh hùng "áo vải cờ đào" Quang Trung và tài năng được khắc ghi
Anh hùng "áo vải cờ đào" Quang Trung và tài năng được khắc ghi
Chủ nhật, ngày 11/10/2020 10:34 AM (GMT+7)
Mộng lớn của vị anh hùng "áo vải cờ đào" Quang Trung phải dừng lại đột ngột nhưng tài năng, chí lớn của ông thì hậu thế mãi mãi khắc ghi và đánh giá cao.
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.
Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.
Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.
Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.
Hoàng đế Quang Trung - vị anh hùng "chọc trời khuấy nước" khiến phương Bắc khiếp sợ
Đất Tây Sơn, dân gian khi nhắc đến anh em nhà "Tây Sơn tam kiệt", Văn học dân gian Tây Sơn (Về phong trào khởi nghĩa nông dân) có câu ca ngợi:
"Nguyễn Nhạc vi vương,
Nguyện Huệ vi tướng".
Kiến trổ lá rừng,
Trời trưng gươm báu.
Những việc tên Nhạc, Huệ trên lá, kiếm báu được ban cũng chỉ là hình thức để quy tập lực lượng, tạo nên sức mạnh thần quyền cho cuộc nổi dậy năm Tân Mão (1771).
Nửa cuối thế kỷ XVIII, phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài đi vào giai đoạn hậu kỳ khi các thế lực phong kiến vua Lê - chúa Trịnh cũng như chúa Nguyễn trên bước đường đi xuống. Theo Đại Nam thực lục chép, cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn được bắt đầu từ năm Tân Mão (1771): "Nhạc bèn dựng đồn trại ở miền Thượng đạo ấp Tây Sơn (thượng đạo tức là Man Trung, hạ đạo tức ấp Yên Thành) chiêu nạp những tên trốn tránh, phần nhiều những tên hung ác và vô lại trong khi ấy theo về với Nhạc".
Cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn nhanh chóng được dân tình hưởng ứng, nhờ đó mà địa bàn chiếm lĩnh lan rộng. Từ đất Tây Sơn phong trào nhanh chóng phát triển mạnh mẽ theo hướng ngược Bắc, trở thành môt phong trào có quy mô lớn nhất thế kỷ XVIII, làm vỡ tan chính quyền chúa Nguyễn ở đất Đàng Trong, sụp đổ chính quyền chúa Trịnh đất Đàng Ngoài, lần lượt đánh bại hai thế lực ngoại xâm Xiêm La và Thanh triều, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà cuối thế kỷ XVIII, tạo những tiền đề thuận lợi cho công cuộc thống nhất quốc gia sau này.
Dù trong anh em nhà Tây Sơn có ba người, nhưng tài năng kiệt hiệt vẫn là Quang Trung Nguyễn Huệ ngay đến cả sử nhà Nguyễn cũng phải ghi nhận. Như trong Tây sơn thuật lược, tác phẩm khuyết danh ủng hộ nhà Nguyễn, đã viết về Nguyễn Huệ: "Lúc lâm trận thì chế thắng, uy anh hùng lẫm liệt, cho nên mới bình định phương Bắc và dẹp yên phương Nam, hướng tới đâu thì không ai hơn được". Hay như Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: "Giảo hoạt khôn ngoan, hay đánh nhau, người đều sợ cả".
Riêng về đường chính trị cùng tham vọng của vua Quang Trung. Ban đầu theo anh khởi nghĩa, J.Barrow trong Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) cho biết ông được phong làm Long Nhương tướng quân. Sau được Thái Đức Nguyễn Nhạc phong là Bắc Bình Vương. Đến cuối năm Mậu Thân (1788) tự mình lên ngôi Hoàng đế, thực hiện giấc mộng thống nhất quốc gia.
Trong cuộc nổi dậy nửa cuối thế kỷ XVIII ấy, chứng kiến gương anh hùng cái thế của Quang Trung Nguyễn Huệ. Xem qua cuộc đời vị hoàng đế đất Tây Sơn, có thể điểm những chiến công hiển hách nghìn đời còn mãi ngợi ca, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.
Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh
Về sự kiện này, tác giả xin dẫn phần bài "Tuyển tập những năm Tỵ lẫy lừng trong sử Việt" đăng báo điện tử Kiến thức (ngày 20/1/2013) gửi tới độc giả. Đây là lần chứng kiến sự thất bại đau đớn cho mộng Đông tiến của triều đình phong kiến Xiêm La nơi đất Việt.
Số là lúc ấy, chúa Nguyễn Ánh trước thế mạnh của phong trào Tây Sơn do "Tây Sơn tam kiệt" lãnh đạo, đã cầu cứu người Xiêm sang giúp để lấy lại ngai vàng. Ngay từ tháng 7 năm Giáp Thìn (1784), thủy quân Xiêm đổ bộ lên đất Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta với lực lượng hơn 5 vạn. Nhờ lực lượng đông đảo ban đầu, khí thế đang hăng, quân Xiêm giành được ưu thế trên chiến trường Gia Định. Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy nửa năm sau, số phận đạo quân xâm lược ấy được định đoạt nơi Rạch Gầm - Xoài Mút của đất Mỹ Tho.
Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài khoảng 6km, rộng chừng vài km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cỏ rậm rạp và có nhiều kênh rạch được chọn làm nơi quyết định số phận quân xâm lược Xiêm. Hạ tuần tháng Giêng năm Ất Tỵ (1785), gần 4 vạn trong số 5 vạn quân Xiêm rơi vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn mà bỏ mạng. Bộ phận tàn quân còn lại phải tháo chạy lên bờ, trốn sang đất Chân Lạp để tìm đường về Xiêm, không một lần dám quay đầu trở lại. Đúng là:
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm - Xoài Mút muôn đời oai linh!
Từ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút nơi đất Mỹ Tho ấy, thế và lực của nghĩa quân Tây Sơn ngày càng mạnh để sau này thanh thế mở rộng ra đến Phú Xuân, Bắc Hà, tạo điều kiện về sau đất nước được thống nhất thành hình chữ S hoàn chỉnh ở triều đại nhà Nguyễn.
Đại phá quân Thanh để "sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ"
Đánh cho quân Xiêm chạy dài về phía Tây, năm Bính Ngọ (1786), Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc Hà diệt chúa Trịnh. Lê quý dật sử cho hay, vị anh hùng Tây Sơn được "vua Lê tấn phong Nguyễn Huệ làm Đại nguyên soái phụ quốc chính, gả công chúa Ngọc Hân". Hoàn thành công việc "phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ rút về Nam. Nhưng tình hình Bắc Hà "rối như canh hẹ", chúa Trịnh quay lại nắm quyền, bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh bại. Quân Tây Sơn ra Bắc, diệt Chỉnh, còn vua Chiêu Thống chạy loạn, cầu viện nhà Thanh sang lấy lại ngai vàng.
Sẵn dã tâm biến phương Nam thành đất nội thuộc, vua Càn Long lệnh cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị xuất binh sang Đại Việt. Lê quý kỷ sự ghi: "Nghị truyền hịch cho quân các đạo chia đường cùng xuất phát: Họ Ô (Ô Đại Kinh) đề đốc Vân Quý quản lĩnh quân Vân Quý, do đường Tuyên Quang xuống Sơn Tây; Họ Sầm (Sầm Nghi Đống), tri phủ Điền châu, quản lĩnh quân Điền châu, do đường Cao Bằng vào Thái Nguyên; Tôn Sĩ Nghị và đề đốc Hứa Thế Hanh quản lĩnh vài vạn quân Lương Quảng, do đường đại lộ Nam quan tiến sang".
Trước sức mạnh của quân Thanh, quân Tây Sơn lui về Biện Sơn - Tam Điệp, chờ chủ tướng Nguyễn Huệ ra Bắc. Trước khi ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược, để lấy danh nghĩa chính thống đánh giặc, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung rồi tổ chức cuộc tiến quân thần tốc ra Bắc với khí thế và quyết tâm:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Lời của vua Quang Trung dân dã, mộc mạc nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Đánh để bảo vệ những truyền thống từ ngàn xưa của cha ông ta: tục để tóc, tục nhuộm răng, ăn trầu. Đánh để cho giặc không còn mảnh giáp nguyên vẹn, để khẳng định nước Nam là của người Nam.
Với khí thế "đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ", cờ nghĩa Tây Sơn tiến ra Thăng Long, làm nên những trận Ngọc Hồi, Hạ Hồi, Đống Đa… trong dịp Tết Kỷ Dậu (1789), đến nỗi ở bên kia chiến tuyến, như Lịch triều tạp kỷ còn ghi: "Tôn Tổng đốc nghe tin bọn bộ tướng Hanh, Long, Thăng đã bị tử trận, liên lui quân trở về đồn Tây Long, vội vàng sai làm cầu phao qua sông Nhị Hà, rồi đem quân tướng dưới quyền vượt sông Nhị Hà chay về Bắc. Vua Chiêu Thống cũng vội vã cưỡi ngựa chạy theo Tôn Tổng đốc về Bắc".
Đã lâu lắm rồi, từ sau thời Lý Thường Kiệt "tiên phát chế nhân", đến đây ta lại thấy quân tướng nước Nam chủ động cự địch. Không như vị Thái úy thời Lý tiến quân vào đất địch, vua Quang Trung một mạch ra Bắc, ruổi thẳng ngựa đối mặt với quân thù, đánh một trận mà sĩ khí quân Thanh không còn một nấc. Để từ đó cho tới khi vua Quang Trung mất, ở đất Trung nguyên, vua Càn Long nơm nớp lo sợ quân Nam sẽ sang Bắc gây nạn binh đao. Kể ra, hiếm thời nào mà uy thế nước Nam lại khiến phương Bắc lo sợ như thời Quang Trung sau lần đánh bại 29 vạn quân Thanh năm Kỷ Dậu.
Thống nhất quốc gia, mộng lớn chưa thành
Sau khi đánh tan 29 vạn quân Thanh năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung làm chủ đất Bắc Hà, có phạm vi cai trị rộng lớn nhất trong những thế lực lúc bấy giờ. Và thế lực quân sự cũng mạnh nhất lúc bấy giờ đến Thanh triều cũng phải nể sợ, tham vọng cũng lớn nhất trong những thế lực hiện có. Đó là cơ sở để vị anh hùng áo vải này tiến tới thống nhất quốc gia.
Về mộng lớn thống nhất non sông của vua Quang Trung, chúng tôi đã từng tìm hiểu vấn đề này trong bài "Nhìn nhận về vấn đề thống nhất quốc gia thế kỷ XVII - XVIII" trên tạp chí Xưa và nay số 447 (tháng 5/2014). Nay xin lược thuật gửi đến độc giả.
Ngay trong chiếu lên ngôi công bố năm Mậu Thân (1788) của vua Quang Trung, xem trong Ngô Thì Nhậm tác phẩm, có đoạn viết: "… Trẫm dựng lại nhà Lê, nhưng Lê tự quân (chỉ Lê Chiêu Thống - người dẫn chú) để mất xã tắc, bỏ nước chạy trốn. Sĩ dân Bắc Hà không theo về họ Lê lại dựa vào trẫm. Đại huynh vì khó nhọc mà mỏi mệt, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, khiêm nhường xưng làm Tây vương. Mấy nghìn dặm đất ở cõi Nam thuộc về trẫm cả. Trẫm tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nhân dân đông đức như thế, nghĩ đến thống nhất, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa".
Sau khi thắng Thanh và trở về đất Phú Xuân, Quang Trung tổ chức chính quyền quy củ như một triều đình riêng: chọn kinh đô ở đất Nghệ An (Phượng Hoàng trung đô); tổ chức chính quyền trung ương theo quan chế của triều đại trước; tổ chức hành chính địa phương được chia làm 13 trấn (lúc này mới tính địa giới từ ngoài Bắc vào Quảng Nam)… Bên cạnh đó cho phát hành loại tiền mang niên hiệu của mình, thực hiện chế độ thuế khóa độc lập, mở viện Sùng chính trong lĩnh vực giáo dục đồng thời đề cao chữ Nôm, lại chọn nhân tài để kiến thiết quốc gia, dẹp phiến loạn ở phía Bắc…
Những việc làm trên chứng tỏ, ý thức tạo lập một thể chế chính trị riêng do mình cầm quyền rất rõ ràng ở vua Quang Trung.
Riêng về đối ngoại với nhà Thanh. Hiếm có ông vua nào ở nước Nam có được tư thế kẻ chiến thắng và được sự nể sợ từ phương Bắc như vua Quang Trung. Dù được nhà Thanh phong làm An Nam quốc vương để cai trị Đại Việt. Nhưng ý thức về uy thế, sức mạnh quân sự của bản thân cùng với dư âm của chiến thắng Tết Kỷ Dậu (1789) áp đặt lên nhà Thanh, vua Quang Trung còn thể hiện tham vọng cao hơn thế khi như Đại Nam liệt truyện dẫn "trước kia, 6 châu ở Hưng Hóa, 3 động ở Tuyên Quang, cuối nhà Lê bị thổ ty nước Thanh xâm chiếm, nhiều lần biện bạch mà không thể lấy lại được. Huệ đưa thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng xin định rõ về cương giới cũ. Tổng đốc Lưỡng Quảng cho là cương giới đã định, trả lại thư. Huệ bởi thế hơi không bằng lòng, luyện tập quân lính, làm các hạng thuyền, ngầm có ý dòm ngó Lưỡng Quảng. Từng bảo với tướng hiệu rằng: Để ta sống vài năm nữa, chứa uy thế, nuôi khí mạnh, thì ta có sợ gì kẻ kia".
Năm Nhâm Tý (1792), trước khi mất đột ngột, vua Quang Trung xin với Càn Long để cưới một công chúa nhà Thanh mà theo như Đại Nam liệt truyện chép lại là "để do thám ý vua Thanh, cũng muốn mượn cớ ấy để gây mối binh nhưng gặp khi ốm không đi được". Tham vọng mở mang lãnh thổ về phía Bắc ấy của Quang Trung, được Việt Nam tranh đấu sử chép: "Ngài là một người có rất nhiều cao vọng. Ngài muốn mở mang bờ cõi thêm về phía Bắc bằng cách đòi lại các đất đai của ta".
Cũng năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung chuẩn bị đội quân đánh Nguyễn Ánh hòng tiêu diệt tận gốc chúa Nguyễn ở phía Nam, nhằm thống nhất đất nước. Trong chiếu dụ của vua Quang Trung gửi quân dân Quảng Ngãi và Quy Nhơn có đoạn viết: "Nay vâng mệnh vua anh, Trẫm đang chuẩn bị một đạo quân thủy bộ lớn lao. Trẫm sẽ tiêu diệt ban nghịch họ Trẫm dễ dàng như vò gỗ khô củi mục. Còn các ngươi, chớ kể gì bọn giặc ấy. Đừng sợ chúng. Hãy mở mắt trương tai mà coi, mà nghe việc Trẫm sắp làm. Các ngươi sẽ thấy rằng các xứ Bình Khang (Ninh Hòa), Nha Trang hai mảnh sót của Gia Định, xứ Phú Yên trung tâm chiến địa và xứ cuối từ Bình Thuận đến Cao Miên, tất cả đất ấy sẽ đều đồng thời quy phục về chính quyền ta; để mọi người biết rằng chúng ta là anh em thật và Trẫm không bao giờ quên rằng chúng ta cùng một máu mủ".
Đoạn chiếu trên được giáo sĩ De la Bissachère in bản dịch Pháp ngữ năm 1821 trong sách Etat actuel du Tonkin et de la Cochinchine, học giả Hoàng Xuân Hãn dịch ra tiếng Việt. Chỉ có điều, việc chưa kịp thực hiện thì không lâu sau vua Quang Trung mất đột ngột, nên ý định lấy đất đai phía Nam Quảng Ngãi thu về "chính quyền ta" của ông không thành.
Mộng lớn của vị anh hùng "áo vải cờ đào" phải dừng ở đó, nhưng tài năng, chí lớn của ông thì hậu thế mãi mãi khắc ghi và đánh giá cao. Tỉ như dăm lời nhận định dưới đây.
Việt Nhân trong bài "Thử so sánh Nguyễn Huệ với Nguyễn Ánh" trên báo Tân dân số Tết Kỷ Hợi 1959, có đoạn: "Nguyễn Huệ chỉ bằng vào lực lượng của dân tộc. Huệ đã kết tinh ý chí của dân tộc thành một khối đó, chọi lại với tất cả những sức mạnh nào, bất cứ từ đâu đến xâm phạm đến quê hương xứ sở, bất cần dưới danh nghĩa nào". Còn Ngọc Dương trong bài "Tài dụng binh của Nguyễn Huệ" trên tuần báo Điện báo số 5, ra ngày 19/5/1951 thì tỏ ra tiếc nuối người anh hùng đoản mệnh: "Nguyễn Huệ là một tướng tài giỏi và uy dũng vô cùng, nên khi Huệ mất đi, bộ máy chiến tranh để lại không còn ai tiếp tục điều khiển được nữa. Đây là một điều đáng tiếc vô cùng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.