Ông Lê Văn Uyên- Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền giai đoạn 1967-1975 cho biết, năm 2010, khi ông Mãn được phong tặng danh hiệu AHLLVTND, ông và hàng loạt người từng chiến đấu với ông Mãn đã rất bức xúc. Phải đến cuối năm 2012, khi có trong tay bản thành tích tự khai của ông Mãn, ông Uyên và những đảng viên khác mới có cơ sở tố cáo.
Cùng với ông Uyên, các ông Hồ Văn Nghĩa (Trưởng ban An ninh huyện Phong Điền giai đoạn 1969-1973), Hoàng Văn Phận (Trung đội trưởng Công binh lực lượng vũ trang huyện Phong Điền 1969-1973), Hoàng Tiến Dũng (Đội phó Lực lượng vũ trang huyện Phong Điền 1967-1975), Hoàng Phước Sum (Đội trưởng An ninh huyện Phong Điền 1970-1975), đại diện cho hàng chục cán bộ, chiến sĩ từng sống, chiến đấu với ông Mãn đã ký đơn khiếu nại.
|
Các đảng viên nguyên là cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu với ông Mãn tố cáo hành vi khai man thành tích của ông này. |
Theo ông Uyên, năm 1967, ông Mãn mới thoát ly thì không thể có chuyện năm 1964 ông này “được phân công bảo vệ các đồng chí lãnh đạo tỉnh về đồng bằng” và năm 1966 “diệt gọn một tiểu đội biệt kích Mỹ gồm 6 tên”. Địa điểm “diệt biệt kích Mỹ” mà ông Mãn khai cũng không ai biết. Theo bản khai thành tích của ông Mãn, năm 1968, ông chuyển qua tiểu đoàn trinh sát vũ trang làm nhiệm vụ giải phóng Huế và được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ và huy hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Tuy nhiên, theo ông Uyên, ông Mãn không có mặt trong tiểu đoàn vũ trang nói trên và cũng không được nhận những danh hiệu, huy hiệu đó.
Ngày 28.2, tiếp xúc với phóng viên, ông Hồ Xuân Mãn cho rằng, các đảng viên gửi đơn tố cáo lên Thường vụ Tỉnh ủy thì cơ quan trên phải trả lời. Hiện Thường vụ Tỉnh ủy chưa làm việc với ông về nội dung tố cáo và nếu ông trả lời phóng viên sẽ không khách quan.
Theo bản khai của ông Mãn, năm 1969, ông được phân công về Huyện đội Phong Điền và trực tiếp bám trụ địa bàn xã Phong An, giữ chức vụ xã đội trưởng, kiêm trưởng công an xã. Nhưng theo những người khiếu nại, từ năm 1969 đến tháng 3.1971, ông Mãn ra Quảng Bình học tập và khi về không hề giữ chức trưởng công an xã.
Ông Mãn khai từ 1969 đến 26.3.1975, ông tổ chức đơn vị đánh gần 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 tên Mỹ ngụy, phá hủy 1 máy bay, 37 xe quân sự. Theo tố cáo, từ 1969 đến tháng 11.1971, ông Mãn ở Quảng Bình và làm cần vụ nên không thể tổ chức đánh trận. Mặt khác, từ 1972 - 1975, các xã Phong An và Phong Sơn chỉ đánh hơn 20 trận chứ không có chuyện đánh tới 100 trận...
Ngoài ra, những người tố cáo còn đưa ra một số dẫn chứng nói rằng, ông Mãn đã kê khai thành tích có yếu tố “cướp công” đồng đội. Ngày 5.2. 2013, những người tố cáo ông Mãn đã gửi đơn đến Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và nhiều cơ quan cấp T.Ư đề nghị xóa tên ông Mãn khỏi danh sách AHLLVTND. Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cơ quan này đã nhận được đơn khiếu nại và sẽ kiểm tra, xử lý theo quy định.
Theo những người đứng đơn tố cáo, họ tố cáo vụ việc là vì trách nhiệm của đảng viên, vì danh dự của quân đội, của Đảng. Mặt khác, trong quá trình làm đơn, họ đã nghiên cứu kỹ Luật Khiếu nại Tố cáo. Một số luật sư cũng khẳng định việc khiếu nại , tố cáo của những đảng viên trên hoàn toàn đúng luật.
Nhóm P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.