Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 tái bùng phát: Doanh nghiệp thêm kiệt quệ, nhiều lao động mất việc
Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 tái bùng phát: Doanh nghiệp thêm kiệt quệ, nhiều lao động mất việc
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 08/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, 47% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ buộc phải cắt giảm lao động khi Covid-19 tái bùng phát.
Cuộc khảo sát lần thứ ba được Ban IV tiến hành giữa tháng 8/2020, sau khi đợt dịch Covid-19 thứ hai bùng phát, cho thấy sức khoẻ doanh nghiệp "thêm kiệt quệ". Theo kết quả khảo sát, 20% doanh nghiệp (DN) tham gia khảo sát phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Doanh nghiệp kiệt quệ
Saigontourist vốn là DN 5 sao trong ngành du lịch. Thế nhưng kể từ đầu năm 2020 tới nay, hoạt động kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Bà Nguyễn Hoài Thu - Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Hà Nội cho biết, đến hết quý 2, nguồn tích luỹ của DN đã dần cạn. Do đó, DN phải rà soát lao động để có biện pháp mới trong những tháng tiếp theo. Sang quý III, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì hoạt động của công ty đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nguồn thu du lịch nội địa cũng bị chặn gần như hoàn toàn. DN đã phải cắt giảm một bộ phận lao động để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài những giải pháp cấp cứu hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, giảm lãi suất, khoanh nợ... thì cần tìm giải pháp lâu dài để doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng. Tiếp đến, phải xây dựng kế hoạch phát triển trong giai đoạn mới".
Bà Nguyễn Thị Lan Hương -
chuyên gia lao động
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa tái sinh cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần 2 đã và đang tác động nặng nề tới 2.000 DN sản xuất, kinh doanh nhựa. Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, vì thế các DN bị giảm 40-50% đơn hàng cả trong nước và xuất khẩu. Trong đó, một số DN tái chế, gia công vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề nhất. Chỉ một số DN lớn cầm cự được.
Chịu áp lực kép
Theo khảo sát của Ban IV, DN du lịch dịch vụ lữ hành, lưu trú tiếp tục là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19. Những khó khăn lớn nhất mà họ đang phải đối mặt trong tình hình hiện nay và 6 tháng tới là không có đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dịch vụ; trả tiền vay gốc và lãi ngân hàng và đảm bảo tiền trả lương, BHXH... cho người lao động. Ngoài ra còn những khó khăn khác như thiếu tiền trả nguyên, nhiên liệu đầu vào, tiền thuê kho, bãi, xưởng, chi phí tiền trả thuê đất năm 2020 tăng vài chục phần trăm so với trước đó.
"Covid-19 gây ra thiệt hại diện rộng các ngành, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường khủng hoảng... khiến DN không còn khả năng thanh toán và gây ra áp lực kép cho họ bởi vẫn phải đảm bảo các khoản chi ngay cho nguyên liệu, nhân công" - báo cáo khảo sát của Ban IV nêu.
Nhưng hệ lụy nghiêm trọng hơn là làn sóng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng, khi ở đợt dịch đầu tiên đa phần DN đều cố gắng không sa thải lao động. Tác động của đợt dịch thứ hai khiến hơn 47% DN phải cắt giảm lao động. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất do không có khách hàng. Các DN nhỏ, siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé phần lớn sa thải toàn bộ nhân viên; với DN lữ hành quốc tế, tỷ lệ này là 80%, còn với DN lớn là 40-50%.
Dệt may chỉ có đơn hàng cho từng tuần
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dệt may đóng góp gần 22 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung 8 tháng đầu năm nay, song vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019. Đợt dịch mới bùng phát trở lại trên toàn cầu khiến sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục "ngập" trong khó khăn.
Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau. Nhưng giờ tình hình hoàn toàn khác khi hầu hết các doanh nghiệp hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn vị hiện mới nhận được 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái, các tháng còn lại năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
L.A
Không riêng ngành du lịch, cắt giảm lao động là "động thái chung của nhiều DN, lĩnh vực trong đợt dịch bùng phát lần 2". Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, các DN trực thuộc đã cắt giảm 10% số lao động. Số lao động phải nghỉ việc vì Covid-19 tại các đơn vị thành viên của Hiệp hội Nhựa Việt Nam là 30-60%. Trong lĩnh vực chế biến gỗ, mỹ nghệ, số lượng lao động bị sa thải cũng tới 30%...
Đa phần các DN, đại diện hiệp hội đều cho rằng họ tồn tại tới thời điểm này là "nỗ lực cực kỳ lớn nhưng nỗ lực bỏ ra để giữ người lao động, nhất là nhân sự chủ chốt, quản lý... còn lớn hơn". Chủ DN thấy rõ chi phí cơ hội của việc sa thải hàng loạt nhân sự và chi phí tuyển dụng lại rất cao nên đã áp dụng nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Song, áp lực đảm bảo dòng tiền trả lương, BHXH, y tế và các khoản phí liên quan tới công đoàn trong bối cảnh lượng tiền thực của DN ngày càng mỏng, vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, khiến họ không còn lựa chọn nào khác.
Trao đổi về các kiến nghị sau khảo sát lần thứ ba được Ban IV đưa ra, bao gồm việc giảm tiền đóng BHXH và miễn phí công đoàn..., ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa tái sinh cho hay: "Cộng đồng DN trong hiệp hội cũng đã có kiến gửi các bộ, ngành có liên quan, kiến nghị Nhà nước hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, giãn nợ. Riêng về việc giảm thuế 30%, tôi cho rằng không cần thiết. Bởi vì DN nào làm ăn tốt thì vẫn cần phải đóng thuế chung tay với Nhà nước. DN nào khó khăn, không có doanh thu rồi thì cũng không đóng thuế,nên không cần đặt vấn đề giảm thuế thu nhập DN" - ông Vượng nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động cho rằng, để giúp các DN thoát khỏi khủng hoảng, giờ đây Nhà nước cũng với các DN phải đánh giá lại các chuỗi hoạt động. Ví dụ trong lĩnh vực du lịch, khi thị trường quốc tế bị đứt gãy thì Nhà nước phải cùng với DN tìm giải pháp để kích cầu du lịch.
"Không phải chỉ cần giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các bộ ban ngành phải cùng với DN xây dựng chiến lược mới, chuyển đổi sản xuất kinh doanh. Theo đó, mảng nào, DN nào trụ được thì hỗ trợ, tìm giải pháp để phát triển, cái nào không trụ được nữa thì giải tán hoặc chuyển đổi" - bà Hương nêu.
Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: "Rõ ràng dịch bệnh đã tạo ra những cuộc khủng hoảng kép: Khủng hoảng y tế; khủng hoảng kinh tế; khủng hoảng thị trường lao động... Đây vẫn chưa phải là thời điểm để kết luận đâu mới là đáy của cuộc khủng hoảng".
Theo ông Huân, Nhà nước cần phải chủ động trong việc thiết kế chính sách hỗ trợ tức thời cũng như các giải pháp phát triển lâu dài. Ngoài ra, phải thực hiện tốt hơn nữa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Với doanh nghiệp có thể bám vào phần kê khai nộp thuế, với người lao động thì phải thực hiện khai báo online để quản lý, nắm bắt.
"Để cải thiện tình hình thì không chỉ nhà nước mà cả DN cần phải chủ động tìm giải pháp tổ chức hoạt động sản xuất, cũng như đảm bảo an sinh xã hội trong "trạng thái bình thường mới" - ông Huân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.