Chị Đoàn Thị Kim Thoa, ngụ ở ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm cho biết, gia đình có 1.300m2 đất trồng lúa vụ đông xuân. Tuy nhiên, do nước mặn xâm nhập nên lúa không thể phát triển được.
Chị Thoa cắt lúa cho bò ăn
Nền đất sản xuất lúa của chị Thoa bị khô, nứt nẻ
Đất lúa của chị Thoa đã bị khô cạn, nứt nẻ, cây lúa không thể sống tiếp vì không có nước tưới. Vì vậy, chị quyết định cắt đem về cho 7 con bò của gia đình nuôi ăn dần. Bởi nếu không cắt thì cây lúa cũng chết khô.
Theo chị Thoa, ngành chức năng địa phương có khuyến cáo không xuống giống để né hạn, mặn nhưng do chị cảm thấy mùa này cây lúa có thể vượt qua nên đã mạnh tay "xé rào".
Chị Thoa cho biết thêm, nhiều hộ dân trồng lúa như chị cũng tận dụng cây lúa làm thức ăn cho bò.
Sau khi cắt, chị Thoa cho cây lúa vào bao đem về cho bò ăn
Ông Nguyễn Tấn Tài sống ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri có hơn 3.000m2 đất lúa. Vụ đông xuân này, do nước mặn nên không thể phát triển và ra bông được. Để không bỏ phí, ông cắt cho đàn bò 8 con ăn.
Ông Tài cắt lúa đem về trộn lẫn với cỏ cho bò ăn
Cũng như chị Thoa và ông Tài, ông Phạm Văn Hiền ở ấp Sớm Mới, xã Mỹ Hoà, huyện Ba Tri cho hay, gia đình ông có 1.000m2 đất sản xuất lúa.
Nhiều đàn bò được thả ăn trên đồng ruộng
Hiện lúa đã được 2,5 tháng và đang trong giai đoạn ngậm sữa thì bị nước mặn xâm nhập, dẫn đến việc không ra bông được. Thời gian này, cứ cách từ 2 đến 3 ngày, ông Hiền đi cắt số lúa trên đem về trộn lẫn với cỏ cho bò ăn.
Ông Hiền còn cho hay, ở xã Mỹ Hoà, có rất nhiều người cắt lúa cho bò ăn như ông đang làm.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, lúa đông xuân 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh xuống giống khoảng 5.280 ha, tập trung ở huyện Ba Tri, huyện Giồng Trôm và huyện Bình Đại. Do ảnh hưởng của hạn, mặn nên lúa sinh trưởng chậm, ước diện tích bị ảnh hưởng là 4.856 ha.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.