Đường Phạm Văn Đồng trước cổng Đại học Ngoại ngữ, nhiều sinh viên sau khi xuống xe buýt đã cắt dòng phương tiện đông đúc để sang đường bất chấp nguy hiểm.
Từ ngày 1.2, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội đã ra quân kiểm tra, xử phạt người đi bộ đi không đúng làn đường, qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc... Tuy nhiên, ngày 29.2, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng trên vẫn diễn ra rất phổ biến trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội.
Vừa trèo qua dải phân cách cứng đường Phạm Văn Đồng để sang công viên Hòa Bình tập thể dục, ông Trần Văn Tấn (52 tuổi, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phân trần: “Nhà tôi ở ngõ 104 Cổ Nhuế, nếu muốn sang công viên mà không trèo qua dải phân cách thì phải đi bộ lên đầu bến xe Nam Thăng Long hoặc ngã tư Cổ Nhuế dài hơn 1 cây số. Biết là nguy hiểm thế nhưng vẫn phải liều”.
Tại đường Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đoạn qua điểm trung chuyển xe buýt gần Đại học Điện lực và Cao đẳng Du lịch Hà Nội dù có cầu vượt bộ hành ngay gần đó nhưng rất nhiều người dân và sinh viên vẫn băng cắt dòng phương tiện để sang đường.
Dương Văn Hướng (sinh viên năm 4 trường Đại học Điện lực) cho biết: “Mọi khi tôi vẫn hay đi lên cầu vượt bộ để sang đường nhưng hôm nay do bị muộn học nên tôi sang đường vội để kịp giờ vào lớp”.
Mọi người vẫn giữ thói quen tiện ở đâu sang ở đó mà không biết mình đang vi phạm luật đường bộ.
Tại một số điểm sang đường quanh Hồ Gươm như khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, điểm xe buýt Bờ Hồ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… dù đã có vạch kẻ sang đường nhưng một số người vẫn không chấp hành luật giao thông.
“Người thì đi đúng vạch kẻ đường, người thì sang đường tùy tiện, nói chung là chưa có quy củ gì. Mấy hôm, tôi có thấy cảnh sát giao thông đứng đây kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt một vài người nhưng sau đó lại đâu đóng đấy”, ông Dương Văn Mạnh - xe ôm ở gần tượng đài Cảm Tử cho biết.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội): Tính từ ngày 1-24.2, Phòng đã kiểm tra, xử lý 542 người đi bộ vi phạm Luật giao thông, phạt thành tiền hơn 38 triệu đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu: Sang đường không đúng nơi quy định (288 trường hợp); mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông (82 trường hợp); đi không đúng phần đường quy định (67 trường hợp).
Chia sẻ về khó khăn trong việc thực hiện kiểm tra và xử phạt người đi bộ sai quy định, Đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: “Hiện nhiều tuyến phố tại Thủ đô vẫn đang bị lấn chiếm làm địa điểm kinh doanh, trông giữ xe... gây khó khăn cho người đi bộ.
Một số tuyến, nút giao thông hệ thống đèn tín hiệu, vạch kẻ đường còn thiếu, bị mờ. Hệ thống cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ sang đường còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần chung tay vào cuộc để người đi bộ được tham gia giao thông một cách thuận tiện hơn, đúng luật hơn”.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trên các tuyến phố ở Hà Nội ngày 29.2:
Vào các buổi sáng sớm và chiều tối, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều người phải băng qua dải phân cách cứng giữa đường để sang công viên Hòa Bình do cách đó khoảng 1km không có chỗ sang đường.
Dù đã được phát động 1 tháng nay nhưng tình trạng người đi bộ sai quy định vẫn diễn ra rất phổ biến trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô. Những người mắc lỗi này sẽ bị xử phạt từ 60.000 – 80.000 đồng.
Trên đường Hoàng Quốc Việt (đoạn qua Đại học Điện Lực và Cao đẳng Du lịch Hà Nội) dù có cầu vượt bộ hành ngay gần đấy nhưng nhiều người không sử dụng.
Nhiều người còn vô tư sang đường ngay trước mặt cơ quan chức năng nhưng không hề được nhắc nhở hay xử phạt.
Nhiều người không trèo qua được dải phân cách cứng giữa đường nên phải lách qua những khe hẹp ở chân cột điện hoặc biển quảng cáo giữa đường.
Một cô gái lách qua khe hẹp giữa 2 ô tô trên đường Kim Mã để sang đường chụp ảnh.
Trên nhiều tuyến phố cổ ở Hà Nội, do vỉa hè đã bị lấn chiếm làm nơi bán hàng nên nhiều người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường để lưu thông.
Tại ngã tư Trường Trinh-Giải Phóng, làn đường dành cho người đi bộ sang đường đã bị hành lang an toàn tuyến đường sắt Bắc Nam chắn lối khiến người đi bộ khó xử.
Một số nơi dù đã có vạch kẻ sang đường nhưng nhiều người vẫn đi không đúng nơi.
Không chỉ người dân ở Thủ đô mà một số du khách người nước ngoài cũng sang đường không đúng nơi quy định.
Một nhóm người sang đường đúng nơi quy định tại ngã tư Tràng Tiền-Hàng Khay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.