Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Quế Võ, chúng tôi có mặt tại căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của “anh nông dân” sinh năm 1983 Ngô Quang Hùng. Xuất thân trong gia đình thuần nông, cũng như nhiều hộ khác ở địa phương, anh Hùng xây dựng kinh tế gia đình từ chăn nuôi gà, lợn, kết hợp làm nông nghiệp.
Tuy nhiên, hướng phát triển đó dường như không mang lại kết quả cao. Băn khoăn tìm cho mình một con đường đi thích hợp, năm 2013 anh tình cờ theo dõi chương trình “Sinh ra từ làng” và biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó anh quyết tâm “theo đuổi” cách làm này.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm của gia đình anh Ngô Quang Hùng, thôn Vân Xá, xã Cách Bi (Quế Võ).
Để chuẩn bị cho hành trình “chinh phục” giống bồ câu Pháp, anh Hùng tự tìm tòi trên sách, báo và tìm đến những mô hình thành công ở một số tỉnh phía Bắc và trại giống của Học viện Nông nghiệp để học tập kinh nghiệm.
Sau một thời gian, với những kiến thức đã thu thập được cùng 100 triệu đồng tiền vốn, anh bắt tay khởi nghiệp. Nhờ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về điều kiện sinh trưởng, kỹ thuật chăm sóc nên anh không gặp mấy khó khăn. Từ 150 cặp chim bố mẹ ban đầu, đến tháng thứ 6, những chú chim non đã được xuất chuồng. Không lâu sau, gia đình anh đã thu được những đồng lãi đầu tiên.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn, anh bàn với gia đình đầu tư mở rộng quy mô chuồng nuôi, tăng số lượng chim bố mẹ lên tới 1.200 cặp. Đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình, anh Hùng vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc: Chim bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bệnh tật, không kén thức ăn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho chim sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định thì yêu cầu quan trọng nhất là khâu chọn giống; hệ thống chuồng nuôi phải cao ráo, khô thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè và cung cấp đủ lượng thức ăn 2 lần/ngày vào thời điểm cố định.
Thức ăn của chim chủ yếu là ngô hoặc gạo xay trộn với cám công nghiệp theo tỷ lệ 80-20. Tỷ lệ này bổ sung thêm những vi lượng dinh dưỡng cần thiết hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sức khỏe người tiêu dùng. Công tác phòng trừ dịch bệnh theo mùa cho đàn chim cũng được anh đặt lên hàng đầu. Một năm đàn chim bố mẹ được tiêm phòng vác xin 3 lần; chuồng nuôi thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng. Trung bình mỗi tháng gia đình anh Hùng cho xuất bán từ 250-350 cặp chim thương phẩm và 200 đến 300 cặp chim giống. Giá bán mỗi cặp chim thương phẩm là 140 nghìn đồng và từ 200-300 nghìn đồng/cặp chim giống. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình thu lãi 30 triệu đồng.
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hùng đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Nhờ sự hỗ trợ của anh, 3 hộ trên địa bàn xã Cách Bi, 1 hộ ở Lương Tài và 1 hộ ở Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu cho kết quả khả quan. “So với nhu cầu của thị trường thì nguồn cung chim bồ câu thương phẩm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Do vậy, bên cạnh việc mở rộng quy mô thì các hộ chăn nuôi cần phải tăng cường mối liên kết, hỗ trợ nhau cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, anh Hùng tâm sự.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Võ cho rằng, với hiệu quả kinh tế cao, việc phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp là hướng đi đúng đắn, song cũng cần có định hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật chuồng trại và chăm sóc để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
Việt Anh (Báo Bắc Ninh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.