Giá cà phê đến ngày 21-11 vẫn nằm ở mức cao nhất trong hai năm qua: Trên dưới 35.000 đồng/kg. Ông Lê Quang Đạo- Tổng giám đốc Công ty TNHH Thái Hoà (Lâm Đồng) cho biết: “Tình hình này đã khiến cho nhiều hộ nông dân thu hái một cách vội vàng, phổ biến vẫn là thu hái quả xanh; cùng với đó, nhiều cơ sở chế biến cũng ào ạt thu mua cà phê xanh của bà con, làm cho tình hình càng trở nên rối ren”.
|
Tình trạng thu hái cà phê xanh đang diễn ra khá phổ biến tại Tây Nguyên. |
Ông Thái An ở thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà ) cho biết: “4ha cà phê ở xã Phú Sơn của gia đình tôi đã bắt đầu chín tới. Đang được giá nên tôi đang thu hoạch dần. Dẫu có “xanh” một tí, nhưng cả hơn chục tấn cà phê đưa được về nhà thì tôi vẫn an tâm hơn là để chờ chín trên cây”.
Ông Nguyễn Văn Thành ở Tân Châu (Di Linh), một trong những người có nhiều kinh nghiệm trong thương trường cà phê cũng nói: “Giá cả đáng tăng thì tốt nhất là nên thu hoạch, kể cả cà phê còn xanh. Mai mốt cà phê chín, ai cũng thu hoạch, giá cả rất khó lường”.
Trong lúc người dân vô tư thu hoạch, các nhà kinh doanh và nhà quản lý lại đang rất bức xúc trước nạn thu hái quả xanh làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê Lâm Đồng nói riêng, cà phê Tây Nguyên nói chung.
Việc thu hái xanh ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, bình quân giảm 20 - 30% sản lượng do chất lượng nhân chưa đảm bảo, đồng thời làm giảm phẩm chất cà phê.
Ông Lê Quang Đạo
Lâm Đồng trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đã đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản cà phê nhưng xem ra chương trình dài hơi này không tác động mạnh đến người sản xuất.
Trong khi đó, với sản lượng hàng năm 300.000 tấn nhân (chiếm 60% GDP), cà phê được xem là mặt hàng nông sản có giá trị cao, có tác động lớn đến nền kinh tế Lâm Đồng.
Ông Lê Quang Đạo cho biết: “Việt Nam hiện vẫn là nước đứng thứ nhì trên thế giới về xuất khẩu cà phê với sản lượng chiếm khoảng 40% cà phê xuất khẩu của cả thế giới.
Tuy nhiên, bởi phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giá cả giao dịch tại thị trường London nên cà phê Việt Nam ít có sự lựa chọn; đồng thời, bởi chất lượng của cà phê Việt Nam không thực sự có khả năng cạnh tranh cao bởi chất lượng còn hạn chế nên sự lựa chọn đó càng bị thu hẹp.
Bằng chứng là hồi cuối năm 2009 vừa rồi, ICO (Tổ chức Cà phê thế giới) đã đưa ra lời cảnh báo về chất lượng cà phê Việt Nam thấp rất nhiều lần so với cà phê của các nước khác là điều rất đáng quan tâm”.
Võ Khắc Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.