Áo ngực Trung Quốc có 2 loại chất độc

Thứ sáu, ngày 23/11/2012 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các nhà khoa học của viện đã phân tích các mẫu áo ngực có nhãn hiệu Mengneroi, Qiuaziwanli và Magneric (Trung Quốc) với các loại màu đỏ, đen, hồng, trắng và tím.
Bình luận 0

Ngày 22.11, TS Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Khoa học- Công nghệ) cho biết.

Mỗi bên áo ngực đều có dung dịch màu trong suốt và 3 viên chất rắn màu trắng, mỗi viên có đường kính kích thước khoảng 0,75 mm và lượng dung dịch khoảng 7ml. Thành phần của chất rắn màu trắng trong các loại áo ngực được phân tích và xác định là một loại nhựa tổng hợp polystyren (trên thị trường thường gọi là nhựa PS được tạo thành từ phản ứng trùng hợp styerene). Còn thành phần dung dịch có màu trong suốt được xác định là dầu khoáng, một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ.

“Đáng chú ý là các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 chất trong nhóm Polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) là Anthracene(C14H10) và Pyrence (C16H10). Trong đó, hàm lượng Pyrence trong dung dịch dầu khoáng từ 0,140 đến 0,192 mg/kg. Hàm lượng Anthrancene trong dung dịch dầu khoáng từ 0,068 đến 0,082 mg/kg" - TS Lợi nói.

Ngoài phân tích những mẫu trên, TS. Vũ Đức Lợi còn cho hay, các nhà khoa học còn đang tiếp tục phân tích một mẫu dung dịch rất lạ trong nhãn hiệu áo ngực Bao Qing. Đây là loại dung dịch dạng sệt màu trắng đục, có thành phần chính là kẽm stearat. Hợp chất này được sử dụng làm phụ gia trong ngành nhựa, cao su và dược phẩm.

"Đáng tiếc là Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hàm lượng PAH trong dầu khoáng nên không thể biết được mức độ độc hại đến đâu. Đề nghị, Bộ Y tế và bộ Công thương cần vào cuộc nhanh chóng, nếu không công bố xong kết quả chẳng đi đến đâu, rồi những chiếc áo ngực sẽ rơi vào lãng quên" - TS. Lợi cho biết.

Theo TS Lợi, thời gian qua các Chi Cục quản lý thị trường các địa phương và nhà khoa học "đổ xô" đi tìm chất lạ trong túi áo ngực mà quên mất rằng, còn có những thứ độc hại hơn như vải, đệm mút xốp. Dung dịch trong túi áo ngực chỉ nguy hiểm nếu bị vỡ ra, còn các loại vải, mút xốp tiếp xúc trực tiếp với da nên nếu có độc sẽ còn nguy hại hơn rất nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem