Gánh nặng tổ chức thi
|
Thí sinh dự thi vào ĐH Y Thái Bình. |
Năm 2011, ngành Công nghệ sinh học (thi khối B) của Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội tuyển 100 chỉ tiêu nhưng nhận được tới hơn 2.000 hồ sơ đăng ký dự thi, tỷ lệ chọi khá cao, ở mức 1/20.
Thống kê từ các trường đại học khác cũng cho thấy, tỷ lệ chọi của sĩ tử khối này cao đột biến, như Đại học Y Hà Nội là 1/18, Đại học Y Thái Bình là 1/17, Đại học Y Hải Phòng là 1/15. Ngành Điều dưỡng của Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh có tỷ lệ chọi lên đến 1/30.
Tại thời điểm này, khâu làm các trường đau đầu nhất là tổ chức thi. Hiện, các trường ĐH-CĐ đang gấp rút chuẩn bị lên danh sách phòng thi, chuẩn bị giấy tờ thi. Với số lượng thí sinh dự thi lớn, nhưng cũng bỏ thi lớn nên tình trạng trống phòng thi khối B khá phổ biến. Mùa thi năm nay, Đại học Tây Nguyên nhận được lượng hồ sơ khối B khá “khủng”, với gần 9.900 bộ, chiếm gần 37% tổng số hồ sơ dự thi, cao hơn cả lượng hồ sơ khối A (khối A có khoảng 9.200 bộ).
Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu phó nhà trường cho biết: "Việc tổ chức thi cho khối này rất vất vả vì thông thường các em làm bài đợt 1 (khối A) tốt rồi thì thường bỏ thi đợt 2 hoặc thấy tỷ lệ chọi cao thì thi các trường dự phòng dẫn tới trống phòng thi, gây lãng phí cho khâu tổ chức thi".
Nỗi lo đỗ ảo
Do số thí sinh đỗ ảo lớn nên các sĩ tử không nên quá lo lắng về tỷ lệ chọi. Chỉ cần cố gắng hết sức mình, đạt khoảng 20 điểm là có cơ hội bước chân vào giảng đường.
Ông Đoàn Văn VệTuy lượng hồ sơ lớn, tỷ lệ chọi cao nhưng lãnh đạo các trường đại học cho hay, rất nhiều thí sinh dự thi khối B với tính chất dự bị, “nhảy dù” từ khối A sang. Vì thế, khi trúng tuyển cả hai, các em chọn khối A chứ không học khối B, dẫn đến tình trạng lượng thí sinh “đỗ ảo” (đỗ nhưng không nhập học) của thí sinh rất lớn.
Chẳng hạn như ĐH Tây Nguyên, nhiều ngành khối này, trường chỉ lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn nhưng vẫn không tuyển đủ phải tuyển thêm nguyện vọng 2, 3 như ngành chăn nuôi, thú y, bảo quản chế biến…
Tại Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ thí sinh “đỗ ảo” còn lớn hơn. Theo ông Nguyễn Hoàng Việt - Trưởng ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng, khối B năm nào cũng nhiều hồ sơ, dẫn đầu các khối về tỷ lệ dự thi, đồng thời cũng dẫn đầu luôn về tỷ lệ thí sinh “bỏ quên” không đến làm thủ tục vào trường. “Trên danh sách thí sinh trúng tuyển, chúng tôi gọi tới 250% chỉ tiêu, nhưng lượng thí sinh đến nhập học vẫn không đủ”- ông Việt nói.
Đây cũng là chia sẻ của ông Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông Vệ cho biết, năm 2010, tỷ lệ dự thi của khối B đạt tới 80%, cao hơn tỷ lệ dự thi khối A. Do lượng thí sinh lớn nên điểm thi vào trường cũng khá cao. Nếu áp dụng cách tính điểm chuẩn như với khối A thì điểm chuẩn vào trường khối B phải từ 26 trở lên. Nhưng với kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, trường chỉ dám lấy điểm chuẩn ở mức 20 điểm.
Số thí sinh được gọi nhập học vì thế nhiều gấp 3 lần số chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi các em đến nhập học chỉ tròm trèm con số trường được giao đào tạo, nghĩa là chỉ 1/3 số thí sinh đến làm thủ tục vào trường.
Hoàng Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.