Đá bóng vì tiền
Với giới “quần đùi áo số” ngày nay, tranh thủ kiếm tiền mới là điều quan trọng nhất, thay vì bận tâm đến ý nghĩa màu cờ sắc áo như thế hệ cha anh đi trước. Cầu thủ giờ đã quen với cuộc sống xa hoa bên ngoài sân cỏ. Ít ai ra sân mà không nghĩ mình sẽ được thưởng bao nhiêu nếu thắng. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi chuyện “xé rào”, kiện cáo, đứng núi này, trông núi khác diễn ra như cơm bữa.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2011/images/2011-06-01/1436321571-130_8_thanh-hoa-doi-doi-vi-duoc-bom-tien.jpg) |
Thanh Hoá đổi đời vì được bơm tiền ở V.League 2011. |
Thực tế, chứng kiến những bước tiến của SLNA, Thanh Hoá ở mùa giải năm nay, nhiều người thường nhắc đến tài năng của HLV Nguyễn Hữu Thắng và Lê Thụy Hải. Đúng là ông Hải “lơ” cùng Thắng “Mạch” có giỏi thật, nhưng nếu đội bóng không được “bơm tiền” đều đều thì cũng… đứt.
Mới đây, sau khi thắng HP.Hà Nội 3-1 để lọt vào tốp 3 sau 16 vòng đấu, Thanh Hoá đã được thưởng nóng 800 triệu đồng. Và không loại trừ khả năng tiếp đà hưng phấn, đội bóng xứ Thanh còn trụ ở tốp 3 thêm vài vòng nữa chứ chẳng chơi.
Ngay như HLV Phạm Công Lộc (CS.Đồng Tháp) cũng phải thừa nhận: “Kinh tế quyết định rất lớn. Tiền lương, thưởng xứng đáng thì cầu thủ yên tâm cống hiến. Làm bóng đá chuyên nghiệp mà khi cần tiền vẫn phải đợi duyệt kinh phí thì khó… đá lắm”.
Đỉnh cao và vực sâu
Vấn đề nằm ở chỗ bóng đá là một cuộc chơi, đặc biệt khi bóng đá VN vẫn chỉ là cỗ máy “ăn tiền”. Một trong những cách lý giải về lượng tiền khổng lồ đổ vào bóng đá trong mấy năm gần đây, là do các ông chủ kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… đã thu lợi lớn và họ có thừa tiền để đáp ứng nhu cầu “chơi”.
Nếu như ở V.League 2005, việc bầu Tuấn (HP.Hà Nội) bỏ ra khoảng 25 tỷ đồng đầu tư vào đội bóng đã là “khủng”, thì tới nay, một đội nhà nghèo V.League cũng tiêu tốn gấp đôi số đó. Năm 2008, cái giá 7 tỷ đồng lót tay mà Hà Nội T&T trả cho Công Vinh được coi là “sốc”, thì 3 năm sau, điều đó đã quá bình thường: Quang Hải chuyển tới Navibank.SG nhận 9 tỷ đồng; trung vệ Phước Tứ lập “kỷ lục” với giá 12 tỷ đồng, lương 50 triệu đồng/tháng khi tới đội hạng Nhất Sài Gòn.XT.
Tình trạng phập phù của V.League có gắn bó mật thiết với hầu bao của các ông chủ. ĐT.LA xưa kia hoành tráng là thế, nhưng nay đang đứng trước nguy cơ rớt hạng bởi bầu Thắng không còn mê bóng đá. Những trường hợp tương tự khác là V.Hải Phòng, V.Ninh Bình…
Tốc độ tăng “ảo” của giá trị cầu thủ thật đáng kinh ngạc nếu biết rằng những năm 2000-2001, lương của một cầu thủ chất lượng như Minh Hiếu cũng chỉ là 3 triệu đồng/tháng.
Và chính việc rót tiền vô tội vạ ấy đã tạo ra một nền bóng đá có chất lượng “như thằng” với những chi tiêu “như ông” là thực trạng hiện nay của V.League.
“Đó là hệ quả của quy luật cung - cầu và VFF gần như không thể can thiệp nổi. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ cũng sốt ảo như thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất... VFF chỉ có thể đưa ra những phân tích, kêu gọi các đội bóng tỉnh táo hơn trong chuyện mua-bán cầu thủ mà thôi” - ông Nguyễn Lân Trung - Phó Chủ tịch VFF chia sẻ.
Điều đáng lo là giới cầu thủ thời nay thật khó (nếu không muốn nói là không thể) làm quen với cuộc sống thiếu tiền. Và đặt ra giả thuyết tới năm 2012, 2013, giá trị cầu thủ VN bất ngờ sụt quá nhanh, như cách nó đã tăng phi mã, thì không biết diện mạo của V.League nói riêng và bóng đá VN sẽ ra sao?
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.