Áp dụng CNTT vào hàng hải, startup thầy giáo được đầu tư tiền tỷ
Áp dụng CNTT vào hàng hải, startup của thầy giáo được đầu tư tiền tỷ
Thanh Thanh
Thứ hai, ngày 26/07/2021 14:09 PM (GMT+7)
Với kinh nghiệm chuyên ngành cũng như thực tế công tác, thầy giáo của Đại học Giao thông vận tải TP.HCM đã nhận được số tiền đầu tư cực lớn từ Shark Tank 2021.
Anh Nguyễn Phú Hòa, Founder, CEO công ty TNHH NPH Thế giới số, đến với Thương vụ bạc tỷ với mức kêu gọi đầu tư 5 tỷ cho 10% cổ phần công ty. Anh Hòa từng là sinh viên ngành hàng hải, sau đó được giữ lại làm giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM. Hiện tại, anh đang làm việc tại Viện Hàng Hải.
Phần mềm Thế giới số ra đời vào cuối năm 2017, nhằm đảm bảo tính an toàn cho việc xếp và dỡ container. Bước đầu tiên, phần mềm sẽ số hóa toàn bộ hồ sơ kỹ thuật của tàu, bước thứ 2 là đưa danh sách những container chuẩn bị đưa vào để phần mềm tính toán các phương án xếp/dỡ container để đảm bảo chỉ số an toàn là cao nhất.
Theo đó, phần mềm sẽ giúp quản lý thông tin xếp/dỡ container tại cảng và trên tàu; lịch sử khai thác, số lượng container của từng tàu tại cảng theo thời gian thực; sơ đồ xếp/dỡ container của tàu tại cảng; trạng thái ổn định của tàu container tại cảng theo thời gian thực; hồ sơ kỹ thuật của tàu, cảnh báo trạng thái mất ổn định khi xếp / dỡ container theo thời gian thực;…
Sau khi nghe startup trình bày, Shark Bình nhận xét về phần mềm Thế giới số: Thuật toán không có gì phức tạp, thị trường ngách và sản phẩm không có gì quá đặc biệt. Còn Shark Linh thì thắc mắc về dung lượng thị trường của ngành này.
Theo anh Hòa, tổng dung lượng thị trường tầm 150 tỷ/năm. Anh mong muốn Thế giới số dự kiến chiếm lĩnh hơn 50% thị phần là 75 tỷ/năm. Anh muốn gọi vốn để xây dựng phần cứng (hardware) là những thiết bị cảm ứng để gắn lên tàu để xác định hướng gió tác động lên tàu là hướng nào, tốc độ gió là bao nhiêu, góc nghiêng thực tế của tàu,…
Đến phần chốt deal, Shark Phú khẳng định: “Quan điểm của anh là em đã có được phần mềm rồi thì việc đi bán hàng mới là quan trọng. Nếu em đi bán hàng được thì lúc đấy em cũng không cần đầu tư thêm nhiều. Hơn nữa, ngành này cũng rất hẹp, phần mềm này anh không có nghề nên anh quyết định không đầu tư”.
Shark Liên dù đánh giá đây là phần mềm đáng quý và có giá trị nhưng vẫn quyết định không đầu tư: “Liên quan đến tàu biển, tôi làm bảo hiểm nên tôi biết rủi ro ở cỡ nào. Nếu bạn nghĩ được cái phần mềm để tính toán được cho ngành hàng hải đó là điều vô cùng đáng quý và sẽ có giá trị. Nhưng đây không phải sở trường của tôi và thị trường nó rất bé nên tôi cũng quyết định không đầu tư”.
Về phía Shark Linh, do ngành này không phải chuyên môn nên Shark Linh cũng quyết định không đầu tư: “Chị tin rằng em có đủ kinh nghiệm và có đủ chuyên môn về ngành của em nhưng với trường hợp này chị nghĩ em còn có 2 sai lầm khác cần cân nhắc lại. Thứ nhất khi em nói là chưa có ai làm cái này thì em phải tự hỏi là có nhu cầu không. Tại vì đây là lĩnh vực đã hoạt động nhiều năm mà cũng chưa có ai làm thì mình cũng phải nghĩ rằng người ta có thực sự cần cái này hay không?
Thứ hai em phải coi lại nhà đầu tư là ai? Đối với những startup đang làm trong ngành đặc thù, chuyên môn, mình phải tìm những nhà đầu tư có chuyên môn đó rồi thì khi mình trao đổi sẽ có cuộc trò chuyện sâu hơn. Với ngành này chị cũng không có chuyên môn nên chị quyết định không đầu tư”.
Trong khi đó, Shark Bình cảm thấy phần mềm này không có thế mạnh độc quyền và khác biệt: “Khi bạn đi thuyết phục nhà đầu tư thì bạn phải chỉ ra được tính độc quyền của mình như nào? Kế hoạch kinh doanh của mình chưa rõ ràng, không có thế mạnh độc quyền và khác biệt nào cả. Nói chung chưa thấy long mạch nên tôi chưa thể làm gió Đông cho bạn ngay lúc này nên tôi quyết định không đầu tư”.
Sau khi Shark Bình từ chối, Shark Hưng bày tỏ sự thích thú với phần mềm Thế giới số: “Đây là phần mềm chuyên ngành, đặc thù, cho nên ít đối thủ cạnh tranh và chúng ta lại được dòng tiền tương đối ổn định và bền vững. Hơn nữa, chúng ta lại đưa ra phần mềm doanh thu cũng là lợi nhuận vì chúng ta không cần phải làm gì cả. Nhưng điểm dở của bạn là về mô hình kinh doanh, chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc để cải tiến mô hình kinh doanh này”.
Shark Hưng đề nghị 5 tỷ cho 45% cổ phần công ty, giải ngân với điều kiện xem xét lại độ khả thi của ứng dụng này: phải có khách hàng đầu tiên, phải có thị trường rộng lớn hơn và xây dựng giải pháp của mình theo những mô hình kinh doanh mà có thể phát triển nhanh được,… Anh Nguyễn Phú Hòa đã quyết định đồng ý với lời đề nghị của Shark Hưng.
Startup Pety dành cho người yêu thú cưng
Trần Thị Thúy, Founder, CEO công ty cổ phần công nghệ Pety và Đào Ngọc Giang, CoFounder, CTO công ty cổ phần công nghệ Pety, xuất hiện trong Thương vụ bạc tỷ với mức kêu gọi vốn 100.000 USD cho 8% cổ phần công ty.
Pety chính thức ra mắt vào tháng 6 năm 2020. Đây là ứng dụng tiên phong tại Việt Nam dành riêng cho cộng đồng những người yêu thú cưng, là nơi bạn có thể kết nối với những người có cùng sở thích, tìm kiếm thông tin, sản phẩm/ dịch vụ và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc thú cưng.
Tại Pety, thú cưng sẽ có profile riêng với đầy đủ tên, tuổi, giới tính, giống loài, cân nặng, thông tin y tế, tình trạng sức khỏe,…Từ những thông tin đó, sẽ xác định từng loại dịch vụ cho thú cưng. Bên cạnh đó, Pety sẽ có một số tính năng như báo mất thú cưng, tìm kiếm phối giống thú cưng, nhận nuôi thú cưng thất lạc,…
Hiện tại, ứng dụng Pety đã có 30.000 user và 12.000 profile thú cưng trên app. Công ty đã trải qua vòng gọi vốn đầu tiên với mức định giá công ty là 1 triệu đô. Doanh thu chính của công ty đến từ quảng cáo của những nhãn hàng, đồ ăn lớn dành cho thú cưng và trở thành nhà phân phối online chính thức của họ. Tháng gần nhất doanh thu đạt 270 triệu đồng
Với 100.000 USD kêu gọi đầu tư, Pety sẽ dành 35% cho marketing, 65% còn lại để tập trung xây dựng đội ngũ nhân sự để đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng.
"Nếu là các startup công nghệ thì các bạn có yếu tố gì hay ho, có gì 4.0 ở đây không?" Shark Hưng đặt câu hỏi. Ông Đào Ngọc Giang cho biết bản thân là người học về trí tuệ nhân tạo và chính Pety đang làm trí tuệ nhân tạo từ những bước nhỏ nhất. Theo ông Giang, startup đang thực hiện hai việc.
Trong khi đó, Shark Liên và Shark Phú không hào hứng với lĩnh vực về thú cưng nên quyết định từ chối đầu tư. Cũng cho rằng Pety không hợp với khẩu vị đầu tư nên Shark Bình từ chối đầu tư. Ngoài ra, Shark Bình cho rằng làm mạng xã hội rất là tốn kém và khó dự đoán thời hạn đạt được mục tiêu.
"Thực ra, tôi góp ý thêm, mô hình kinh doanh của bạn là thị trường ngách của mô hình cộng đồng dành cho phụ nữ trước đây và vẫn đang còn tồn tại là webtretho. Thay vì làm ứng dung thì họ lập diễn đàn.
Dù được đánh giá là ứng dụng tiềm năng và có ích cho cộng đồng nhưng Pety không nhận được sự gật đầu nào từ cả năm Shark. Dù ra về tay trắng nhưng startup Pety vẫn kiên trì với con đường mình đã chọn và cố gắng phát triển app trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.