Áp dụng công nghệ sinh thái: Vừa đẹp ruộng vườn, lại tăng thu nhập

Lê Quang Thứ năm, ngày 04/10/2018 19:04 PM (GMT+7)
Chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" tại ĐBSCL đã và đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản làm ra và tăng giá trị trên thị trường.
Bình luận 0

Đó là đánh giá mới đây của Cục BVTV, Bộ NN&PTNT trong chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nhiều năm qua.

Việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách và hợp lý có vai trò quan trọng để bảo vệ cây trồng, môi trường sinh thái, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực và an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

img

Nhiều hoạt chất trong thuốc BVTV có độc tính cao đang được xem xét để loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành ở Việt Nam. Ảnh: IT

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, chỉ riêng ở khu vực ĐBSCL, hàng năm nông dân sử dụng hàng nghìn tấn thuốc BVTV, với 56 hoạt chất. Trung bình mỗi vụ nông dân sử dụng 5,71 lít thuốc BVTV cho 1 ha. Viện BVTV nghiên cứu và thấy rằng lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì.

Hiện có hơn 70% nông dân khu vực ĐBSCL không có nơi bảo quản thuốc và dụng cụ phun thuốc chuyên dùng an toàn. Còn trên 50% nông dân thiếu hiểu biết cần thiết về thuốc BVTV, không có phương tiện bảo hộ lao động.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý thuốc BVTV từ các cơ quan quản lý nhà nước nhưng đến nay lĩnh vực này vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV vẫn còn nhiều bất cập. Người dân vẫn sử dụng các loại thuốc BVTV không thích hợp với chủng loại cây trồng và sâu bệnh, vẫn còn tồn tại các loại thuốc BVTV ngoài danh mục được phép lưu hành, thuốc cấm.

Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp lạm dụng thuốc BVTV, nông dân sử dụng thuốc ngay trước khi thu hoạch mà không có thời gian cách ly an toàn.

Thực tế hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra khá nhiều giải pháp theo hướng sinh học, vừa đảm bảo nhu cầu sản xuất nông nghiệp vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, an toàn cho nông sản và cho cả người sử dụng.

img

Người dân xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) kiểm tra ruộng lúa áp dụng công nghệ sinh thái. Ảnh: I.T

Ngoài các giải pháp về sự thay đổi độc tính trong các sản phẩm thuốc BVTV thông qua việc sử dụng các hoạt chất gốc sinh học thay thế cho các hóa chất vô cơ độc tính cao thì các giải pháp về đa dạng sinh học cũng đang chứng minh được hiệu quả và là xu hướng của nông nghiệp bền vững.

“Đa dạng sinh học, đưa đến cân bằng hệ sinh thái, các loại thiên địch ở chung với sâu hại tương tác lẫn nhau, các loại thiên địch đó có thể khống chế được các sâu hại, và không thể gây hại được cho cây trồng và hướng tới là không phải dùng thuốc trừ sâu hại”, PGS-TS Nguyễn Văn Huỳnh, nguyên Giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ cho biết.

img

Một mô hình trong hoa trên bờ ruộng theo hướng "công nghệ sinh thái". Ảnh: IT

Tại ĐBSCL, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục BVTV phối hợp với các đơn vị liên quan đã thực hiện được trên địa bàn 22 tỉnh thành, trong đó có nội dung áp dụng chương trình “công nghệ sinh thái” đã phát huy hiệu quả cao.

Theo đó, ngoài việc được hướng sử dụng thuốc BVTV an toàn, người dân còn trồng hoa trên bờ ruộng, bờ vườn để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu hại trên đồng ruộng, thiết lập hệ sinh thái đồng ruộng, giảm đáng kể việc xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Đánh giá về mô hình “công nghệ sinh thái” này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Ban tuyên giáo Đảng ủy xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Đây là một chương trình giúp cho địa phương thực hiện tốt tiêu chí bảo vệ môi trường trong việc xây dựng xã nông thôn mới. Chương trình đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản làm ra và tăng giá trị trên thị trường”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, tại các mô hình triển khai, nguồn lợi thủy sản được tái tạo khá rõ nét, cá đồng, ếch nhái, chim cò xuất hiện ngày càng nhiều là dấu hiệu cho thấy môi trường đang cải thiện tốt, từ đó bà con nông dân ngày càng hiểu rõ những lợi ích của việc bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn và tích cự tham gia hơn.

Theo đánh giá của Cục BVTV, trong 5 năm qua, chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" đã vận động bà con nông dân thu gom hơn gần 35.000 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật  đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng. Lượng rác thải bảo vệ thực vật này được đem tiêu hủy tại nhà máy Holcim – Kiên Giang...

Ngoài ra, chương trình đã đào tạo  300  giảng viên, từ lực lượng nòng cốt này cùng với gần 11 ngàn cuộc hội thảo có khoảng 440 ngàn nông dân tham dự tại 22 tỉnh, thành  phía Nam. Từ 2018, chương trình tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu hướng đến “Nông sản an toàn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem