Áp lực tăng giá điện cận kề?

An Linh Thứ tư, ngày 04/09/2024 09:23 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh ngành điện thua lỗ hai năm liên tiếp 2022-2023 với gần 2 tỷ USD và quy định tính toán giá điện bình quân sắp có hiệu lực, ngành điện có thể sẽ điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.
Bình luận 0
Áp lực tăng giá điện cận kề - Ảnh 1.

Áp lực tăng giá điện ngày càng cận kề trong bối cảnh EVN lỗ liên tiếp 2 năm liền và các chính sách điều chỉnh giá điện được thực thi (Ảnh: EVN).

Theo số liệu mới nhất mà ngành điện công bố, trong 2 năm 2022 – 2023, ngành điện vẫn đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề. Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của EVN, số lỗ sau thuế của tập đoàn này là hơn 26.770 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD). Khoản lỗ lũy kế 2 năm 2022-2023 của tập đoàn này vào khoảng 47.500 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).

Điều đáng nói, cũng trong năm này, giá điện bán lẻ tăng 2 lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, giá điện chưa được điều chỉnh tăng dù Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực có hiệu lực ngày 15/5.

Theo đó, giá bán điện bình quân tối thiểu sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần, 4 lần/năm, trong đó, giá điện bình quân giảm 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Trong khi đó, giá điện bình quân tăng 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên, phải đến ngày 14/9, Thông tư số 09/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn về việc tính toán giá thành điện mới có hiệu lực, như vậy áp lực điều chỉnh giá bán lẻ điện có thể diễn ra trong các tháng của quý IV năm 2024.

Bắt đầu từ 14/9, Thông tư số 09/2024/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán điện bình quân có hiệu lực. Theo đó, giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm được tính toán dựa trên các chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm/trong năm.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Tuy nhiên, đầu ra được thể hiện qua giá điện "chưa tương ứng". 

"Giá thị trường thế giới thế nào, trong nước thế nào đều phản ánh vào giá điện. Thế nhưng, giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí này, có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Điều này dẫn đến sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát", ông Thỏa nói.

Tại Thông tư 09/2024, để có cơ sở tính toán, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương việc kiểm tra, rà soát và giám sát phương án giá bán điện bình quân do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng, điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg.

Về biên độ điều chỉnh giá điện, tại Quyết định 05/2024/QĐ, giá điện sẽ chỉ điều chỉnh tăng trong điều kiện giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên, trong khi nếu giá điện sẽ giảm ngay nếu giá điện bình quân giảm 1% so với giá điện hiện hành. 

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Về giảm giá điện, theo Quyết định này, giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem