Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã chính thức mạnh lên thành cơn bão số 2 trong năm 2019 và có tên quốc tế là MUN.
Đến 7h ngày 3/7, vị trí tâm bão cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 220km, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 4/7, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Trong 24-36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, có khả năng đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, rồi tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Hướng đi của bão số 2.
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, do ảnh hưởng cơn bão số 2, vùng biển Quảng Ninh có gió mạnh, đơn vị sẽ tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 11h, riêng tàu ra đảo Cô Tô đã tạm dừng cấp phép từ 6h ngày 3/7.
Người dân xã đảo Vĩnh Thực chằng buộc neo tàu vào nơi an toàn để tránh bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới tại đảo Vĩnh Thực, Móng Cái biển động dữ dội, nên việc vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.
Theo thông tin từ huyện Cô Tô, trên đảo đang có 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài. Dù đã được thông báo về việc ảnh hưởng của bão số 2 và tạm dừng cấp phép tàu vào bờ từ ngày 2/7, tuy nhiên số du khách này vẫn ở lại đảo. UBND huyện Cô Tô đã thông báo đến các nhà hàng, khách sạn tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho số du khách trên đảo.
Để chủ động đối phó với bão số 2, ngày 1/7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 4556/UBND-NLN3 yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN, Tổng Công ty Đông Bắc về chủ động biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của vùng áp thấp trên biển Đông và mưa lớn diện rộng, gây gió mạnh, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn số 4556/UBND-NLN3 về chủ động biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của vùng áp thấp trên biển Đông và mưa lớn diện rộng, gây gió mạnh, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành theo dõi thường xuyên chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp trên Biển Đông và mưa lũ, tình hình bất thường do gió mạnh, mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt gây ra. Cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân, các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có gió mạnh, mưa, lũ, sạt lở đất.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc trực ban, kiểm soát, cử người trực tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, đò ngang, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có mưa, lũ xuất hiện; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ với phương châm 4 tại chỗ khi có yêu cầu; Các trường hợp xảy ra mưa lớn gây thiệt hại tại địa phương phải kịp thời báo cáo ngay về UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.
Đối với các địa phương đang triển khai dự án xây dụng công trình trên địa bàn, cần rà soát cụ thể và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị liên quan có phương án phòng, chống gió mạnh, phương án để đảm bảo khi có mưa lớn không để đất, bùn từ các dự án tràn xuống đường giao thông, nhà dân, làm ảnh hưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.