Apple thăng hoa nhờ iPhone 13, Samsung vẫn số 1 về thị phần smartphone
Apple thăng hoa nhờ iPhone 13, Samsung vẫn số 1 về thị phần smartphone
Huỳnh Dũng
Thứ sáu, ngày 05/11/2021 12:26 PM (GMT+7)
Apple đã giành lại vị trí thứ hai trong danh sách nhà xuất xưởng điện thoại thông minh lớn toàn cầu, chỉ vài tháng sau khi để mất danh hiệu vào tay Xiaomi. Và chính việc phát hành dòng iPhone 13 mới đã đưa công ty trở lại vị trí thứ hai, nhưng vẫn xếp sau Samsung.
Theo số liệu được chia sẻ bởi IDC (International Data Corporation), lô hàng iPhone tăng từ 41,7 triệu chiếc trong quý 3 năm 2020 lên 50,4 triệu chiếc trong cùng quý 3 năm nay. Đó là mức tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và đủ để thấy thị phần của Apple tăng từ 11,7% lên 15,2%. Trong khi đó, Xiaomi chỉ đưa ra thị trường 44,3 triệu chiếc điện thoại, tương đương mức giảm 4,6% trong khi đó thị phần chỉ đạt 13,4%.
Trong khi cùng kỳ năm ngoái và cả trong quý II năm nay, Apple đều xếp dưới Xiaomi. Thế nên, kết quả mới này cũng cho thấy, Apple vươn lên vị trí thứ hai về thị phần smartphone toàn cầu sau nhiều tháng bị Xiaomi vượt mặt.
Apple có được thành tích mới là nhờ nhu cầu đối với iPhone 13 tăng đột ngột sau khi ra mắt và doanh số của iPhone SE 2020 tốt hơn dự kiến. Ngoài ra, Apple cũng tận dụng tốt cơ hội để chinh phục thị trường smartphone cao cấp tại Trung Quốc, trong bối cảnh Huawei thất thế, còn các hãng khác chưa có sản phẩm mạnh để lấp đầy khoảng trống này.
Ở một khuynh hướng khác, tình trạng khan hiếm linh kiện và thiếu điện tại Trung Quốc khiến Xiaomi là một trong hãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Doanh số của công ty giảm 15% so với quý trước đó. Tính riêng tại thị trường Trung Quốc, thị phần của Xiaomi còn thấp hơn cả Honor.
Hiện tại Samsung vẫn giữ vị trí đầu bảng với 69 triệu lô hàng tăng 20% so với quý trước và chiếm 20,8% thị phần. Vivo và Oppo chia sẻ vị trí thứ 4 và thứ 5 trong danh sách với 33,3 triệu và 33,2 triệu chiếc bán ra thị trường tương ứng.
Các nhà cung cấp điện thoại thông minh toàn cầu đã xuất xưởng tổng cộng 331,2 triệu chiếc trong quý 3/2021, giảm nhẹ so với quý trước do các nhà cung cấp phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu về thiết bị trong bối cảnh thiếu chipset toàn cầu đang diễn ra nghiêm trọng.
Theo báo cáo của IDC, chuỗi cung ứng và các vấn đề thiếu hụt thành phần linh kkiện đã đóng một vai trò lớn trong việc thay đổi vị trí bảng xếp hạng mới này. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng thị trường điện thoại thông minh đã miễn nhiễm với vấn đề này mặc dù nhiều ngành công nghiệp liền kề (ví dụ như máy tính xách tay và máy chơi game) bị ảnh hưởng. Nhưng các vấn đề trên cuối cùng cũng tác động mạnh mẽ tới thị trường điện thoại thông minh thêm lần nữa.
Báo cáo của IDC cũng gợi ý rằng, sự thiếu hụt đang ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp như nhau nhưng rõ ràng, một số công ty phải đối mặt nặng nề hơn với gánh nặng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng so với những công ty khác.
Theo lời của Nhà phân tích thị trường công nghệ Ben Stanton: "Nạn đói chipset đang ở đây và ngành công nghiệp điện thoại thông minh đang vật lộn để tối đa hóa việc sản xuất thiết bị. Về phía nguồn cung, các nhà sản xuất chipset sẵn sàng tăng giá để không khuyến khích việc đặt hàng quá nhiều chip. Nó sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu". Sự thiếu hụt sẽ không kết thúc cho đến năm 2022. Chi phí chip cao hơn đã khiến các nhà sản xuất đẩy giá các điện thoại thông minh bán ra. Ngoài ra, còn có những thách thức trong ngành sản xuất và hậu cần cần phải đối phó, mà IDC tin rằng nó sẽ dẫn đến tình trạng nguồn cung liên tục trong đầu năm tới cũng bị đứt đoạn.
Trong ba tháng còn lại cuối năm, các nhà phân tích nghiên cứu của IDC tin rằng, các thương hiệu điện thoại thông minh sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tổ chức lại chiến lược giá và đưa ra các giao dịch với nhà mạng mới.
Xiaomi đặt mục tiêu dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới
Xiaomi nhắm đến vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, vượt qua hai đối thủ cấp cao khác là Samsung và Apple, lần lượt ở vị trí thứ nhất và thứ hai. Theo chuyên gia thị trường Weibing, công ty trước hết phải xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ của thương hiệu "ngoại tuyến", tức là thông qua các cửa hàng thực, hiện vẫn chiếm 70% doanh số bán điện thoại thông minh trong nước.
Trong 3 năm tới, công ty đặt mục tiêu mở tổng cộng 30.000 cửa hàng tại Trung Quốc: mục tiêu chính là làm suy yếu sức mạnh quá mức của BBK Electronics- công ty đa quốc gia sở hữu các thương hiệu OPPO, Vivo, OnePlus, Realme và IQOO, bởi công ty này đang chi phối mạnh nhất trong doanh số bán lẻ.
Tiếp cận và vượt qua Apple hoàn toàn không phải là một mục tiêu khó đạt được, mà hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, trong quý 2 năm 2021, Xiaomi đã giành được vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng, loại bỏ gã khổng lồ của Mỹ nhờ mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là 83%.
Xiaomi 12 đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt
Vẫn ở trong lĩnh vực di động, điện thoại thông minh cao cấp Xiaomi 12 sẽ sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Giống như điều đã xảy ra vào năm 2020 với sự ra mắt của Xiaomi Mi 11 5G được công bố tại Trung Quốc vào cuối tháng 12, cũng trong năm nay, công ty Trung Quốc dự định sẽ ra mắt loạt sản phẩm mới trong tháng 12 với bộ vi xử lý được nói đến nhiều trên bo mạch là Qualcomm Snapdragon 898.
Hơn nữa, từ những thông tin mới nhất được công bố trên mạng, có vẻ như việc sản xuất hàng loạt Xiaomi 12 sẽ được hoàn thành trong tháng này, trong khi các mẫu Xiaomi 12 Pro và Xiaomi 12 Ultra chỉ bắt đầu từ năm mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.