"Ba chàng lính ngự lâm" đa tài vào chốn thâm sơn làm giàu

Tố Loan Thứ tư, ngày 28/03/2018 13:05 PM (GMT+7)
Khác với quan điểm của nhiều người học để thành tài, học để có công việc nhàn nhã, lương cao…"ba chàng lính ngự lâm" đi học với mục đích duy nhất về làm nông làm đúng cách, hiểu đúng việc. Đó là Phan Văn Tuân, Đồng Văn Chiêm, Bùi Văn Thiều cùng ở tỉnh Bắc Kạn...
Bình luận 0

Nghĩ đơn giản như Tuân

Phan Văn Tuân là người dân tộc Nùng, nói tiếng Kinh còn lơ lớ nhưng tư tưởng và sự nhanh nhạy thì khắp thôn Nà Đấu, xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì ai cũng phải thán phục. Thứ nhất Tuân không sinh nhiều con, mới 1 đứa đã “tạm dừng” để nuôi dạy tốt và 2 vợ chồng có thời gian tập trung phát triển kinh tế. Quan điểm thứ hai của Tuân khiến người ta nể nữa là “phải học rồi mới làm”.

img

Tuân giới thiệu con đường dài 3km dẫn vào trang trại mà anh tự bỏ tiền túi ra để làm. Ảnh: TL

Bản thân Tuân đã từng theo học cao đẳng kinh tế chuyên ngành kế toán, “Sau tốt nghiệp cũng cố vất vưởng ở thành phố xin việc, nhưng phần vì lương thấp, phần vì tôi tiếc đồng đất ở quê nên quyết định về làm kinh tế. Vợ tôi bây giờ cũng phải đi học mới biết cách tính toán mà giữ tiền” – Tuân tâm sự.

Đúng là có học có khác, ngay lần gặp mặt đầu tiên, Phan Văn Tuân tạo cho người đối diện cảm giác là anh… rất khôn. Cái khôn ấy thể hiện ngay trong cách anh làm kinh tế. Năm nay 35 tuổi, nhưng Tuân nắm trong tay khối tài sản mà nhiều người “mơ chẳng thấy”: 2 xe tải loại 8 và 5 tấn chuyên vận chuyển gỗ và nông sản, 13ha rừng trồng đang tuổi thu hoạch, chưa kể mô hình chăn nuôi mà Tuân tự nhận định là “nhỏ lẻ, chỉ đủ cung cấp nhu cầu gia đình và bà con”.

Với 2 xe tải, Tuân đều đặn vận hành 10 chuyến/tháng, thu mua gỗ và nông sản của bà con trong vùng chở về xuôi tiêu thụ, không để xe chạy thùng trống đi về, Tuân tận dụng mua thêm vật tư nông nghiệp, các loại phân bón để phục vụ bà con. Điều đáng nói là vật tư Tuân cung cấp có giá “mềm” hơn nơi khác nên chẳng bao giờ lo thừa, “bởi vì cùng một chuyến xe mình tiết kiệm được chi phí nên giá đến tay bà con cũng rẻ hơn nơi khác” – Tuân phân tích.

Với 13ha rừng Tuân thu tỉa rồi trồng bổ sung ngay diện tích mới, nhờ thế mà không bị ngắt quãng thời gian thu hoạch. Diện tích rừng mà Tuân nhận khoán cũng chẳng giống ai, cứ chỗ nào sâu nhất, khó nhất thì Tuân nhận, sau đó tự bỏ tiền túi mở con đường dài 3km vào tận cửa rừng để thuận tiện vận chuyển gỗ. Cách làm của Tuân, nếu chỉ quen nhìn cái lợi trước mắt đúng là khó lòng thực hiện được, nhưng nhờ được học hành, nhờ sự nhanh nhạy nữa mà đã đi trước “thiên hạ” một bước.

Cũng vay vốn phát triển kinh tế như bao người, nhưng sau 2 năm Tuân đã thoát nghèo, trả hết các khoản nợ vay, lại còn tích lũy được khoản vốn nhỏ để tái đầu tư sản xuất. Còn bây giờ, mỗi năm Tuân có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi 200-300 triệu đồng. Mong là ngày càng nhiều người dân ở thôn Nà Đấu có suy nghĩ “đơn giản” như Tuân để những mô hình làm giàu nở rộ và đơm hoa kết trái ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

“Đại gia” nơi chân núi

Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Ba Bể, vì vậy muốn đến khu trang trại của anh Đồng Văn Chiêm, chúng tôi phải đi thuyền 20 phút trên lòng hồ, sau đó cuốc bộ xuyên qua rừng và vượt qua con đường đất nhão nhoét, hằn vết chân trâu. Vượt qua quãng đường này, chúng tôi cứ ngỡ mình đang ở nơi “sơn cùng thủy tận” khi bao quanh chỉ là núi và núi, thế mà đây là nơi lựa chọn để làm giàu của đôi vợ chồng cử nhân – điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã Nam Mẫu.

img

Trang trại tổng hợp của vợ chồng Chiêm cho thu nhập nửa tỷ mỗi năm. Ảnh: TL

Đồng Văn Chiêm tốt nghiệp ngành kế toán của trường Cao đẳng Kinh tế Thái Nguyên trong khi vợ anh là cử nhân khoa Văn của Đại học Sư phạm I Hà Nội. Không chọn con đường viên chức nhàn nhã, hai vợ chồng quyết định về tiếp quản cơ ngơi của bố mẹ, đó là trang trại tổng hợp rộng 2ha với 40 con bò, 5-7 con trâu, đàn gà 200 con, hơn 300 gốc cam, 400 cây quýt, chưa kể ao cá rộng 6.000-7.000m2 cho thu nhập 4-5 tạ cá mỗi năm…

Chiêm cho hay: “Sau khi học xong tôi đã từng xuống Hà Nội tìm việc, cũng kinh qua đủ nghề rồi nhận ra đi làm thuê không thể giàu được, chưa kể sau này có tuổi sức khỏe yếu đi sẽ càng khó ổn định. Vì thế tôi về quê và chọn cách phát triển kinh tế nông nghiệp. Cho đến giờ tôi vẫn thấy đây là quyết định đúng đắn”.

Sẵn có kiến thức học được, anh vay thêm vốn để đầu tư trồng thêm cây ăn quả, mua thêm trâu, bò, đồng thời quy hoạch lại khu trang trại cho khoa học và ngăn nắp hơn.

Mỗi năm thu nhập từ trang trại của gia đình anh khoảng 500-600 triệu đồng, gấp nhiều lần làm thuê. Vợ anh từ một cô sinh viên khoa Văn mơ mộng, giờ cũng thuộc lòng cách chăm sóc đàn gà, cá, cách vỗ béo rồi ủ ấm cho trâu, bò. Với vợ chồng anh, học chính là cách làm giàu bền vững nhất.

Người chọn nghề vất vả

Khác với anh Tuân, anh Chiêm – những người dân địa phương làm giàu trên quê hương mình, Bùi Văn Thiều là người Kinh, quê tận Thái Bình nhưng lại khởi nghiệp ở Bắc Kạn với một mô hình cực kỳ thuần nông.

img

Thiều chọn học ngành nông nghiệp với mục đích rõ ràng là làm nông. Ảnh: TL

Ban đầu Thiều lên Khuổi Coóng (xã Chu Hương, huyện Ba Bể) theo diện thanh niên đi làm kinh tế mới, nhưng loanh hoanh mấy năm không biết phải bắt đầu như thế nào, Thiều quyết định đi học, mà không học gì cao sang cả, học… trung cấp chăn nuôi.  

“Tôi còn nhớ ngày học cô giáo nói trong mấy nghề thì vất vả nhất là nghề chăn nuôi, “đầu đội mạng nhện, chân đạp phân”, ngày ấy chỉ có tôi và một người nữa chọn chuyên ngành này. Ngay từ khi đi học tôi đã xác định xong là về mở trang trại, chăn nuôi quy mô chứ không làm nghề gì khác”.

Nói là làm, Thiều khởi nghiệp bằng 200 con gà, vốn vay từ ngân hàng, bạn bè chỉ đủ mua giống, còn chuồng trại không có, anh mượn chuồng trâu của bố nhốt tạm. May mắn là lần nuôi đầu tiên đã có lãi, Thiều đầu tư xây chuồng, mở rộng quy mô.

Tôi thắc mắc về hành trình không có thất bại của anh, Thiều chia sẻ: “Nhờ được học nên tôi nắm rõ bệnh tình của gia súc, gia cầm. Chỉ cần chúng có triệu chứng là tôi điều trị ngay, nên nếu có thiệt hại cũng ở mức thấp nhất”. Chẳng thế mà năm 2009 với khoản vay 30 triệu đồng dành cho hộ nghèo, đến năm 2011 Thiều đã ra khỏi danh sách hộ nghèo và hiện tại thì là ông chủ của trang trại chăn nuôi tổng hợp, đủ cả: gà, vịt, cá, lợn.

Năm vừa rồi Thiều xuất bán 1 tấn lợn hơi, 1,4 tấn vịt Super, hơn 800 con gà, 2-3 lứa cá… tổng doanh thu 600-700 triệu đồng.

Thiều hiện là Phó Chủ tịch Hội nông dân xã, anh còn nhận tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi cho các hội viện Hội nông dân, đồng thời mở thêm cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi “vừa là đảm bảo nguồn thức ăn cho trang trại, vừa cung cấp thức ăn đảm bảo, có nguồn gốc xuất xử rõ ràng tới bà con”.

Chắc hẳn sẽ còn rất nhiều thanh niên khác cùng chung suy nghĩ như Tuân, Chiêm, Thiều, họ đã khiến tôi tự thấy xấu hổ khi từng quan niệm làm nhà nông thì không cần học hành nhiều. Ở thời hội nhập học không chỉ để biết nữa mà học để làm giàu và làm chủ chính mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem