Chiều 8/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, các bác sĩ đang điều trị tích cực cho một bệnh nhi bị viêm phổi hít do xăng nặng vì tai nạn xảy ra ngay tại nhà.
Bệnh nhi là bé gái hơn 1 tuổi, quê ở một tỉnh miền Trung. Theo thông tin ban đầu từ gia đình, do bị nhầm lẫn nên một người trong nhà đã mang phần xăng đựng trong vỏ chai mang nhãn mác nước ngọt bỏ vào trong tủ lạnh. Sau đó, người bà đã lấy ra và bà cho cháu uống xăng.
Sau khi hớp một lượng nhỏ, bé ho sặc sụa, nôn ói và lâm dần vào khó thở. Lúc này, gia đình phát hiện và tá hỏa đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Khi đến bệnh viện địa phương, bệnh nhi đã trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Bé được sơ cứu, hỗ trợ thở máy trước khi chuyển gấp lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé gái tiếp tục được thở máy, dùng thuốc trợ tim do có tình trạng trụy tim mạch. Hiện bệnh nhi vẫn được theo dõi sát, nếu diễn tiến suy đa tạng có thể phải tính đến phương án lọc máu.
Bác sĩ Phát cho biết, xăng vốn có đặc tính dễ bay hơi. Hầu hết các trường hợp khi uống nhầm xăng đều bị sặc, nôn ói, suy hô hấp vì chúng dễ dàng lan rộng vào các phế nang, mao mạch phổi khiến phổi viêm, đông đặc và không thể thông khí. Nạn nhân sẽ thiếu oxy trầm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong nếu uống phải xăng.
Thống kê cho thấy, trung bình một năm khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 5-7 trường hợp trẻ bị ngộ độc vì uống nhầm xăng. Đã có trường hợp biến chứng nặng, dẫn đến mất mạng.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên chiết xăng ra các chai lọ có nhãn mác nước giải khát, hình thù thường dùng. Đây không chỉ là nguyên nhân dễ dẫn đến các tai nạn cháy nổ mà còn dễ gây nhầm lẫn thành đồ uống cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
"Tốt nhất người dân không nên trữ xăng trong nhà khi không quá cần thiết, hoặc nếu mua về chế vào xe chạy phải sử dụng hết trong một lần để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc", bác sĩ Phát nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.