Bà Chu Thị Bình: Tại sao Eximbank để ông Lê Nguyễn Hưng bỏ qua các quy trình?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 07/03/2018 06:00 AM (GMT+7)
Bà Chu Thị Bình đặt vấn đề, thông thường các giao dịch rút tiền của ngân hàng k phải qua nhiều khâu, nhiều người tham gia. Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Hưng bỏ qua tất cả các khâu quy định mà vẫn rút được số tiền lớn như thế.  Vậy vai trò của kiểm soát ngân hàng khi thường xuyên kiểm soát nội bộ một năm vài lần, tại sao không phát hiện sai phạm?
Bình luận 0

img

Đó là những bức xúc của bà Chu Thị Bình, khách hàng bị “bốc hơi” 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank, trong buổi gặp gỡ chính thức với báo chí chiều nay 6.3.

Theo bà Bình, từ tháng 2.2013, do tin tưởng vào uy tín của Eximbank nên bà đã mở 15 thẻ tiết kiệm tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM, với kỳ hạn gửi từ 12 - 15 tháng. Cuối tháng 2, đầu tháng 3.2017, trong quá trình làm việc với Eximbank, bà phát hiện ra có 1 số thẻ đứng tên bà và các thành viên trong gia đình đã bị rút tiền và chuyển cho tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Hồng Lê, Nguyễn Đăng Phong và Nguyễn Minh Huân.

“Tôi không quen biết hay có bất cứ giao dịch nào, cũng chưa từng làm bất cứ văn bản ủy quyền nào cho 3 nhân vật nói trên để thực hiện giao dịch trên bất kỳ tài khoản tiết kiệm nào”, bà Bình khẳng định.

Tiền của tôi, sao phải ra tòa mới giải quyết?

“Tôi đã rất kiên nhẫn hợp tác với Eximbank suốt một năm qua với thái độ rất thiện chí kể từ khi vụ việc được phát hiện. Tuy nhiên, đến khi có thông báo của cơ quan điều tra thì ngân hàng lại không thực hiện trả lại tiền như cam kết”, bà Chu Thị Bình mở đầu câu chuyện về việc bà đã hợp tác với ngân hàng và cung cấp chứng cứ cho công an một năm qua như thế nào.

Theo bà Bình, khi sự việc xảy ra, bà tới ngân hàng ngay chứ không phải không chủ động báo.

“Tôi yêu cầu báo công an, báo Ngân hàng Nhà nước ngay. Thời điểm đó chị Tâm (bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc chi nhánh TP.HCM - PV) nói tôi yên tâm, chắc có lẫn lộn đâu đó, cần cho ngân hàng thời gian xử lý. 3 ngày sau thì anh Quyết (ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank - PV), nói trên hệ thống không thể hiện tiền tôi gửi, tiền tôi gửi thì phải có trách nhiệm theo dõi và báo cho ngân hàng biết sớm. Tôi làm sao vô hệ thống của Eximbank để kiểm tra được?”, bà Bình kể.

Khi được các phóng viên hỏi vì sao tiền gửi của mình bị rút suốt thời gian dài mà không hay biết, bà Bình nói, thời gian đầu chưa có các dịch vụ báo tin nhắn SMS. Đáng tiếc là khi có dịch vụ thì ngân hàng cũng không thông báo, không hướng dẫn gì cho bà tham gia đăng ký cả.

“Ngân hàng nói tôi là khách hàng VIP, là khách hàng lớn nhất của Eximbank chi nhánh TP.HCM, và ông Lê Nguyễn Hưng có trách nhiệm giao dịch, nhưng việc ông Hưng bỏ ra nước ngoài cả tháng ngân hàng cũng không thông báo. Cho đến khi tôi đến rút 49 tỷ đồng, ngân hàng thông báo không còn tiền trên hệ thống, tôi mới biết sự vắng mặt của ông Hưng và lộ ra câu chuyện tiền của mình đã bị “rút ruột” hết 245 tỷ đồng”, bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình, từ đó đến nay mỗi lần làm việc với nhau lại là một lần hứa vòng quanh của đại diện ngân hàng. "Ban lãnh đạo ngân hàng trực tiếp là anh Quyết và chị Tâm cứ hẹn khi có kết luận điều tra thì giải quyết. Đến khi có kết luận của cơ quan điều tra thì lại cho rằng kết luận này chưa đủ, chờ ra tòa. Tiền của tôi, vì sao phải chờ ra tòa mới giải quyết? Lãnh đạo quản lý nhân viên lỏng lẻo, để nhân viên của mình lừa khách hàng rồi bắt khách hàng phải chịu là vô lý…", bà Bình bức xúc.

Liên quan đến các buổi làm việc gần đây, bà Bình thông tin thêm: Ngân hàng có gửi cho bà một thư thỏa thuận ứng trước 14,8 tỷ đồng. Nhưng mục đích tạm ứng này là để giải quyết khó khăn của gia đình chứ không liên quan gì đến số tiền ngân hàng đang giữ của bà. Ban đầu bà cân nhắc nhận vì nghĩ đây là một phần trong số tiền của mình, nhưng ngân hàng nói ứng để giải quyết khó khăn thì bà không đồng ý.

Những thắc mắc “khó trả lời” với Eximbank?

Bên cạnh việc trình bày những lo lắng, bức xúc và nguyện vọng của mình, bà Chu Thị Bình cũng đặt ra những câu hỏi mà có lẽ sẽ rất khó trả lời đối với Eximbank.

Chẳng hạn, bà Bình đặt vấn đề, thông thường các giao dịch rút tiền của ngân hàng không bao giờ một người thực hiện được mà phải qua nhiều khâu, nhiều người tham gia. Trong khi đó, ông Lê Nguyễn Hưng bỏ qua tất cả các khâu quy định mà vẫn rút được số tiền lớn như thế. Vậy vai trò của kiểm soát ngân hàng khi thường xuyên kiểm soát nội bộ một năm vài lần, tại sao không phát hiện sai phạm?

Ngoài ra, theo bà Bình: “Tôi gửi tiền kỳ hạn dài, thường là 12-15 tháng để hưởng lãi. Trong khi đó các sổ của tôi bị rút sau 7 ngày, 15 ngày và rút liên tục trong thời gian dài… tại sao ngân hàng không kiểm tra? Họ nói tôi là khách hàng VIP, là khách hàng lớn nhất của Eximbank TP.HCM, tại sao họ không  gọi điện hỏi tôi vì sao lại rút tiền trước hạn bất thường như vậy…?"

Bà Bình tiếp tục truy vấn: “Luật các tổ chức tín dụng đã có và tôi là khách hàng gửi tiết kiệm, đang giữ sổ gốc, đến hạn thì đến rút về. Giờ nhiều người nói tôi muốn lấy được tiền gửi thì đi kiện Eximbank có hợp lý không? Tiền của tôi gửi cho ngân hàng chứ có gửi cho ông Hưng đâu mà bắt tôi gánh chịu rủi ro. Giả sử tôi đi vay tiền ngân hàng về làm ăn mà nửa đường bị cướp, vậy ngân hàng có chờ tôi tìm được công an bắt kẻ cướp về, lấy tiền trả tôi rồi tôi trả lại cho ngân hàng được không?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem