- Chuyện cũ viết lại - cụ lão nông nói - thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, học sinh, sinh viên miền Bắc thường xuyên học ngoại khóa bằng cách “xuống xã”, tham gia làm thủy lợi, làm phân xanh, đi gặt, gánh lúa... Nước mình người nào cũng có quê, có ông bà, cha mẹ làm ruộng, chuyện “ba cùng” với nông dân vừa là chuyện lao động thực tế, vừa là hình thức giáo dục người Việt không được xa gốc. Ấy thế mà mấy chục năm nay mới thấy có chuyện “xuống xã”, lại “mặc áo” du lịch tây “homestay”. Lão nghe thấy buồn buồn
- Vui lên cụ ơi! Mới có 300 sinh viên về quê “homestay”, còn bà con ta có cả triệu người kéo nhau kìn kìn ra thành phố “ba cùng” với dân phố mới là vấn đề.
- Mỗi năm nước ta dành ra 70.000ha đất nông nghiệp cho các đô thị, khu công nghiệp phát triển. Đó là chưa tính đến hàng ngàn ha chuyển đổi mục đích sang làm sân golf, khu nghỉ mát, trang trại tư nhân. Nông dân mình phải ra phố tập làm thị dân cho quen, kẻo nay mai hết đất lại ngỡ ngàng không biết làm gì để sống.
- Đánh giày, đồng nát, thợ xây, dọn dẹp, Ôsin... là “ba cùng”, là con đường tương lai của nông dân hay sao hở cụ? Chị em phải “xuất khẩu cô dâu” cũng là lối thoát cho hạnh phúc gia đình của phụ nữ nông thôn?
- Lão biết, đó là “hạ sách”, nhưng có phải ai cũng lên rừng “ngậm ngải tìm trầm” hay vác xẻng đi đào quặng được đâu. Nói thật với chú, một số chị em trẻ, chân hơi bị dài, ở nhà làm ruộng lóng ngóng, ra phố làm dịch vụ, kinh doanh “cái tự có” kiếm tiền dễ hơn dân phố, nhưng dạo này chắc cung nhiều hơn cầu, báo đăng phải ra đứng đường hoặc vẫy khách. Sống như thế thời xưa gọi là “đời mưa gió”.
- Ngày nay làm nghề gì ở phố cũng đều “mưa gió” cả cụ ạ. Kiếm nhiều tiêu tốn. Tuy nhiên so với những người sang tây “ba cùng” như những thợ may chui ở Nga vẫn còn sướng hơn, không bị cảnh sát “bố ráp”, bắt giam cả “công ty” vì cư trú và hành nghề bất hợp pháp.
- Lão không lo chuyện đó. Công nghiệp là cứu cánh cho một nước đất chật người đông mà đang muốn phát triển như nước ta. Nhưng chuyển một nền “văn hóa lúa nước” sang “văn hóa thị dân” e rằng sẽ hình thành một lớp người xa dần môi trường văn hóa dân tộc. Chẳng lâu nữa con cháu nông dân muốn hiểu ông bà phải mua vé “ba cùng tour”. Hơn nữa lối sống “động vi công, tĩnh vi nông” của lớp người còn sức làm ruộng hiện nay rất khó lý giải và phân định nghề nghiệp. Con người sẽ phát triển theo hướng nào khi mà lịch sử hiện đại không chuẩn bị “hành trang” cho họ?
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.