Nghe vải kể chuyện
Người thân, bạn bè vẫn không hiểu nổi vì sao Trần Thanh Thục lại có niềm đam mê mãnh liệt với “đống rác” đầy bụi bặm chất đầy trong nhà kho rộng gần 30m2 của chị. Đống vải mà chị vẫn gọi vui là “đống vàng” ấy được nữ họa sĩ tích lũy suốt 30 năm qua.
Tranh cắt vải không phải quá xa lạ với người Việt, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là những bức tranh nhỏ làm quà tặng trang trí, lưu niệm. Gần như Trần Thanh Thục là họa sĩ đầu tiên sử dụng những miếng vải vụn để sáng tạo nên các bức tranh trường cảnh.
Họa sĩ Thanh Thục.
Tưởng là dễ nhưng để tìm được những miếng vải, những họa tiết vải ưng ý có thể ghép vào bức tranh một cách nhuần nhuyễn, không bị phô là cả một câu chuyện dài.
Mỗi lần đi du lịch hay công tác, câu đầu tiên mà chị hỏi người dân địa phương là “Chợ vải ở đâu?”, rồi lọ mọ đi tìm, đi săn từng miếng vải độc lạ. Bạn bè, người thân đi đâu nhìn thấy mảnh vải đẹp cũng “tự động” mua về làm quà biếu chị.
Mỗi khi có ý tưởng, cảm xúc, chị lại vào kho vải, đóng cửa ngồi một mình. Giữa hàng trăm, hàng ngàn mảnh vải ấy, có khi, chỉ vài mảnh phục vụ được ý tưởng của chị. Nếu đã đủ thì bắt tay vào việc. Nếu vẫn thiếu, lại khoác ba lô lên đường tìm… vải.
Nhiều hôm, người ta thấy nữ họa sĩ còng lưng vác về 4-5 bao tải, trong đó là vải vụn xin hoặc mua. Lại mang đi giặt, xả nước thơm, phơi khô, là lượt phẳng phiu rồi mới cất vào kho.
Chị bảo, có những bức tranh kéo dài mấy năm trời chỉ để đi tìm được miếng vải ưng ý. Để kiếm được mảnh vải làm vách núi trên bức tranh “Kỳ vĩ Sơn Đòong” , chị đã lặn lội khắp các chợ vải miền Bắc không tìm được. Cuối cùng, một lần đi công tác ở Huế, may mắn đã đến với chị khi tìm được đúng miếng vải áo dài có những hình vân để tạo nên vẻ hùng vĩ của vách đá hang thiêng.
“Khi làm tranh mình phải tránh vải cotton, vì chất vải này khi tác dụng với hồ dán sẽ làm mất màu, đục màu. Chất liệu mà mình tâm đắc nhất chính là những họa tiết nằm trên những mảnh vải may áo dài”. Chính vì thế, họa sĩ Thanh Thục trở thành khách quen của các cửa hàng áo dài ở Hà Nội.
Chị bảo, mua quần áo thì có thể tính toán, mặc cả, nhưng khi thấy mảnh vải có họa tiết đẹp cho ý tưởng của mình thì bất chấp giá cả, phải mua bằng được, có khi mua cả miếng vải hơn 1 triệu đồng, chỉ để lấy một mảnh hoa văn bằng lòng bàn tay.
Mỗi bức tranh có thể tiêu tốn hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn miếng vải nhỏ. Mà mỗi miếng vải lại chở theo cả một câu chuyện riêng về quá trình người họa sĩ đi tìm nó.
Một thiệt thòi khi làm tranh cắt vải là họa sĩ không được làm phác thảo, bởi vải quý như… máu, không thể đưa ra bôi vẽ, ghép lên lại gỡ ra làm lại được. Thế nên, khi đã bắt tay vào làm là mọi ý tưởng đã được sắp xếp kỹ trong đầu. Lúc đó, cả người và vải đều nương vào nhau cùng làm việc.
“Khi tôi dán xong cái cây thì cái cây sẽ gợi ý cho mình cái bóng cây. Cái bóng cây đổ xuống vỉa hè, vỉa hè lại loang nắng, ánh nắng có thể chiếu lên tường nhà, trong nhà sẽ có người, người có thể đang bế em bé… Cứ thế, đôi khi tôi cứ để cho vải tự dẫn dắt mình”- Họa sĩ Thanh Thục chia sẻ.
Lối riêng thành đường lớn
Việc tìm được miếng vải có họa tiết phù hợp để tạo nên mái nhà trong bức tranh “Đồng cải Hà Giang” khiến nữ họa sĩ vô cùng tâm đắc. Anh: Thục Nghi
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định trong một gia đình đông anh chị em, cô bé Trần Thanh Thục lúc bấy giờ không thể ngờ được những nét vẽ nhăng cuội, tinh nghịch tuổi học trò của mình lại lọt vào mắt xanh một người bạn họa sĩ của bố.
Được bạn của bố dạy dỗ, kèm cặp, học hết lơp 7, Trần Thanh Thục thi đỗ vào hệ Trung cấp (học 5 năm) của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Sau 5 năm miệt mài trên ghế nhà trường, Trần Thanh Thục lại trở thành.. một công chức nhà nước. Nhưng cô gái ấy chưa bao giờ từ bỏ giá vẽ và niềm đam mê của mình. Chị từng vẽ tranh sơn dầu, bột màu, màu nước trên nhiều chất liệu, song với chị, tình yêu cháy bỏng nhất lại chính là tranh vải.
Tình yêu ấy bắt đầu khi chị tình cờ nghịch ngợm những mảnh vải vụn ở cửa hàng may của người bạn thân. Chị nảy ra ý tưởng làm một bức tranh từ những miếng vải ấy. Sau 3 ngày lọ mọ, tỉ mẩn cắt cắt dán dán, bức tranh về dãy phố quê hương Nam Định của chị đã hoàn thành trong sự ngạc nhiên và khen ngợi của gia đình.
Kể từ đó, lối đi nhỏ đã dần trở thành con đường lớn, con đường nghệ thuật mà chị bền bỉ bước đi suốt hơn 30 năm qua. Trần Thanh Thục đùa vui rằng, hơn 30 năm chị đã quên mất cách pha màu truyền thống và hiện nay, chị cầm kéo thạo hơn cầm bút. Cành cọ của chị cũng không phải để vẽ mà để phết hồ dán. Hơn 30 năm qua, Trần Thanh Thục đã có vài trăm tác phẩm. Đã nhiều lần tham gia triển lãm nhóm, nhưng mãi tới năm 2015, chị mới có một triển lãm cá nhân “Nhịp xuân” mang dấu ấn đậm nét với những bức tranh được sáng tạo từ hàng ngàn họa tiết vải ghép lại, gây hứng thú, bất ngờ cho không chỉ người yêu mĩ thuật trong nước mà với nhiều khách nước ngoài.
Triển lãm mới đây nhất mang tên “Đồng dao mùa hạ” nữ họa sĩ vừa diễn ra vào cuối tháng 5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thu hút rất nhiều người yêu nghệ thuật. Thấp thoáng trong phòng tranh của chị luôn thấy những bông hoa xinh xắn đính dưới mỗi tác phẩm. Đó là những bức tranh đã được bán.
Họa sĩ sơn mài Bùi Mai Hiên nhận xét “Thanh Thục đã mở ra một chất liệu mới cho hội họa, đó là làm tranh bằng vải. Và cô ấy đã làm rất thành công”. Còn họa sĩ Hà Khanh thì đánh giá “Trần Thanh Thục đã đưa được chất hội họa và nghệ thuật tạo hình vào tranh vải. Tranh của chị ấn tượng ở chỗ mang được vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam vào những mảnh vải mà không hề bị khô cứng hay mang tính mỹ nghệ”.
Thanh Hương (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.