Bà hàng guốc cuối cùng của chợ Bến Thành

Thùy Anh Thứ ba, ngày 15/11/2016 06:30 AM (GMT+7)
Thời đại này, không biết còn được bao nhiêu người mang guốc mộc, hay ít ra là có đôi guốc trong nhà. Người trẻ bây giờ thường khoe nhau đôi giày Nike, Adidas hay Prada “xịn”, chứ chưa thấy ai đem khoe đôi guốc đẹp vừa “tậu” được bao giờ. Thế mà giữa chợ Bến Thành xô bồ của đất Sài thành, vẫn có một bà già cặm cụi đóng guốc mộc lọc cà lọc cọc hơn nửa thế kỷ qua.
Bình luận 0

Tìm tiếng guốc gỗ

Tôi đến chợ Bến Thành tìm bà Nguyễn Thị Liên (72 tuổi). Trưa nóng nực, chợ đông, tôi biết có một bà già đóng guốc ở chợ này, chứ cũng chẳng biết cái sạp đó ở đâu. Chợ Bến Thành với tôi chẳng khác nào một mê cung lằng nhằng đủ loại ngã rẽ, khe hẻm, đi loanh quanh mãi rồi chẳng hiểu sao lại quay về chỗ cũ. Có người mách cho tôi sạp đóng guốc ấy ở gần cửa Tây. Tôi lại tốn thêm bao nhiêu thời gian lòng vòng gần cửa Tây mà chẳng thấy, hoá ra bảo là sạp guốc duy nhất ở chợ mà cũng chẳng dễ tìm chút nào.

img

Bà Nguyễn Thị Liên - người đóng guốc mộc cuối cùng ở chợ Bến Thành.  Ảnh: Thuỳ Anh

Một ngày tôi bán được cao lắm chỉ 2 đôi guốc, có nhiều ngày chẳng bán được đôi nào, nhưng tôi vẫn cứ bán, vì còn có mình tôi trụ lại ở đất Sài Gòn này với nghề đóng guốc".

Bà Nguyễn Thị Liên

Hỏi han vài người bán nữa, cuối cùng tôi cũng tìm được sạp guốc ấy ngay gần sát cửa Tây đi vào. Đến rồi mới thấy, thật ra sạp guốc cũng không khó tìm, chẳng cần len lỏi gì sâu vào trong chợ, nằm ngay gần đường chính cửa Tây. Chẳng hiểu sao tôi cứ đi tới, đi lui cả buổi mà không để ý. Có lẽ tại cái sạp ấy nhỏ bé quá, lọt thỏm giữa không biết bao nhiêu hàng bán giày dép, quần áo đủ màu sắc, kiểu dáng xung quanh. Còn bà Liên lọt thỏm như đứa trẻ con giữa bao nhiêu người lớn, người bên ngoài có đi lướt qua cũng không trông thấy.

Lúc tôi đến, bà Liên đang tiếp hai cô khách mặc áo dài rất điệu, ngồi trên chiếc ghế con ướm thử guốc cho bà đóng. Không muốn làm phiền, tôi đứng nép vào một góc quan sát. Các bước đóng guốc rất đơn giản. Trước tiên, bà để khách chọn quai, ướm thử quai lên thân guốc rồi đóng. Đóng xong, khách thử guốc, rộng, chật thế nào bà sẽ dựa vào đó căn chỉnh cho vừa, rồi đóng cố định là coi như hoàn thành. Đóng quai guốc thì dùng loại đinh đầu tròn, dẹp, ngắn ngủn. Đóng đế guốc thì dùng loại đinh dài, nhọn hơn. Quai guốc đủ kiểu, đủ màu cho khách lựa. Thân guốc cũng nhiều loại khác nhau tuỳ sở thích. Khách đến đây thoả sức chọn để có đôi guốc thật hợp ý mình, rồi nhờ bà gõ lộc cộc vài nhát búa cho đôi guốc thành hình và vừa chân nhất.

Thấy bà tiếp khách xong, đứng lên tiếp tục bày hàng, tôi mới dám lại gần hỏi chuyện. Mới đầu, bà Liên nhất định từ chối, không nhận lời tiếp tôi. Bà còn chẳng quay sang nhìn tôi, chỉ tập trung lấy từng đôi, từng đôi guốc trong bao ra bày lên kệ. Vừa luôn tay làm việc, bà vừa nói: “Cô có gì muốn hỏi thì đứng đây hỏi luôn đi, tôi trả lời cô thật lẹ. Chứ giờ tôi còn chưa bày hàng xong nữa, không có thời gian đâu”.

Hiểu mình đang làm phiền bà, nhưng tôi nhất quyết không muốn nhận những câu trả lời qua quít, nên kiên nhẫn đứng bên cạnh đợi bà xong việc. Được một lúc, thấy tôi mãi không bỏ cuộc, bà vẫy tay gọi tôi ra phía trước sạp hàng, kê cho tôi một chiếc ghế con, rồi mời tôi bắt đầu câu chuyện.

Theo lời bà Liên kể, thực ra sạp guốc ở Bến Thành này là của một người cô. Hồi nhỏ, bà Liên cũng được đi học, cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng gia đình nghèo khó, đông chị em, bà theo người cô ra chợ buôn bán, học nghề. Bà nói: “Nghề guốc này thật ra cũng không khó. Nhìn cô mình bán, đóng guốc thế nào thì học theo rồi ra đóng thôi. Ngày bắt đầu học cũng hư hỏng nhiều, rồi từ từ khá dần lên, xấu thành đẹp. Khi đã biết làm rồi thì thích lắm, đâu có gì phiền hà”. Đến năm Mậu Thân 1968, người cô mất, để lại sạp guốc cho bà trông coi cho tới bây giờ.

Thăng trầm cùng đôi guốc

img

Đôi tay gầy guộc của bà Liên nhanh nhẹn, tỉ mỉ đóng quai guốc. Ảnh: N.M

Bà Liên từ tốn kể về thời cả dãy chợ này chỉ toàn là hàng bán guốc. Có lúc, đôi mắt bà trông ra xa như đang muốn chớp lấy một hình bóng cũ, hoài niệm khung cảnh của những ngày xưa. Có lúc, bà lại cúi đầu nhìn chăm chú đôi guốc trên tay, gõ chúng vào nhau nghe tiếng “lọc cọc, lọc cọc” như đang bắt nhịp cho câu chuyện.

Ngày trước, người Việt mình hay mặc bà ba, áo dài và không thể thiếu đôi guốc mộc. Guốc ngày đó không được tân tiến như bây giờ, chỉ mộc mạc, đơn giản thôi. Quai guốc thường là quai trong hoặc quai làm bằng da vỏ xe chứ không đa dạng kiểu cách. Thân guốc ngày xưa chỉ có guốc vông, không sơn phết, để nguyên trạng một phiến mộc...

Giọng bà Liên hào hứng hẳn lên khi nói đến guốc vông: Nào là guốc vông đẹp lắm, sớ cây vông trắng tươi, chẳng cần đánh dầu mà cũng bóng; nào là guốc vông bán chạy vô cùng! Rồi bà lại ỉu xìu ngay: “Guốc vông đẹp lắm, mà giờ chẳng có ai làm nữa. Làm như không có cây vông hay sao đó! Giờ thì guốc dùng gỗ xoan, gỗ này, gỗ kia đủ hết, chứ không có guốc vông…”.

Bà Liên kể, thời trẻ bà cũng đi guốc mộc. Không chỉ đi guốc mà bà yêu đôi guốc vô cùng. Bà còn nhớ lần được má mua cho đôi guốc mộc, “mừng lắm, thích lắm!”, mỗi lần tắm là chà rửa guốc kỹ càng. Bà gật gù: “Mình thương cái đôi guốc, ai mà đụng tới là la bải hải à!”.

Tôi tò mò:  Thế bà đã bao giờ tự đóng guốc cho mình chưa? “Có chứ, tuy lúc đầu đóng hơi xấu, không vừa ý. Khách đến mua cũng vậy. Mình đóng cho mình thế nào thì đóng cho khách thế ấy. Nói cô nghe, đẹp cách mấy cũng có người chê, mà xấu cách mấy cũng có người khen. Mình không vừa ý nhưng cũng có khách khen tới khen lui, vậy mới bán được!” - bà Liên cười lớn.

Những đôi guốc mộc ngày ấy nay phần lớn chỉ tồn tại trong ký ức của những người Việt xưa. Như với bà Liên, là tồn tại mãi trong ký ức về đôi guốc đầu tiên được mẹ mua cho; đôi guốc xấu lem nhem lần đầu tự tay bà đóng; đôi guốc bà đóng cho cô khách ruột xinh đẹp một thời - vũ nữ Cẩm Nhung... Cứ thế, tiếng guốc mộc gõ lộc cộc trên nền đất đã sống mãi như vậy, cho dù khi nghe tôi hỏi có điều gì bà muốn có lại từ quá khứ không, bà chỉ cười giả lả: “Ngày xưa đã qua rồi thì thôi, không nghĩ tới. Giờ mình chỉ biết đến hiện tại thôi”.

Theo bà Liên, từ năm 2000 trở đi, việc kinh doanh guốc mộc bắt đầu chững lại. Người tìm mua guốc mộc ít hẳn. Dãy chợ khi trước toàn hàng bán guốc nay thay đổi hết. Những người cùng bà buôn bán ngày xưa ở chợ này cũng lần lượt ra đi, “một là đi, hai là mất”. Bao điều thay đổi, bà vẫn trụ lại với nghề đóng guốc, bán guốc mộc, trụ lại với chợ Bến Thành. Khách hàng chủ yếu của bà là Việt kiều về nước, hay khách du lịch nước ngoài muốn mua những món đặc trưng của Việt Nam về làm quà.

Hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ đó vẫn cặm cụi giữ nghề, dù chuyện bi - hài đủ cả. Bà còn nhớ nguyên có lần cô khách Việt kiều đi ngang, dí dỏm nói: “Mặt hàng này là mặt hàng truyền thống của người Việt Nam mình, bác cố gắng giữ chứ đừng để mất”. Bà liền cười, đáp: “Trời ơi, cái nghề của tôi, tôi đâu có dám bỏ mất, vẫn giữ đây mà!”.

Trước khi chia tay bà Liên, tôi còn ngồi ngắm bà đóng guốc một lúc. Nhìn từng nhát búa dứt khoát gõ xuống, nghe từng tiếng gõ tan chảy vào đám âm thanh nhộn nhịp của chợ Bến Thành, tôi hỏi vu vơ: Bà có nghĩ sau này sẽ có ngày guốc mộc lại thịnh như xưa không? “Thể nào cũng thế - bà đáp lời, không quay đầu lại - Thể nào guốc này cũng sẽ tồn tại mà, chẳng mất được đâu”. Sao bà lại nghĩ thế? - Tôi băn khoăn. “Ừ, thì mình cứ hi vọng thế đi! Chứ không thì cũng có nghĩ được gì khác đâu?”.

Chào tạm biệt bà, ra về, những câu nói của bà Liên vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi: “Chẳng mất được đâu”, “cứ hy vọng thế”, “tôi vẫn giữ đây mà”… Có lẽ bà Liên sẽ truyền nghề lại cho cô cháu gái, rồi đất Sài Gòn vẫn tồn tại cái sạp guốc cổ bé nhỏ, cũ kỹ từ đời nảo đời nao - báu vật trong đời của một bà già nhỏ thó và cần mẫn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem