"Cụ già tò he" và nỗi khắc khoải đem mùa xuân đến bên con trẻ

Thứ tư, ngày 29/01/2014 13:57 PM (GMT+7)
Tuổi đã cao nhưng người nghệ nhân của trẻ thơ ấy vẫn giữ tình yêu và niềm đam mê đối với môn nghệ thuật tò he. Hơn 80 mùa xuân trôi qua, cụ lưu giữ những gì đẹp nhất của tuổi thơ và mang đến không khí ấm áp của ngày xuân...
Bình luận 0

Gần 70 năm gắn bó với nghề “chim cò”

Tới Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) hỏi thăm vị nghệ nhân cao tuổi nhất ở làng thì ai cũng biết đó là cụ Đặng Văn Hạ. Cụ Hạ năm nay đã bước sang mùa xuân thứ 86.

Cụ Đặng Văn Hạ đang nặn tò he cho các cháu thiếu nhi.
Cụ Đặng Văn Hạ đang nặn tò he cho các cháu thiếu nhi.

Năm 17 tuổi, cụ bắt đầu bén duyên với cái nghề nặn “chim cò”. Cái nghề này đã xuất hiện ở làng Xuân La từ 300 - 400 năm nay, chẳng ai nhớ cũng chẳng ai biết nó có xuất xứ như thế nào, chỉ thấy nhà nào cũng để ra vài cân bột, mấy lọ màu chắt lọc từ cỏ cây trong vườn, rồi nặn nặn vuốt vuốt. Vì thế cũng chẳng có ai dạy ai cả, gọi là bắt chước nhau mà làm, ai khéo tay thì nặn đẹp, nặn nhanh.

Cụ Hạ gắn bó với nghề nặn tò he khi cái tên tò he còn chưa có. Ngày xưa, người làng gọi là nghề chim cò, nghề chiến sĩ. Con tò he được gắn với đầu một cây kèn phát ra tiếng kêu tò te làm đồ chơi cho trẻ con, tên gọi tò he là gọi chệch của từ “tò te” mà ra. Cụ Hạ từng đạp xe xuyến Việt trong những ngày kháng chiến chống Mỹ, mang theo thứ bột quê đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Hồi đó, cụ cứ ngả mẹt bột ra là người ta lại yêu cầu nặn hình chú bộ đội, nữ giao liên. Có lẽ cái tên nghề chiến sĩ cũng xuất phát từ đó.

Để tạo nên những con tò he đầy màu sắc thì cần có nguyên liệu là bột gạo nếp cùng bột gạo tẻ đã được xay nhuyễn, đem hai thứ bột đấy trộn với nhau sao cho đúng tỉ lệ, rồi nhào bột với nước cho đến khi bột quện vào dẻo quạnh, không dính tay thì đồ lên cho chín. Đây là công đoạn vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng của người làm tò he. Ngày xưa, để tạo ra đủ loại màu cho con tò he, các cụ trong làng thường sáng tạo từ những nguyên liệu thiên nhiên như màu vàng từ nghệ, màu đỏ từ gấc, màu xanh từ rau ngót, màu tím từ nghệ đen hoặc quả mồng tơi.

Cả đời say mê với những con tò he, gần 70 năm gắn bó bằng nghề nặn tò he, đến khi đã ngoài cái ngưỡng bát thập, cụ Hạ vẫn thường trốn con trốn cháu gói ghém ít bột màu ra đường quốc lộ 1, rồi lê la lên tận nội thành để thỏa niềm đam mê phục vụ trẻ thơ.

Mang cái Tết đến với tâm hồn thơ trẻ

Niềm vui của cụ Hạ là được mang lại tiếng cười cho con trẻ qua những con tò he, thứ đồ chơi dân gian vừa giản dị lại vừa gần gũi với ruộng vườn thôn quê. “Nhiều đứa trẻ ở thành phố cầm trên tay nào ôtô, nào siêu nhân vẫn cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được con vật xanh xanh đỏ đỏ của ông già nơi góc công viên. Những lúc ấy, tôi mừng lắm”, cụ Hạ tâm sự.

Nghề nặn tò he phát triển mạnh vào các ngày lễ hội, Tết. Nhiều người không biết tên thật của cụ Hạ nên trìu mến gọi với cái tên “cụ già tò he”. Khách hàng thân thiết của cụ chủ yếu và “tiềm năng” nhất vẫn là đám con trẻ.

Cụ Hạ tâm sự: “Để thỏa mãn niềm vui cho con trẻ, tôi lại mày mò tìm cho ra những nhân vật trong truyện tranh, rồi xem cả phim hoạt hình để nặn ra những con tò he như Pokemon, Ben Ten, Thuỷ Thủ Mặt Trăng… sao cho giống, cho đẹp”. Đến với hàng tò he, đám trẻ được mải mê ngắm đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân bạc phơ râu tóc, biến những cục bột xanh đỏ thành những hình thù sống động tuyệt đẹp.

Mỗi độ cuối năm, gặp hình ảnh cụ già say mê ngồi nặn tò he, lòng con trẻ lại rạo rực mong chờ ngày Tết cổ truyền, được xúng xính trong những bộ quần áo mới đi chúc Tết ông bà, họ hàng..., được nhận những phong bao lì xì trong niềm vui hồn nhiên. Không chỉ mang đến cho trẻ thơ thứ đồ chơi dân dã, cụ Hạ còn mang theo cả không khí xuân, mang lại nụ cười cho con trẻ, không chỉ ở làng Xuân La này mà ở mọi miền đất nước Việt Nam, những nơi cụ đã từng đặt chân đến. Có lẽ bởi thế mà cụ Hạ càng thêm yêu cái nghề “ăn dỗ trẻ con” này.

Truyền “lửa” nghề cho thế hệ sau

Mãi đến năm 1993, khi Bộ Văn hóa Thông tin cử cán bộ về tận làng tuyên truyền, vận động nhằm tìm cách khôi phục làng nghề, phong trào nặn tò he mới rậm rịch trở lại như trước. Tò he bắt đầu theo chân người “xuất ngoại” sang cả những miền đất xa xôi như Đức, Mỹ, Nhật Bản… Và khoảng 10 năm trở lại đây, tò he bắt đầu lên ngôi, không chỉ lôi cuốn khách hàng trong nước mà còn thu hút rất nhiều khách nước ngoài. Rong ruổi cùng chú tò he, người làng Xuân La cũng trở thành những “du khách chuyên nghiệp”, thông thuộc rất nhiều địa danh du lịch, những đình, chùa, miếu mạo, vườn hoa, công viên…

Có lẽ Xuân La là làng nghề tò he duy nhất tại Việt Nam, nơi nghề truyền thống “chim cò” đã được tồn tại hàng trăm năm nay. Cụ Hạ là một trong số những người còn đam mê và nhiệt huyết với nghề, muốn giữ gìn và tiếp lửa cho thế hệ trẻ ở trong làng.

“Mấy lần có hội chợ ở Hà Nội hay Nam Định, người ta đánh cả xe về mời tôi đi, thế là tôi lại khăn gói mang ít bột quê đi giới thiệu sản phẩm làng nghề, thỏa mãn niềm vui của bà con”, cụ Hạ phấn khởi chia sẻ.

Cụ cho biết: “Không chỉ là một nghề truyền thống, nặn tò he còn là cái nghề xóa đói giảm nghèo. Ngày xưa, mỗi con tò he bán ra được 1 - 2 hào, rồi 1 - 2 nghìn, bây giờ 10 nghìn/1 con, vẫn là thứ đồ chơi dân gian dễ mua, dễ bán, ngày bán ế chỉ cần mấy chục con thôi cũng được vài trăm nghìn rồi”, rồi cụ bỗng chùng giọng, nghe buồn buồn: “Cái nghề phải lê la, đi lại nhiều nên người ta dần dần bỏ nghề, làng Xuân La này giờ chuyển sang làm bông, khảm, làm tượng cả rồi”.

May mắn là trong làng vẫn còn những người như cụ còn nặng lòng với nghề. Một số người cháu của cụ vẫn giữ đam mê với nghề truyền thống như anh Đặng Văn Hậu, Đặng Văn Tiên. Cụ bảo: “Mấy đứa nó sáng dạ lắm, giờ nó nặn giỏi hơn cả tôi rồi”. Anh Tiên đã từng nặn cả chùa Một Cột và Khuê Văn các, con rồng thời Lý… Cụ Hạ tự hào về điều đó lắm vì đã nhen nhóm được “lửa” nghề cho thế hệ sau.

Gia đình Việt Nam (Theo Gia đình Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem