Bà hoàng mê người hầu!

Thứ ba, ngày 01/05/2012 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một câu chuyện bí ẩn vừa được tiết lộ nhân dịp Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong năm 2012 kỷ niệm 60 năm ngày đăng quang: Nữ hoàng Victoria từng "mê" người hầu Abdul Karim!
Bình luận 0

Vào thời bà hoàng này, đó là một mối quan hệ bị cấm vì khác biệt màu da và đẳng cấp, đe dọa sự ổn định của vương triều và Đế chế Anh. Ngày nay trong khi người Anh vẫn còn nhớ tới mối quan hệ tai tiếng giữa Victoria với người hầu John Brown (người Scotland) thì tình cảm sâu đậm của bà dành cho một người hầu theo đạo Hồi lại gần như bị quên lãng.

img
Chàng hầu Karim với Nữ hoàng Victoria

Nhân dịp lễ 60 năm đăng quang của "Vua bà" Elizabeth, kênh truyền hình Channel 4 tung ra bộ phim tư liệu "Cuộc tình cuối của Nữ hoàng Victoria".

Tình cà-ri

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 6.1887, khi Karim 24 tuổi cao ráo đẹp trai vừa được đưa đến triều đình làm khitmagar (một trong hai người hầu Ấn chuyên hầu bàn của Nữ hoàng). Lúc đó Victoria đã 68 tuổi, không nguôi ngoai được chuyện người chồng là hoàng thân Albert chết hồi 26 năm trước, lại càng thêm buồn khi người đàn ông thân cận nhất của bà là Brown chết năm 1883. Bà hoàng cô đơn rất cần có một chỗ dựa….

Nhà biên khảo hoàng gia, giáo sư Jane Ridley giải thích: ngay lần đầu ra mắt triều đình, trông Karim rất đẹp và Victoria luôn thích vẻ đẹp đàn ông nên "khi bà trông thấy anh ta hôn chân mình… làm sao bà có thể kháng cự sức quyến rũ toát ra từ anh ta?". Vài tuần sau, Karim không còn là một người hầu bữa ăn tối bình thường nữa.

img
Victoria với người hầu Brown

Các tài liệu bếp núc tại tòa nhà Osborne-nơi ở ưa thích của Victoria-ghi chép mỗi bữa ăn trưa chủ nhật đều có món cà ri cay của Ấn. Cuối hè năm ấy, bà hoàng viết nhật ký: "Dùng món cà ri ngon, do một trong những người hầu Ấn của ta dọn". Michael Hunter là nhà quản thủ ngôi nhà Osborne nói: "Chúng tôi biết Karim và các người hầu Ấn dọn món này, sử dụng gia vị của họ và được giao một góc bếp chính để nấu cà ri".

Tình thầy trò

Bên cạnh đó, Karim còn thủ thỉ kể cho bà hoàng nghe những câu chuyện truyền thuyết về quê hương của anh ta, vì bà chưa bao giờ thăm Ấn. Không lâu sau đó, anh ta dạy bà sử dụng ngôn ngữ Hindustan, điều khiến Victoria tin Karim là người có học. Bà viết trong nhật ký: "Abdul trẻ trung dạy ta. Cậu ấy là một thầy giáo rất nghiêm khắc nhưng là một trang nam tử hoàn hảo".

Cho đến cuối đời, bà hoàng cao tuổi sức chưa yếu vẫn viết nhật ký bằng tiếng Hindi, kể các bài học và chứng tỏ bà là một học trò siêng năng của "Munshi" tức thầy Karim. Nhưng bản dịch các bài tập cho thấy có "mùi" tán tỉnh trong quan hệ này.

Quản thủ các dinh thự lịch sử hoàng gia Lucy Worsley nói: "Anh ta viết những câu như "Nữ hoàng sẽ nhớ Munshi rất nhiều. (Dịch). Ôm anh chặt. (Dịch)". Xem ra mối quan hệ này rất riêng tư, mật thiết. Xem ra Nữ hoàng nghĩ về Karim gần như là con trai khi bà thường trìu mến ký dưới các bức thư gửi anh ta là "Mẹ yêu của anh".

img
Victoria và chồng Albert

Tình cảm của Nữ hoàng được bà thể hiện công khai, khiến hoàng gia cáu bực, nhất là thư ký riêng Henry Ponsonby của Victoria và bác sĩ James Reid. Họ ghét gã trai Ấn "trèo cao" đang vi phạm tất cả các quy định. Lệnh bà Reid (vợ của cháu ông bác sĩ hoàng gia) giải thích: "Các quan bộ Lễ chẳng bao giờ ưa những người hầu Ấn. Nữ hoàng luôn lo lắng cho sự thoải mái của họ, và Ngài James phải tìm mua áo ấm hạng sang cho họ. Các áo ấy phải may theo kiểu Ấn vì bà muốn họ trông thật lạ lùng".

Sự bực bội tăng lên tới óc các quan lại triều đình, khi Nữ hoàng phong Karim làm Bộ trưởng Vụ Ấn Độ. Phó vương Ấn Độ là bá tước Elgin cũng bực khi nhận thiệp Noel rất xấu của "Munshi" gởi năm 1894, và ông đã làm Nữ hoàng giận vì không chịu gởi thiệp chúc lại cho Karim. Đó không chỉ là sự kỳ thị chủng tộc, mà còn vì chẳng có quy định cho phép một phó vương "đàn đúm" giao lưu với người hầu. Nhưng Victoria lại không có thành kiến phân biệt chủng tộc, thậm chí đã nhận một bé gái châu Phi làm con nuôi hồi năm 1850, cho cô bé học hành tử tế và cho 250 bảng làm của hồi môn khi cô đi lấy chồng.

Kế "mẹ điên"

Vị phó vương bèn sai "chiến hữu" Fritz Ponsonby (con trai thư ký riêng của Nữ hoàng) đi điều tra lý lịch Karim ở thành phố Agra (Ấnco). Karim tạo cảm tưởng anh ta là con trai một bác sĩ quân y Ấn, nhưng thực ra xuất thân từ đẳng cấp thấp trong xã hội Ấn: ông bố bán thuốc trong nhà tù địa phương, nơi Karim cũng từng là nhân viên quèn. Thông tin này đến tai bác sĩ Reid, người lên án Karim: "Tính tự phụ và cao ngạo của ngươi đã tạo ra một hoàn cảnh không thể cho phép tồn tại nữa. Ngươi là kẻ xâm nhập, thuộc đáy xã hội và không bao giờ có thể là một bậc trượng phu".

Được mật báo, mặt Nữ hoàng xám ngoét. Bà gởi thư đến thư ký Ponsonby: "Đánh giá "Munshi" thấp kém thì thật là quá đáng" và triều đình hoảng hồn khi bà muốn phong tước cho Karim. Họ nói có nguy cơ Nữ hoàng tự hạ thấp triều đình, phá mọi giá trị của Đế chế nếu con một kẻ quản ngục được phong tước.

Năm 1897, trước thềm kỷ niệm 60 năm ngày đăng quang Victoria còn dọa dẹp hết mọi lễ hội, và từ lời sỉ vả Karim của bác sĩ Reid, các quan bộ Lễ phải ra tối hậu thư, tố cáo Karim bị bệnh hoa liễu và họ dọa từ quan thay vì chấp nhận cho Karim cùng họ đi nghỉ ở Pháp. Cơn giận ngất trời, Nữ hoàng ném hết mọi thứ có trên bàn làm việc của bà.

Lúc này Thái tử Xứ Wales là Bertie (con của Victoria và Albert) cấu kết với bác sĩ Reid, xúi ông này ra tối hậu thư khác. Khi hầu bà hoàng, vị "đốc-tờ" người Scotland can đảm bẩm tấu: "Có những người biết rõ Bệ hạ, nói với thần rằng chỉ có thể có lời giải thích bao dung nhất là Bệ hạ không bị điên, và sẽ đến lúc phải cứu trí nhớ và uy tín của Bệ hạ. Thần cảm thấy cần thiết phải báo Bệ hạ". Đến nước này thì Nữ hoàng "bó tay" đầu hàng, kết thúc mối quan hệ với Karim. Nhưng bà đã cho Karim 3 tòa nhà, nơi Karim sống với những người họ hàng nghèo bằng tiền dân Anh đóng thuế.

Có con rơi ?

Thông tin mới khác về mối quan hệ của Victoria với Brown: sau cái chết của ông chồng Albert, bà hoàng tìm thú vui xác thịt với người hầu cao ngạo râu ria xồm xoàm và nghiên rượu này. Còn có thông tin bà bí mật làm đám cưới với Brown rồi sau đó đẻ cho ông ta một đứa con gái. Đó là câu chuyện của nhà sử học John Julius 82 tuổi.

Ông bảo người bạn quá cố Steven Runciman kể rằng khi nghiên cứu trong Cục tàng thư hoàng gia ở lâu đài Windsor, Runciman tìm thấy giấy chứng nhận hôn nhân của Victoria và Brown. Có thể bà hoàng đã lấy tài liệu này và đem giấu để hoàng gia không bị bôi nhọ. Runciman còn cho biết ông quen người chắt của Victoria là hoàng tử Henry of Hesse.

Trong một cuộc triển lãm tại New York sau Thế chiến 2, ông hoàng này gặp một quý bà lớn tuổi nói với ông: "Tôi nghĩ chúng ta là họ hàng". Bà ta tự giới thiệu là Jean Brown, con gái của Brown và Victoria. Có thể bà ta qua Mỹ ngay từ lúc rất bé.

Thực tế thì từ 150 năm qua, đã có nhiều tin đồn về mối quan hệ hôn nhân bí mật và có con này. Thậm chí Victoria bị đồn không chỉ có một, mà là 3 đứa con bí mật: một con trai bà có với Brown đã chết lúc 30 tuổi sau cuộc sống kín tiếng ở Paris (Pháp), con gái Louise Brown cũng được gởi qua Paris và cứ mỗi quý cô được cấp 250 bảng từ một tài khoản ngân hàng của Thái tử Xứ Wales là Albert Edward (tức Bertie, con trai của Victoria và sau này lên ngôi lấy hiệu là Edward VII).

"Cọc tìm trâu"

Khoản tiền này được cấp đến khi Edward VII băng hà năm 1910, nhằm che giấu một tai tiếng liên quan đến mẹ vua. Nhưng nếu thế thì liệu ông vua nổi tiếng ngoại tình hàng loạt này (bất chấp sự buồn tủi của bà vợ hoàng hậu Alexandra) lại vô ý để sót một tài liệu chứng minh cuộc hôn nhân bí mật của mẹ với gã hầu nghiện rượu Brown? Edward VII từng ra lệnh đốt tất cả các tài liệu riêng tư của ông và của vợ.

Gần đây hoàng gia Anh công bố những lá thư cho thấy Victoria rất yêu ông chồng Albert, đến độ chính bà ngỏ lời cầu hôn với ông vì thấy hoàng tử 18 tuổi này đẹp trai (và bà còn biết chàng vẫn còn là trai tân). Họ quen nhau từ lời giới thiệu của Vua Bỉ Leopold I (bác của Victoria) hồi tháng 7.1836 và 4 ngày sau họ thành vợ chồng.

Victoria lên ngôi Nữ hoàng năm 1837 sau khi ông chú William IV qua đời. Bà có 9 đứa con trước khi Albert chết vì bệnh thương hàn hồi năm 1861. Từ đó Victoria luôn mặc đồ tang, nhưng bà thỏa mãn tình dục với Brown, người mà các cô công chúa gọi là "người yêu của mẹ". Ông ta còn chỉ cho bà nhậu rượu whisky cùng với ông ta. Brown 56 tuổi qua đời năm 1883 vì một bệnh da lạ. Victoria chết năm 1901 ở tuổi 81, được chôn cạnh mộ chồng nhưng trong mộ bà có lọn tóc của Brown, ảnh Brown nắm tay bà, nhiều lá thư của Brown và một chiếc nhẫn của mẹ ông ta.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem