Ba Lan cảnh báo cuộc khủng hoảng biên giới Belarus có thể dẫn đến "điều tồi tệ hơn"

Thứ hai, ngày 22/11/2021 15:24 PM (GMT+7)
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus có thể là mở màn cho "điều gì đó tồi tệ hơn nhiều", trong bối cảnh các lực lượng Belarus vẫn tiếp tục vận chuyển người di cư ra biên giới.
Bình luận 0
Ba Lan cảnh báo cuộc khủng hoảng biên giới Belarus có thể dẫn đến "điều tồi tệ hơn" - Ảnh 1.

Lực lượng quân đội Belarus đứng cạnh hàng rào trong khi người di cư chen lấn để nhận lương thực bên ngoài trung tâm vận tải và hậu cần gần biên giới Belarus-Ba Lan ở vùng Grodno, Belarus ngày 21/11/2021. Ảnh: Reuters

Liên minh châu Âu cáo buộc Belarus đã đưa hàng nghìn người từ Trung Đông sang biên giới các nước thành viên EU và NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia, để đáp trả các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Minsk phủ nhận gây ra cuộc khủng hoảng. Hôm 18/11, họ đã đóng một trại di cư gần biên giới và bắt đầu đưa một số người hồi hương về Iraq. Bên cạnh đó, trong những ngày gần đây, Ba Lan và Lithuania cũng ghi nhận số người vượt biên thấp hơn.

Mặc dù vậy, Morawiecki cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. Hôm 21/11, ông đã đi thăm Estonia, Lithuania và Latvia để thảo luận về tình hình.

Một cuộc thăm dò do nhật báo Rzeczpospolita của Ba Lan công bố hôm 21/11 cho biết 55% người Ba Lan lo ngại cuộc khủng hoảng ở biên giới có thể sẽ leo thang thành xung đột vũ trang.

Morawiecki nói ở Vilnius: "Tôi nghĩ rằng những thứ đang diễn ra trước mắt chúng ta có thể chỉ là mở màn cho một điều gì đó tồi tệ hơn rất nhiều".

Ông chỉ ra rằng việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Nga gần Ukraine, cũng như ở Belarus và khu vực Kaliningrad của Nga giáp biên giới với Ba Lan và Lithuania, là "để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực tiếp".

Ông Morawiecki nói, tình hình ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản "sẽ là giai đoạn tiếp theo của cuộc khủng hoảng di cư".

Kêu gọi hỗ trợ

Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte cảnh báo các đối tác châu Âu không nên phớt lờ nước láng giềng Belarus. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hai lần gọi điện cho ông Lukashenko tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhân đạo.

"Đối với chúng tôi, điều quan trọng là cả Litva, Ba Lan và Latvia cùng phối hợp để đàm phán với Belarus", bà Merkel nói sau cuộc gặp với Morawiecki vào ngày 21/11.

Ngoại trưởng Pháp hôm 21/11 cho biết Nga phải gây sức ép lên đồng minh của mình là Belarus để chấm dứt cuộc khủng hoảng người di cư.

Ba Lan cảnh báo cuộc khủng hoảng biên giới Belarus có thể dẫn đến "điều tồi tệ hơn" - Ảnh 3.

Lực lượng quân đội Belarus cố gắng kiểm soát đám đông khi những người di cư chen lấn để nhận thực phẩm bên ngoài trung tâm vận tải và hậu cần gần biên giới Belarus-Ba Lan ở vùng Grodno, Belarus ngày 21/11/2021.

Bị bắt ra biên giới

Ba Lan cho biết Minsk tiếp tục chở hàng trăm người nước ngoài ra biên giới. Khu vực này lạnh đến nỗi ghi nhận ít nhất khoảng 10 người di cư đã chết cóng.

"Hôm thứ Bảy (20/11), một nhóm khoảng 100 người nước ngoài rất hung hãn, được lính Belarus đưa đến biên giới, đã cố gắng đột nhập vào Ba Lan bằng vũ lực", người lính biên phòng cho biết trên Twitter hôm 21/11.

Khoảng 10 người di cư từ Iraq đã nói chuyện với cổng thông tin DELFI của Lithuania qua biên giới với Belarus hôm 20/11 và cho biết họ đã bị giới chức Belarus cưỡng bức đưa đến đó bằng xe tải quân sự.

Hàng trăm người Ba Lan tham gia các cuộc biểu tình để yêu cầu giúp đỡ những người di cư. Nhà thờ Công giáo cũng tổ chức một buổi quyên góp hôm 21/11 để vận động tiền cho những người cần giúp đỡ ở biên giới và hỗ trợ hòa nhập cho những người tị nạn sẽ ở lại Ba Lan.

Lê Phương (Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem