Bà Lê Thị Nga: Phụ huynh xếp hàng thâu đêm, "thi vào lớp 10 khó hơn thi đại học"
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Phụ huynh xếp hàng thâu đêm, "thi vào lớp 10 khó hơn thi đại học"
Quỳnh Nguyễn
Thứ tư, ngày 12/07/2023 15:21 PM (GMT+7)
Cho rằng "thi lớp 10 hiện nay khó hơn cả vào đại học", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào cuộc, xem xét liệu có phải do thiếu trầm trọng trường công cấp 3 hay không.
Ngày 12/7, tại phiên họp 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập đến hình ảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm để đăng ký cho con nộp hồ sơ vào lớp 10 thời gian gần đây.
Theo bà Nga, tình trạng này gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và tạo áp lực với học sinh thi vào lớp 10. Và đã diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM trong nhiều năm, được báo chí phản ánh rất nhiều.
"Thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn cả thi vào đại học", bà Nga nhấn mạnh và đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào cuộc, xem xét có phải do thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không và giải quyết tình trạng này như thế nào?
Chính phủ cần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo rõ tình trạng này và đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo dân nguyện, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 có một số nguyên nhân.
Cụ thể là do số lượng trường trung học phố thông (THPT) thấp hơn trung học cơ sở (THCS). Tỷ lệ học sinh từ THCS lên THPT được phân luồng bằng điểm thi, ai điểm cao thì chọn vào các trường theo nguyện vọng, thấp hơn sẽ sang trường khác.
Ngoài các trường công lập, hiện nay còn có trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề…
"Nhu cầu của phụ huynh, học sinh muốn vào trường cấp 3 công lập, do chi phí thấp hơn trường tư thục. Vì vậy, họ tìm mọi cách để vào các trường công lập. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, học sinh, chúng ta cần nguyên cứu để giải quyết vấn đề này", ông Vinh nói.
Nêu thực tế, ông Vinh cho biết, hàng năm TP.Hà Nội đã cố gắng rất nhiều trong đầu tư phát triển trường công lập. Song song với đầu tư trường mới là đầu tư cải tạo, nâng cấp trường cũ cũng rất nhiều.
"Muốn xây trường mới cũng cần quỹ đất và khi tăng trường, tăng lớp thì nhu cầu giáo viên tăng lên rất nhiều. Trong khi, hiện nay biên chế giáo viên hạn chế", ông Vinh nói.
Với TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho biết, theo báo cáo, dân số của TP là 9,2 triệu người, nhưng thực tế có khoảng 14 triệu người, chênh 5 triệu người.
"Con số chênh này nếu không tính đưa vào sẽ rất khó khăn cho việc đưa ra một chính sách phù hợp. Hiện TP.HCM thiếu gần 7.000 phòng học", ông Vinh cho hay.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết thêm, trong báo cáo giám sát, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã nêu vấn đề này. Theo ông, Chính phủ và các địa phương cần tính toán rất cẩn thận việc này, nhất là việc dân số tăng rất ít nhưng thừa, thiếu lớp học một phần do người dân di chuyển cục bộ giữa nông thôn và đô thị.
"Đây là một bài toán không dễ chút nào, không phải cứ đơn giản bỏ nhiều tiền ra là làm được, đi kèm theo đó phải tính đến việc phân phối giáo viên", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng tình đưa nội dung này vào báo cáo dân nguyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.