Trong trận đánh đầu tiên ngày 24. 7.1965, các chuyên gia tên lửa Liên Xô đã bắn rơi 3 chiếc máy bay Mỹ ở ngoại ô thủ đô Hà Nội. Nhóm chuyên gia tên lửa Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam theo yêu cầu của lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào mùa xuân năm 1965. Họ đã sử dụng chiến thuật "phục kích" để bắn máy bay Mỹ, tức là bố trí các tiểu đoàn tên lửa cơ động ở những nơi bất ngờ nhất, đón bắn máy bay Mỹ và lập tức rút quân, chuyển đến vị trí khác.
Chiến thuật căn bản này đã được sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam - ban đầu do chuyên gia tên lửa Liên Xô áp dụng và sau đó huấn luyện bộ đội tên lửa Việt Nam.
Một chiến sĩ phòng không của quân đội Việt Nam.
Vào giữa tháng 8.1965, bốn vị trí phục kích đã được thiết lập tại các tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Sư đoàn của ông Boris Mozhayev, người bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu tiên, đã bắn hạ thêm 3 chiếc nữa. Còn sư đoàn của Ivan Proskurnin thì bắn 3 quả tên lửa mà tiêu diệt được 4 chiếc máy bay địch. Chẳng là khi đó, phi công Mỹ coi là khu vực phía Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là vùng an toàn và bay với mật độ dày đặc. Vì vậy, một chiếc máy bay Mỹ bị trúng mảnh vỡ của quả tên lửa đã bắn trúng một chiếc khác bay gần bên cạnh, và thế là cả 2 chiếc máy bay đồng thời bị tiêu diệt bởi một quả tên lửa.
Sau đó, trong hai tuần liền, không quân Mỹ ngừng các chuyến bay trong khu vực phía Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không thể tin rằng tên lửa của Liên Xô có khả năng cơ động trên mặt đất cao như vậy, phía Mỹ cho rằng máy bay Mỹ bị bắn rơi bởi tên lửa phòng không siêu tầm xa của Liên Xô bố trí gần Hà Nội.
Xin nói thêm, "pháo đài bay B-52" đầu tiên cũng đã bị bắn rơi bởi tên lửa "phục kích" ở phía Bắc vĩ tuyến 17, ngày 4.2.1967.
Một trong những chuyên gia phục kích thiện nghệ nhất ở Việt Nam khi đó là Đại tá Fedor Ilyinyk. Là cựu chiến binh Thế chiến II, từng tham gia chống phát xít Hitler, năm 1963 ông được bổ nhiệm làm chỉ huy sư đoàn tên lửa phòng không và hai năm sau đó được phái đến Việt Nam. Tại đây, đơn vị do ông chỉ huy tham gia 18 trận đánh, bắn rơi 24 máy bay Mỹ. Mùa thu năm 1965, chỉ huy nhóm cố vấn tên lửa Liên Xô tại Việt Nam đã gửi cho Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô công văn đề nghị phong Anh hùng Liên Xô cho Fedor Ilyinykh. Tuy nhiên, trong điều kiện khi đó hoạt động của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam phải giữ bí mật, đề xuất ấy đã không được đáp ứng. Fedor Ilyinyk chỉ được trao tặng Huân chương Lenin — tại thời điểm đó là phần thưởng cao nhất của Liên Xô.
Trong số các cố vấn tên lửa của Liên Xô ở Việt Nam, có rất nhiều người noi theo tấm gương chiến đấu anh hùng của Fedor Ilyinykh. Thiếu tá Tereshchenko đã trải qua 11 trận chiến đấu và bắn rơi 10 máy bay. Thiếu tá Ryzhikh tham gia 9 trận bắn rơi 8 chiếc. Đại úy Bogdanov cũng bắn rơi 8 máy bay Mỹ trong 10 trận đánh.
Thiếu tướng Belov, chỉ huy nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam khi đó, về sau nhớ lại có lần trong một cuộc trò chuyện với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chúng tôi quý trọng và bảo vệ, chăm sóc từng chuyên gia sang giúp chúng tôi trong cuộc chiến chống xâm lược." Chẳng bao lâu sau tướng Belov đã được chứng kiến trong thực tế rằng điều đó không chỉ là lời nói mà thôi. Có lần chiếc xe mà ông Belov đang đi bị oanh kích. Tất cả mọi người trong xe đều phải xuống ẩn nấp. Một quả bom rơi cách chỗ họ chừng 20 mét. Ông chợt cảm thấy có một cái gì khá khá nặng đó ập vào người mình. Quay đầu, viên tướng thấy sỹ quan phiên dịch Tình và lái xe Tuấn đang lấy thân mình che cho ông. "Chúng tôi được lệnh phải bảo vệ cố vấn, kể cả bằng tính mạng của mình", họ nói.
Đó cũng là thái độ của những người lính Việt Nam và nhân dân địa phương đối với chuyên gia tên lửa Liên Xô. Họ luôn tháp tùng cố vấn Liên Xô trong những lần chuyển trận địa. Bạn bè Việt Nam bằng mọi cách bảo vệ tất cả những người giúp họ chống Mỹ cứu nước. Cố vấn Liên Xô không chỉ tham gia giúp Việt Nam kháng chiến, mà còn huấn luyện bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ để bảo vệ quê hương.
PV (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.