"Bà trùm" buôn lậu hơn 3 tấn vàng từ Lào về Việt Nam có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ hai, ngày 26/06/2023 18:07 PM (GMT+7)
Các đối tượng đã buôn lậu trên 3 tấn vàng, tổng trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đồng, từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo để bán cho các cửa hàng vàng trong nước nhằm thu lợi bất chính. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

"Bà trùm" buôn lậu hơn 3 tấn vàng bị khởi tố

Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an vừa khởi tố vụ án hình sự "Buôn lậu" và "Trốn thuế" xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty CP đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, C03 cũng khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Hóa (trú thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng 17 người khác về tội "Buôn lậu", quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự; khởi tố ông Lê Xuân Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư vàng Phú Quý, và 1 bị can khác về tội "Trốn thuế", quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật hình sự.

"Bà trùm" buôn lậu hơn 3 tấn vàng từ Lào về Việt Nam có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Thị Hóa và Lê Xuân Tùng. Ảnh: CACC

Bước đầu C03 xác định từ năm 2022 đến nay bà Hóa cùng đồng phạm đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng, từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo để bán cho các cửa hàng vàng trong nước nhằm thu lợi bất chính.

C03 cũng xác định Công ty CP đầu tư vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật Quản lý thuế về các hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 6 tỷ đồng.

C03 đang mở rộng điều tra vụ án, đồng thời rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của những người liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước.

Buôn lậu vàng có thể bị xử lý thế nào?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, vàng là ngoại hối, việc quản lý vàng trên thị trường là một trong những hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến ngoại hối.

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vàng từ nước ngoài về Việt Nam phải tuân thủ quy định Luật xuất nhập khẩu, pháp lệnh ngoại hối và các văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu phải có giấy phép nhập khẩu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp tại chương VIII phụ lục II danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu theo giấy phép có điều kiện kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Doanh nghiệp nào không đủ điều kiện nhập khẩu vàng, không có giấy phép nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền cấp, nhập khẩu vàng không khai báo hải quan, không kê khai nộp thuế sẽ được xem là vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự. Trong đó có tội buôn lậu.

Ông Cường phân tích, theo quy định, người nào buôn bán qua biên giới "trái pháp luật" hàng hóa, tiền tệ, ngoại tệ, kim khí quý trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị phạt hành chính, đã bị kết án về một trong các tội danh được liệt kê tại điều luật này về kinh tế mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 188 Bộ luật hình sự về tội Buôn lậu.

Với tội danh này, nếu vi phạm trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Vị chuyên gia cho rằng, trong vụ án này số vàng vật chứng trị giá tới 5 nghìn tỷ đồng có thể sẽ bị tịch thu để sung công quĩ nhà nước. Ngoài ra, tài sản thu lợi bất chính trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh trái pháp luật cũng sẽ bị thu hồi.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền và bị tịch thu tài sản. Đây là hình phạt bổ sung của tội buồn lậu và cũng là biện pháp hành chính mạnh mẽ để xử lý đối với hành vi vi phạm về kinh tế.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vai trò của pháp nhân thương mại đối với việc buôn lậu để xem xét xử lý hình sự theo khoản 6, Điều 188 Bộ luật hình sự.

Nếu pháp nhân thương mại phạm tội, có thể bị phạt tiền tới 15 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Với hành vi buôn lậu, cá nhân và doanh nghiệp thường sẽ gian dối trong việc kê khai nộp thuế nên các đối tượng, doanh nghiệp trong vụ án này còn có thể bị xử lý thêm về tội trốn thuế.

"Hành vi buôn lậu hàng hóa qua biên giới là vàng không chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong nước mà còn ảnh hưởng đến việc quản lý ngoại hối của Nhà nước.

Bởi vậy, việc phát hiện xử lý đối với những đường dây buôn lậu quy mô lớn như thế này là rất cần thiết để tăng cường công tác quản lý hành chính, quản lý ngoại hối, đảm bảo công bằng trong xã hội, làm minh bạch môi trường kinh doanh ở Việt Nam" – ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem