Bà Trương Mỹ Lan đề nghị được hoàn 5.000 tỷ đồng đã góp vào SCB
Bà Trương Mỹ Lan đề nghị được hoàn 5.000 tỷ đồng đã góp vào SCB
Xuân Huy - Chinh Hoàng
Thứ năm, ngày 07/11/2024 19:11 PM (GMT+7)
Tại phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan yêu cầu được nhận lại 5.000 tỷ đồng góp vào SCB cùng nhiều bất động sản, khẳng định các tài sản này không thuộc sở hữu cá nhân bà.
Chiều 7/11, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi đối với bà Trương Mỹ Lan, đại diện Ngân hàng SCB, nhằm giải quyết các nội dung kháng cáo liên quan đến trách nhiệm dân sự trong vụ án.
Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị được hoàn trả số tiền 5.000 tỷ đồng mà bà đã góp vào Ngân hàng SCB để tăng vốn điều lệ. Bên cạnh đó, bà Lan cũng đề nghị được trả lại quyền sở hữu đối với một số tài sản nhà đất mà bà cho rằng thuộc quyền sở hữu của gia đình hoặc cá nhân khác chứ không phải của bà.
Cụ thể, bà Lan xin nhận lại các tài sản bao gồm nhà cổ số 110 Võ Văn Tần (quận 3) do mẹ bà mua cho con gái bà Lan, các nhà đất tại 78 Nguyễn Huệ, 19-25 Nguyễn Huệ và 24 Lê Lợi (quận 1), cùng một số tài sản khác thuộc sở hữu người thân bà. Riêng với nhà đất số 193 Trần Hưng Đạo, là trụ sở Công ty Vạn Thịnh Phát, bà Lan cũng đề nghị tòa xem xét để hoàn lại.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: Xuân Huy.
Về vấn đề tăng vốn điều lệ, đại diện SCB cho biết đã hoàn tất thủ tục pháp lý vào năm 2021, nhưng việc tăng vốn điều lệ chưa có giấy chứng nhận chính thức, trong khi số tiền góp đã được hòa vào dòng tiền hoạt động của ngân hàng.
Về phía SCB, ngân hàng này đã gửi kháng cáo 5 nội dung chính, bao gồm yêu cầu bồi thường thiệt hại lãi suất, việc xử lý các tài sản thế chấp, chấm dứt kê biên một số tài sản và đảm bảo quyền của SCB trong xử lý các tài sản này. SCB cũng đề nghị được giao quyền xử lý dự án 6A để khắc phục hậu quả.
Trong quá trình trả lời thẩm vấn, đại diện SCB cho biết trong 1.121 mã tài sản mà tòa sơ thẩm giao SCB xử lý, một số mã tài sản bị chồng lấn với tài sản mà tòa tuyên trả lại cho các cá nhân khác, như Công ty Phương Trang. SCB cũng nêu lo ngại rằng trong trường hợp tài sản của bà Trương Mỹ Lan không đủ bồi thường 673.000 tỷ đồng, cơ quan thi hành án có thể sẽ cấn trừ vào số tài sản thế chấp.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi vào ngày mai, 8/11. Ảnh: Xuân Huy.
Khi chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi liệu yêu cầu này có dẫn đến việc bà Lan phải bồi thường hai lần hay không, đại diện SCB phủ nhận nhưng vẫn bảo lưu quan điểm kháng cáo.
Về kháng cáo yêu cầu tính lãi suất, bà Lan không đồng ý và cho rằng điều này không đúng quy định pháp luật. Bà cũng giải thích thêm về các khoản vay cá nhân liên quan đến các công ty Hồng Phát, T&H Hạ Long, và Phương Trang, khẳng định rằng tài sản mà các công ty này thế chấp thực chất là vay từ cá nhân bà để hỗ trợ SCB trong quá trình tái cơ cấu.
Bà Lan khẳng định đã đóng góp nhiều cho SCB và phủ nhận cáo buộc chiếm đoạt tài sản. "SCB không có quyền nói rằng tôi chiếm đoạt. Số tiền đó tôi đã đưa vào SCB," bà Lan nhấn mạnh trước tòa.
Cũng tại phiên tòa, chủ tọa cho biết bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Capella, đã xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ông Trí đã nộp khắc phục thêm 189 tỷ đồng, nâng tổng số tiền khắc phục lên 1.000 tỷ đồng. Luật sư của ông Trí cho biết ông đã nộp tiền án phí.
Trước đó, ông Trí bị tai nạn chấn thương nên sức khỏe hạn chế. Ông Trí bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. HĐXX cho biết việc vắng mặt ông Trí không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.