Bắc Giang: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương

PV Chủ nhật, ngày 18/12/2022 13:36 PM (GMT+7)
Nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có uy tín, thương hiệu, từng bước tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Với trên 51 nghìn ha vùng cây ăn quả, trong đó vùng vải thiều tập trung 28 nghìn ha; vùng cây có múi gần 11 nghìn ha, vùng rau an toàn gần 12 nghìn ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80 nghìn ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm.

Bắc Giang: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Bắc Giang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP. Do đó, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm mở rộng số lượng, cơ cấu sản phẩm. Đồng thời, Tăng cường quảng bá, phát triển, chiếm lĩnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, từ đó vươn ra thị trường lớn hơn.

Bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng và nhiều tiềm năng về phát triển du lịch...Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Sau hơn 4 năm thực hiện, chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao; 84,4% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 12,8% thuộc nhóm đồ uống, 2,2% thuộc nhóm thảo dược và 0,6% thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Tính đến tháng 10/2022, 10/10 huyện, thành phố tỉnh Bắc Giang đã có sản phẩm OCOP được công nhận. Có 97 chủ thể của 180 sản phẩm, trong đó có 76 chủ thể HTX, 08 doanh nghiệp, 13 cơ sở sản xuất. Nhiều chủ thể là thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.

Trong tổng số 180 sản phẩm OCOP, có 13 sản phẩm thuộc nhóm chủ lực, 39 sản phẩm thuộc nhóm đặc trưng, 12 sản phẩm thuộc nhóm tiềm năng, số còn lại là các sản phẩm khác mang tập quán sản xuất của địa phương. Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ Chũ, Mỳ Châu Sơn, Rượu Vân, Bún Đa Mai;…

Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Gà đồi Yên Thế, Vải thiều Lục Ngạn, Vải sớm Phúc Hòa, Vú sữa Hợp Đức, Mật ong Tây Yên Tử, Trà hoa vàng, Đông trùng hạ thảo,…

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; VietGAP; GlobalGAP…

Bắc Giang: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương - Ảnh 2.

Chương trình OCOP đã giúp người dân nông thôn tăng thu nhập, nhưng không chỉ thuần túy về lợi nhuận kinh tế mà còn là gìn giữ bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương, mỗi sản phẩm chứa đựng sự nhân văn sâu sắc. Trong xây dựng sản phẩm OCOP cần quan tâm giá trị sản phẩm. Cần có sự đầu tư, chú trọng chế biến, liên kết chứ không chỉ là sản phẩm ở dạng thô, tươi sống.

Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, Chương trình OCOP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây là tiền đề thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn song lại mang đặc trưng rất riêng. Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP đã thêm sự gắn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, thiết thực nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn; góp phần xây dựng NTM bền vững.

Tuy nhiên thực hiện chương trình còn một số khó khăn như: Nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn; nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia Chương trình.

Quy trình sản xuất chưa đồng bộ; quy mô sản xuất nhỏ. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về sản phẩm OCOP còn hạn chế, thông tin dữ liệu chưa thể hiện hết, khó khăn cho công tác truy xuất, khai thác thông tin về sản phẩm OCOP phục vụ công tác quản lý và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm…

Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn chủ thể tham gia sản phẩm phẩm OCOP hoàn thiện, khắc phục các hạn chế hiện nay và đưa chuyển đổi số vào công tác quản lý, phát triển sản phẩm OCOP. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem