Bắc Giang: Giá bán cam, quýt vẫn tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg chỉ nhờ một động thái
Bắc Giang: Giá bán cam, quýt vẫn tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg chỉ nhờ một động thái
K.Nguyên
Chủ nhật, ngày 05/12/2021 18:09 PM (GMT+7)
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Chuyển đổi số đã giúp nông sản Bắc Giang vươn xa, bán được giá, bất chấp tác động của dịch Covid-19.
Sau Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các loại nông đặc sản tỉnh Bắc Giang, việc tiêu thụ nông sản của nông dân trong tỉnh khá thuận lợi.
Tính đến cuối tháng 11, nông dân tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được 18.000 tấn cam, bưởi, trong đó, sản lượng cam đã tiêu thụ đạt 12.000 tấn.
Điều đáng ghi nhận là, nhờ làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giá cam, bưởi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn rất ổn định, thậm chí còn cao hơn cùng kỳ năm trước từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo đó, giá cam lòng vàng đang được nông dân Bắc Giang bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg; bưởi da xanh 35.000 - 45.000 đồng/kg, bưởi ngọt 12.000 - 15.000 đồng/quả.
Bên cạnh sản phẩm cam, bưởi, từ đầu tháng 11 đến nay, tỉnh Bắc Giang cũng đã tiêu thụ được 20.000 tấn gia súc, gia cầm.
Lý giải việc nông sản tỉnh Bắc Giang vẫn tiêu thụ khá thuận lợi dù trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong 2 năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực, trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt của người nông dân.
Trong bối cảnh đó, tỉnh đã chủ động xây dựng 3 kịch bản, phương án tiêu thụ vải phù hợp với cấp độ, diễn biến của dịch, phù hợp từng thị trường, từng kênh phân phối, tiêu thụ.
"Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các bộ, ngành T.Ư ứng dụng công nghệ số hóa để tổ chức thành công hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quy mô quốc tế với 30 điểm cầu trong nước và quốc tế"- ông Tuấn cho biết.
"Bắc Giang hướng tới hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn".
Ông Phan Thế Tuấn
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Cũng theo ông Tuấn, để đẩy mạnh tiêu thụ các loại nông sản chủ lực của tỉnh như vải thiều, cam, bưởi trong bối cảnh dịch Covid-19, năm 2021, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tiêu thụ nông sản trực tuyến trên nền tảng online.
Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) rất "tốc độ" triển khai hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã mở gian hàng trên các sàn thương điện tử; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, Landing, Zalo…; giao lãnh đạo Sở Công Thương trực tiếp livestream với một số nghệ sĩ, diễn giả nổi tiếng để quáng bá, tiêu thụ vải thiều và đã đạt được kết quả rất ấn tượng.
Bắc Giang đẩy mạnh chuyển đổi số để bán nông sản đi muôn nơi
Theo ông Phan Thế Tuấn, với thành công bước đầu trong ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đây là lĩnh vực mới, đối tượng chủ yếu tác động, thụ hưởng là người nông dân, tổ hợp tác với trình độ dân trí còn hạn chế, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất còn manh mún.
Cán bộ cấp cơ sở ở các địa phương để triển khai, hướng dẫn chuyển đổi số vào sản xuất còn thiếu kinh nghiệm; các dữ liệu về diện tích, hiện trạng vùng trồng, kỹ thuật canh tác có sự biến động, thay đổi theo mùa vụ do vậy phải cập nhật thường xuyên.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nông sản của tỉnh đa số có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn, nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng trên sàn giao dịch còn yếu, chưa chuyên nghiệp từ khâu quảng cáo tiếp thị, xây dựng hình ảnh gian hàng, tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn hàng, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
"Tỉnh Bắc Giang xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ tất yếu. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 là địa phương trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.