Người dân "kêu trời" vì cơ sở sản xuất, tái chế nhựa
Bắc Giang: Người dân "kêu trời" vì cơ sở sản xuất, tái chế nhựa cạnh nhà
Võ Hồng Nhân
Thứ ba, ngày 10/11/2020 15:16 PM (GMT+7)
Nhiều tháng trở lại đây, người dân thôn Kiễm, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang bức xúc vì một cơ sở sản xuất, tái chế nhựa tỏa mùi hôi thối, xả nước thải, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Người dân "kêu trời" vì cơ sở sản xuất, tái chế nhựa.
Nơm nớp sống cạnh cơ sở sản xuất, tái chế nhựa
9h00 sáng, vừa đi chợ về, chị Thanh Nhàn (người dân thôn Kiễm, xã Hương Lạc) vội vàng đóng sầm cánh cửa nhà, mở vội hai lớp khẩu trang, thở hổn hển.
Suốt nhiều tháng gần đây, gia đình chị cùng hàng chục hộ khác tại thôn Kiễm phải sống trong cảnh tiếng ồn, khói bụi và mùi hôi thối bốc lên từ cơ sở sản xuất tái chế nhựa ngay cạnh nhà.
Được biết, cơ sở sản xuất, tái chế nhựa của ông Nguyễn Văn Nhiên (nay là hộ kinh doanh Hoàng Văn Tiến - Nguyễn Văn Vinh) thuộc thôn Kiễm, xã Hương Lạc, Lạng Giang, Bắc Giang.
Nhà chị Nhàn, cũng như một số hộ dân khác phải dán kín băng dính, che chắn những khe hở để giảm bớt tiếng ồn, mùi hôi tỏa ra từ cơ sở sản xuất, tái chế nhựa bên cạnh.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nhàn cho biết, tình trạng mùi hôi, tiếng ồn, và cả dòng nước thải khiến gia đình mất ăn mất ngủ.
"Nhà chúng tôi dán kín, hạn chế tối đa kẽ hở để tránh mùi hôi và tiếng ồn. Bên cạnh đó, chỉ cần sau một, hai ngày trong nhà lại bám dính đầy bụi bẩn, phải lau rửa liên tục.
Chưa kể một số nhà hàng xóm còn có trẻ nhỏ, người già, họ cũng mệt mỏi vì những gì cơ sở sản xuất, tái chế nhựa trong thôn gây ra", chị Nhàn nói.
Người dân rất lo lắng về vấn đề sức khỏe của bản thân mình và người nhà khi sống cạnh cơ sở sản xuất, tái chế nhựa này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ngoài gia đình chị Nhàn, có hàng chục hộ dân khác chịu ảnh hưởng từ cơ sở sản xuất, tái chế nhựa. Bên cạnh đó, nguồn nước người dân sử dụng cách mương nước, nơi xuất hiện dòng nước đen kịt chỉ vài mét.
Dưới nói đã quan trắc, trên bảo chưa?
Phóng viên Dân Việt đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Nhiên - chủ cơ sở tái chế nhựa, ông Nhiên cho rằng, tiếng ồn, bụi trong ngưỡng nhà nước cho phép làm.
"Mương nước có mùi hôi và màu nước đen kịt không phải riêng nhà anh, mà còn từ ngoài đồng ruộng, các nhà xả xuống.
Chính quyền đã làm quan trắc, nói tóm lại mình làm đúng. Tiếng ồn, bụi khói ngon lành, làm sao phải nghĩ gì, quan trắc về cũng đến thế mà thôi?!", ông Nhiên nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Bùi Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Hương Lạc thông tin, đấy không phải xưởng sản xuất, mà là kinh doanh hộ gia đình.
"Chúng tôi đã nắm được vấn đề. Về vấn đề tiếng ồn, và bụi, nếu cơ sở vi phạm thì cứ theo quy định của Luật bảo vệ môi trường để làm. Chúng tôi không bênh dân, không bênh cơ sở, chúng tôi chỉ xử lý đúng thôi", ông Dũng nói.
Cũng theo vị Chủ tịch xã, chính quyền đã thực hiện quan trắc môi trường và sắp công bố.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Phòng TNMT huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị đã nắm được vấn đề và đang làm thủ tục giải quyết đơn.
"Chỗ đấy đã hẹn lịch quan trắc, vì cơ sở chưa khởi động được máy nên chưa quan trắc được. Từ kết quả kiểm tra sẽ có kết luận cụ thể.
Cơ sở kinh doanh này có đăng kí kinh doanh theo nghành nghề của họ, nên chúng tôi đang xem xét đơn và tiến hành kiểm tra. Tuần này sẽ tiến hành quan trắc không khí", bà Nga nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.