Tiếng "thơm" của làng
Bánh chưng là đặc sản nức tiếng của làng quê xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa). Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hoàng Vân, ban đầu, người dân chỉ gói bánh vào dịp Tết Nguyên đán phục vụ trong gia đình. Do chất lượng tốt, khách hàng ưa chuộng nên đến nay, bánh được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Người dân ở các thôn Lạc Yên, Vạn Thạch, Vân Xuyên làm bánh gần như quanh năm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vào dịp cưới hỏi, giỗ chạp...
Năm ngoái, toàn xã cung cấp cho thị trường khoảng 3,5 vạn chiếc, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Nhiều hộ kinh tế khá giả từ làm bánh. Bà Nguyễn Thị Sản, thôn Vân Xuyên chia sẻ: “Bánh chỉ gói bằng lá chít nên dóc, khi chín có màu xanh tự nhiên. Hơn nữa, gạo làm bánh là nếp cái hoa vàng, nhân đỗ xanh, thịt lợn chọn lọc kỹ, luộc khoảng 5-6 giờ nên dền, vị luôn đậm đà”.
Được biết, hiện nay HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) liên kết với các hộ, phân phối sản phẩm này cho thị trường Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh khoảng một nghìn chiếc/tháng. HTX đang xúc tiến, phấn đấu đưa sản phẩm tiêu thụ tại siêu thị vào cuối năm nay. Cơ quan chuyên môn của huyện Hiệp Hòa cũng hoàn thiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bánh chưng Hoàng Vân.
Ngày hội thi gói bánh chưng Vân tại thị trấn Thắng (Hiệp Hòa). Ảnh: Đỗ Quyên.
Toàn tỉnh Bắc Giang có 48 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh, tập trung trong các lĩnh vực như: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Doanh thu từ các mặt hàng này bình quân đạt hơn 4,7 nghìn tỷ đồng/năm.
Tương tự, khi nhắc đến mây tre đan ở Bắc Giang, nhiều người nghĩ ngay đến sản phẩm nổi tiếng của xã Tăng Tiến (Việt Yên). Qua hàng trăm năm, làng nghề vẫn đứng vững. Ban đầu, bà con chỉ làm những sản phẩm thủ công như rổ, rá, nong, nia, đó… Khi kinh tế thị trường phát triển, sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt, nghề dần mai một. Tuy nhiên, nhờ nhanh nhạy, ông Đinh Văn Tỉnh, một người dân trong làng phát huy kỹ thuật chẻ nan, đan lát của người dân; đầu tư máy móc chuyển hướng phát triển nghề chẻ tăm lụa. Theo đó, nhiều sản phẩm được dệt từ những que tăm nhuộm đủ sắc màu như chiếu, túi, đồ mỹ nghệ xuất khẩu sang Nhật Bản. Cơ sở sản xuất của ông Tỉnh tạo việc làm cho hàng chục lao động trong xã và vùng lân cận với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bà Ong Thị Tâm, thôn Trung, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) nói: “Ngoài 50 tuổi, tôi không thể xin được việc trong nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy, tôi làm thuê cho cơ sở dệt tăm lụa của ông Tỉnh. Tại đây, tôi được trả công theo sản phẩm, do vậy vẫn tranh thủ làm ruộng, đưa đón cháu đi học lại có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống”.
Nghề dệt thổ cẩm tại bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam).
Quảng bá, tăng giá trị
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 48 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh, tập trung trong các lĩnh vực: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Doanh thu từ các mặt hàng này bình quân đạt hơn 4,7 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh, TP: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An. Một số sản phẩm xuất sang Trung Quốc, EU, Nhật Bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Giang còn rất nhiều sản phẩm của các làng quê vẫn ít người biết đến. Ví như ở xã Xuân Hương (Lạng Giang) có làng Gai làm bánh cuốn, bún nhưng chủ yếu bán cho bà con trong xóm, ngoài làng. Ở xã Vân Sơn (Sơn Động) có món bánh ngải đậm đà, thơm ngon song chỉ sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp. Hay dược liệu, rau an toàn của các xã Trung Sơn (Việt Yên); sâm nam núi Dành (Tân Yên); nghệ tại xã Đào Mỹ (Lạng Giang); hoa tươi, xã Bảo Sơn (Lục Nam) và thị trấn Bích Động (Việt Yên)… sản phẩm tiêu thụ ở phạm vi hẹp. Nguyên nhân là do công tác quảng bá sản phẩm chưa được quan tâm, không mở rộng được quy mô sản xuất.
Sản phẩm làng nghề Tăng Tiến (Việt Yên).
Đây cũng là tình trạng chung của cả nước. Sự chuyển biến kinh tế khu vực nông thôn chậm một phần bởi việc xác định sản phẩm lợi thế để đầu tư phát triển còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, tháng 6 năm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”. Mục tiêu nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cụ thể hóa nội dung này, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030. Đơn vị chủ trì là Sở Nông nghiệp và PTNT.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: “Chúng tôi đang triển khai thống kê, thu thập số liệu, hiện trạng các sản phẩm tại địa phương. Thực trạng về trình độ công nghệ, vốn, lao động liên quan đến các sản phẩm. Dự kiến, việc thu thập hoàn thành trong tháng 11 năm nay”. Cùng đó, các huyện, TP tổ chức hội nghị quán triệt nội dung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Điển hình, huyện Tân Yên chuẩn bị tổ chức chương trình mỗi xã một sản phẩm vào đầu tháng 11 tới.
Phơi bánh - một công đoạn sản xuất mỳ Kế (TP Bắc Giang). Ảnh Việt Hưng
Theo ông Doanh, khi hoàn tất việc điều tra, khảo sát, Sở sẽ lập đề án. Trong đó xây dựng tiêu chí cho từng sản phẩm; có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm của từng địa bàn về vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và chế biến; tổ chức vinh danh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi. Có như vậy, sản phẩm mới phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Trịnh Lan (Báo Bắc Giang)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.