Hồ Chủ tịch nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX-NN thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (năm 1961 - Ảnh TL).
Hôm nay 19.5, kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Hồ Chủ tịch, sinh thời Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, bởi cán bộ là gốc của mọi công việc. PV Dân Việt có trao đổi với PGS –TS Bùi Đình Phong xung quanh vấn đề này.
Quyền lực càng lớn sự tha hóa càng lớn
Trong quá trình nghiên cứu di sản của Hồ Chủ tịch liên quan đến công tác cán bộ điều gì khiến ông tâm đắc nhất thưa ông?
Di sản Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là vấn đề rất lớn, điều chúng tôi tâm đắc nhất là những điều Bác nói từ thập kỷ 20, 30, 40 của thế kỷ XX đến nay vẫn nguyên giá trị. Lúc Đảng CSVN chưa ra đời, Người đã bàn đến tư cách của người cách mạng phải thế nào trong những bài giảng đầu tiên cho cán bộ.
Đặc biệt trong thập kỷ 40 của thế kỷ XX, một trong những điều trăn trở nhất của Bác chính là khi Đảng CSVN trở thành đảng cầm quyền. Thực tế cho thấy khi cán bộ của chúng ta chưa có quyền lực trong tay, có thể nói họ rất trong sạch, gắn bó với dân, tận tụy, không quan liêu, tham nhũng, hủ hóa. Nhưng đó là chuyện khi Đảng ta chưa cầm quyền. Ngay sau khi Đảng ta cầm quyền, một bộ phận cán bộ đã khác. Họ trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo…
PGS -TS Bùi Đình Phong: Cán bộ nói chung, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải tránh xa vòng danh lợi, tránh xa chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Cả cuộc đời Hồ Chủ tịch là tấm gương cực kỳ trong sáng về việc tránh xa vòng danh lợi. Đây cũng là một trong những yêu cầu lớn như Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đặt ra khi bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ.
|
Về mặt lý luận, từ trong di sản của chủ nghĩa Mác-Lênin đến những lời dạy của Bác, chúng ta hiểu rằng “quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối, quyền lực càng lớn sự tha hóa càng lớn”. Bác nói rõ rằng “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.
Dẫn chứng những lời của Bác để thấy sự trăn trở của Người. Bác cũng chỉ rõ: Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Vì vậy, chúng ta là những cán bộ trong các cơ quan, đoàn thể thì phải giữ được các đức tính đó, “thiếu một đức thì không thành người”. Những tư tưởng lớn của Bác về công tác cán bộ, vai trò, vị trí của cán bộ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần trước và trong quá trình diễn ra Hội nghị Trung ương 7. Ông nói rằng “Công tác xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Đây chính là tinh thần của Bác khi Người nói “cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém”.
PGS -TS Bùi Đình Phong (ảnh L.K).
- Sinh thời Hồ Chủ tịch đã nói đến việc kiểm soát quyền lực, điều này lại càng có ý nghĩa trong bối cảnh Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, chống tệ chạy chức, chạy quyền, ông thấy sao?
Trong di sản của Hồ Chí Minh, từ cuốn Sửa đổi lối làm việc , (tháng 10-1947)Bác đã nói đến việc phải kiểm soát quyền lực. Để kiểm soát có hiệu quả nhất, tốt nhất là kiểm soát từ dưới lên, nghĩa là nhân dân, và cán bộ đảng viên bình thường kiểm soát cán bộ lãnh đạo, chỉ có cách kiểm soát đó mới đem lại hiệu quả. Trong di sản của Hồ Chí Minh có cụm từ cũng rất đặc biệt. Bên cạnh việc nói đường lối của Đảng, Bác rất hay dùng từ “đường lối nhân dân”, chúng ta phải theo đúng đường lối nhân dân.
Một trong những nội hàm của “theo đúng đường lối nhân dân” như Bác nói, có những nội dung rất quan trọng, đó là “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Đó chính là vấn đề kiểm soát quyền lực. Trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nói trong vấn đề kiểm soát quyền lực cần phát huy vai trò của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội, điều đó chính là trở lại đích thực với giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực
Người lãnh đạo cần có bản lĩnh, quyết đoán
Tư tưởng của Người trong công tác cán bộ có giá trị về mặt lý luận thế nào với thực tiễn hiện nay khi chúng ta thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, thưa ông?
Tôi cho rằng tư tưởng của Người có ý nghĩa về mặt lý luận đồng thời cũng là thực tiễn nóng hổi thể hiện ở mấy điểm. Thứ nhất đã là cán bộ thì phải luôn luôn có ý thức chính trị, ý thức đạo đức cao. Đây vấn đề nền tảng, là xuyên suốt. Ý thức chính trị, đạo đức nghĩa là phải luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, từ những việc nhỏ, việc lớn, hằng ngày, suốt đời.
Đã là cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược phải tránh xa vòng danh lợi, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Cả cuộc đời Hồ Chủ tịch là tấm gương cực kỳ trong sáng về việc tránh xa vòng danh lợi. Đây cũng là một trong những yêu cầu lớn như Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đặt ra khi bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ.
Cùng với ý thức chính trị, đạo đức, người làm cán bộ phải có trí tuệ. Trí tuệ đối với cán bộ cấp chiến lược là phải có cái nhìn tổng thể, bao quát những vấn đề lớn của đất nước, của thế giới, liên quan đến câu chuyện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, liên quan đến những vấn đề lớn khác. Như chúng ta thấy thế giới thay đổi từng ngày, cuộc sống thay đổi từng giờ nên người cán bộ cấp chiến lược cần phải có cái nhìn rộng và dài hạn.
Một yêu cầu nữa đối với người cán bộ nói chung, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược phải biết đổi mới tư duy. Điều này thể hiện rất rõ qua tấm gương của Bác. Có thể nói một trong thành công lớn nhất của Hồ Chí Minh là cả cuộc đời từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến lúc cuối đời, Người luôn luôn đổi mới tư duy. Ngay cả khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, một lý luận sáng ngời như vậy nhưng Người đã không áp dụng rập khuôn, máy móc, mà vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
Trong điều kiện cụ thể của nước ta ngày nay cũng vậy, chúng ta có những điểm khác với các nước, chính vì thế sự nghiệp đổi mới của chúng ta cũng phải làm theo cách Việt Nam. Do đó cán bộ cấp chiến lược, ngoài sự hiểu biết, còn phải luôn đổi mới tư duy, tìm tòi ra những cái mới hơn, phù hợp hơn, tìm ra quy luật đổi mới ở Việt Nam. Nói cách khác, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa không thay đổi, nhưng chúng ta tìm cách thức, biện pháp mới để đạt được mục tiêu. Sinh thời Bác từng nói chúng ta có thể đi con đường khác để lên CNXH, nghĩa là Người muốn nói đến biện pháp, cách thức để ứng phó với mọi sự thay đổi trong cuộc sống mà cuộc sống thì luôn thay đổi, phong phú hơn nhiều so với nghị quyết.
Vấn đề thứ ba là bản lĩnh cán bộ. Ở thời nào cũng vậy, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với đội ngũ cán bộ nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Bản lĩnh liên quan đến nhiều vấn đề, ví dụ việc chọn người nhà vào làm việc hay chọn người tài vào làm việc, đó chính là thể hiện bản lĩnh của người cán bộ có quyền quyết định.
Vấn đề quan trọng nữa là phương pháp làm việc của cán bộ cấp chiến lược, điều này cũng cần với cán bộ, đảng viên bình thường, nhưng là cán bộ cấp chiến lược càng phải có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả. Trong phương pháp làm việc điều đặc biệt là tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Tại sao? Vì cán bộ cấp chiến lược là người đứng trước những vấn đề lớn, vấn đề quan trọng của đất nước. Muốn quyết đoán được cần có trí tuệ, bản lĩnh, dũng khí, tinh thần dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc. Câu chuyện Hồ Chủ tịch khi quyết định ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946, hay Tạm ước 14.9.1946 với Pháp…đó là bài học về bản lĩnh, sự quyết đoán trí tuệ của người lãnh đạo.
Xin cảm ơn ông (!)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.