Thi đua theo lời Bác: "Đừng để xảy ra trường hợp như Trịnh Xuân Thanh"

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 18/05/2018 08:21 AM (GMT+7)
“ Trong xét duyệt thi đua đừng để xảy ra những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, sau khi được nhận các danh hiệu lại bị cơ quan chức năng thu hồi, hủy. Việc đó khiến nhiều người có suy nghĩ thi đua cũng là “chạy ”, PGS –TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia) nói khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

img

Hồ Chủ tịch nói chuyện tại một Đại hội thi đua (ảnh TL).

Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Hồ Chủ tịch, cũng tròn 70 năm Người ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948 -2018). Dân Việt có trao đổi với PGS –TS Nguyễn Mạnh Hà xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, mặc dù đã ra đời cách đây 70 năm nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch vẫn có ý nghĩa trong công cuộc phát triển đất nước của quá trình hội nhập hiện nay, ông nghĩ sao?

- Thời điểm Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948), dân tộc ta đang trong hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta đang phải tự lực cánh sinh theo đường lối của Đảng dựa vào sức mình là chính. Lời kêu gọi thi đua để mọi người thi đua với nhau làm tốt tất cả những công việc của bản thân. Hồi đó có câu “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Nghĩa là ai cũng làm tốt nhất công việc của mình sẽ tạo ra hiệu quả xã hội rất lớn, điều đó sẽ giúp cho công cuộc kháng chiến của dân tộc chúng ta mau chóng giành thắng lợi.

img

Hồ Chủ tịch với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (ảnh TL).

Có thể thấy Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã tác động rất lớn vào tinh thần của người dân, của cán bộ, chiến sĩ. Bác đã khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từ các phong trào thi đua đã giúp cho chúng ta thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát huy được đầy đủ các nhân tố của con người góp phần rất quan trọng vào thành công của kháng chiến.

Trong bối cảnh hiện nay cũng vậy, nếu ai cũng mang tinh thần trách nhiệm làm tốt nhất công việc trong khả năng và phạm vi của mình sẽ tạo nên sự đóng góp rất lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Thi đua phải hiểu không phải là ganh đua, thi đua là cố gắng làm tốt, ai cũng cố gắng làm tốt trong công việc của mình sẽ dẫn tới kết quả tốt, tạo nên thành quả chung cho xã hội. Chính vì thế có thể nói Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác cách đây 70 năm đến nay vẫn nguyên giá trị.

img

PGS -TS Nguyễn Mạnh Hà (ảnh IT).

Bối cảnh hiện nay đã thay đổi nhiều so với trước, cần phải có cách vận dụng mới để phát huy giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ông nghĩ sao?

- Cách đây 70 năm nhân dân ta lúc đó có mục tiêu chung là thi đua với nhau để làm tốt nhất công việc, thể hiện thần yêu nước để đóng góp cho cách mạng và kháng chiến.

Đúng là trong bối cảnh hiện nay đã khác hẳn, nay là thời bình, thời kinh tế thị trường. Nếu nói đến kinh tế thị trường sẽ có chuyện ganh đua nhau, cạnh tranh nhau. Có thể nói trong bối cảnh đã khác trước, động lực của mỗi người trong công việc cũng khác nhau, động lực để thi đua với nhau trong cùng một công việc dường như người ta cảm thấy có sự ganh đua, cạnh tranh thậm chí cạnh tranh quyết liệt.

Tuy nhiên trên tinh thần của lòng yêu nước, việc cạnh tranh của các cá nhân hay tập thể với nhau ngoài ý nghĩa đem lợi ích về cho cá nhân còn có đóng góp nhiều cho xã hội thì việc thi đua ái quốc vẫn có ý nghĩa tích cực. Hay nói cách khác, việc thi đua vẫn có ý nghĩa nếu những người thi đua không mang tính triệt hạ nhau. Người này và người kia, cơ quan này với cơ quan kia cùng thi đua để làm một cách tốt nhất công việc, có thể kết quả khác nhau nhưng cộng những tích cực đó lại thì đó là thành quả chung của xã hội, của đất nước. Nói đến ý nghĩa của thi đua là như vậy, dù bối cảnh giữa các thời kỳ khác nhau.

Trong các phong trào thi đua, điều đáng ngại nhất là tính hình thức, không thực chất, theo ông làm sao để tránh được điều này, làm sao nhân lên những điển hình thực sự?

- Chúng ta cũng biết, ngay từ thời kỳ Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mục đích là động viên khả năng cao nhất của các cá nhân để đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên không phải nơi nào làm cũng tốt, có nơi, có đơn vị, tổ chức và những con người tại đó có những việc làm không phù hợp với tính chất của thi đua. Hay có nơi làm chạy theo hình thức, chạy theo phong trào, không thực chất. Vì thế hiện nay nếu phát động phong trào thi đua muốn có hiệu quả thì không được phát động thi đua một cách hình thức, không được cào bằng; đã là thi đua phải có động viên thực sự và kịp thời, phải ghi nhận và tôn vinh những người đã cống hiến. Nếu việc đánh giá thi đua không khách quan, không ghi nhận kịp thời tự nhiên sẽ làm mất động cơ phấn đấu, thui chột ý thức tốt đẹp của người đã cống hiến.

Trong xét duyệt thi đua đừng để xảy ra những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN  sau nhận các danh hiệu lại bị cơ quan chức năng thu hồi, hủy. Việc đó khiến nhiều người có suy nghĩ thi đua cũng là “chạy”, như thế họ sẽ không coi trọng việc thi đua nữa.

Phát động thi đua ái quốc trong bối cảnh hiện nay phải căn cứ vào tính hình thực thế, không được làm hình thức, thi đua là phải tôn vinh được những người thực sự có đóng góp cho xã hội, nhân lên những tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt. Tôi rất thích xem chương trình như “những tấm gương bình dị mà cao quý”, “cặp lá yêu thương”, những câu chuyện làm việc thiện giúp người nghèo như quán cơm 2.000 đồng, tủ bánh mỳ miễn phí, nước uống miễn phí.

Đó là những chuyện khi xem rất xúc động. Chúng ta nhân lên nhiều những hình ảnh như thế sẽ làm cho mọi người hiểu trong xã hội còn rất nhiều người tốt, việc tốt, chứ không phải nhìn thấy những điều bức xúc trong xã hội.

Có thể nói những nhân vật trong những câu chuyện nhân đạo đó cũng là những tấm gương thi đua. Họ không cần làm theo phát động, làm để được vinh danh, họ làm một cách âm thầm xuất phát từ động cơ trong sáng. Nói lên điều này để mong rằng việc thi đua yêu nước làm sao phải phát huy được tính nhân văn, tự tính giác của mỗi con người, chẳng cần chờ dịp phát động nhưng hàng ngày ở nơi này, nơi kia vẫn có những tấm gương âm thầm tỏa sáng.

Xin cảm ơn ông (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem