Bắc Kạn: "Chôn của để dành" ở trên rừng, ngại nói vì sợ tiếng là khoe

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 26/09/2019 06:15 AM (GMT+7)
Với hai bàn tay trắng cùng ít đất đồi do ông cha để lại, vợ chồng ông Triệu Ứng Lai (thôn Pác Toong, xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đã mạnh dạn trồng rừng, rồi dần tích lũy mở rộng diện tích, kết hợp sửa chữa, kinh doanh máy nông cụ, gia đình ông đã có thu nhập mà nhiều người mơ ước.
Bình luận 0

Hỏi đường đến nhà ông Triệu Ứng Lai (trú thôn Pác Toong, xã Yên Nhuận, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), người dân trong thôn, trong xã đều biết, đều tận tình chỉ cho PV Dân Việt, bởi hầu hết họ đều là khách hàng đã từng mua máy nông cụ tại cửa hàng của ông. Thì đúng rồi, cả xã cũng chỉ có cửa hàng bán nông cụ của ông Lai là lớn mà thôi.

Khi PV có mặt là lúc con trai ông Lai - anh Triệu Ứng Bền - đang cặm cụi chỉnh máy nông cụ cho khách. Rót chén trà mời PV, bà Nông Thị Tươi - vợ ông Lai bảo, ông ấy lên huyện nộp thuế và đi Hà Nội lấy hàng luôn rồi, chắc một hai hôm mới về cơ. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế của gia đình, bà Tươi dè dặt nói, tuy làm nhiều thứ thế nhưng cũng chỉ đủ ăn thôi, viết lên ngại lắm, người ta lại bảo mình khoe, có một nói mười thì chết.

img

Cửa hàng bán máy nông cụ của gia đình ông Triệu Ứng Lai được cả xã biết đến.

Câu chuyện giữa PV Dân Việt với gia chủ cởi mở hơn khi cậu con trai xếp xong hàng cho khách và cùng ngồi trò chuyện. Bà Tươi cho biết, gia đình đã làm rừng từ năm 1981, tuy nhiên đến năm 2000 mới tập trung trồng nhiều. Cách đây 3 năm thì trồng hết đồi, chăm sóc và khai thác.

img

img

Những cây mỡ này đã có thể khai thác.

img

Anh Triệu Ứng Bền dẫn ông Hoàng Tiểu Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nhuận lên thăm vườn rừng của gia đình.

Dẫn PV Dân Việt vào khu vực chăn nuôi và trồng rừng, cách nhà khoảng 1,5km, anh Triệu Ứng Bền chỉ cho chúng tôi những cánh rừng được phủ kín bởi bạt ngàn cây mỡ đang tuổi khai thác. Anh bảo, mỡ này đã trồng gần mười năm, diện tích mỡ của gia đình anh hiện có khoảng 7ha. Nhìn rừng mỡ thẳng đứng và chắc chắn vươn lên trên những vạt đồi trước đây vốn được cho là cằn cỗi đủ để thấu hiểu công sức đã bỏ ra và sự kiên trì của gia chủ.

Anh Bền cho biết, vừa rồi gia đình anh có khai thác gần 2ha cây keo và cây bồ đề, cũng cho thu gần 300 triệu đồng. Không chỉ trồng keo, bồ đề, gia đình anh còn trồng thêm các loại cây có múi như cam, quýt và chanh. Đặc biệt cây trà hoa vàng, thứ cây được ví như “báu vật” cũng được gia đình anh trồng và đang sinh trưởng rất tốt. Anh Bền cho biết, tới đây sẽ trồng đại trà cây trà hoa vàng trên vùng đồi mà gia đình đang có.

img

img

Ngoài trồng cây mỡ, cây keo và cây bồ đề... gia đình anh Bền còn nuôi thêm ngựa bạch.

img

...và nuôi thử nghiệm ba ba trong ao.

img

Cây trà hoa vàng, thứ cây quý như báu vật cũng được anh mang từ rừng về trồng.

Ngoài trồng rừng, gia đình anh Bền còn nuôi cá, ba ba và ngựa bạch. Anh Bền cho biết, bởi rừng nhà anh cũng khá rộng nên ngựa cứ vậy mà thả lên rừng, chiều tối thì đi tìm về nhốt. Còn ao cá có đến 5 - 6 cái, ba ba cũng được gia đình anh nuôi thử nghiệm và đang rất khả quan.

Cùng với làm mô hình VACR, gia đình ông Triệu Ứng Lai còn sửa chữa và kinh doanh máy nông cụ. Cửa hàng ông luôn tấp nập người mua. Không chỉ vậy, gia đình ông Lai còn đầu tư máy xúc và một số xe ô tô chở đất để làm thêm. Hiện tổng thu nhập của gia đình ông ước tính cũng vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Với mô hình VACR và cửa hàng hiện có, ít ai biết khối tài sản đó đã được gia đình ông Triệu Ứng Lai xây dựng từ hai bàn tay trắng, cùng với đó là những ngày tháng trăn trở, ấp ủ ý tưởng làm giàu đến sạm da, bạc tóc. Cũng phải, không có việc gì là dễ cả, nhất là việc làm giàu.

Ông Hoàng Tiểu Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nhuận (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương rất chú trọng và đánh giá cao mô hình của ông Lai. Thứ nhất là cá nhân ông Triệu Ứng Lai đã mạnh dạn đầu tư cho mô hình của mình và rất hiệu quả; thứ 2, tranh thủ một số hộ khác chuyển đổi, bán rừng, ông đã mua vào để mở rộng diện tích trồng rừng.

“Trong những năm qua, ông Lai đã tập trung phát triển trồng rừng rất tốt, kết hợp với chăn nuôi ngựa sinh sản, gà thả đồi cùng một số cây trồng khác, bước đầu có hiệu quả cao. Tới đây, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho các hội viên tham quan, học tập mô hình này để từ đó các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Hoàng Tiểu Vân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem