Bắc Kạn: Người làm nên thương hiệu tinh bột nghệ vùng cao

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 23/10/2020 12:27 PM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành ở xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) là tấm gương sáng về sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Chính chị là người đầu tiên xây dựng nên thương hiệu tinh bột nghệ Bắc Kạn.
Bình luận 0

Vươn lên trong gian khó

Đầu tháng 9/2020 vừa qua, khi lên Bắc Kạn dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bắc Kạn lần thứ V (giai đoạn 2020-2025), các thành viên trong đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khi đến thăm HTX Tân Thành đã rất bất ngờ với thành tích mà HTX đạt được.

Gặp chị Minh - Giám đốc HTX, ai cũng ấn tượng trước một người phụ nữ có làn da trắng, vẻ mặt rạng ngời. Thấy mọi người tấm tắc khen, chị Minh cười bảo: "Nhờ được sử dụng "thần dược" từ tinh bột nghệ thường xuyên nên các thành viên trong HTX Tân Thành đều có nước da đẹp như vậy đó".

Người làm nên thương hiệu tinh bột nghệ Bắc Kạn - Ảnh 1.

Sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Tân Thành. Ảnh: T.L

Vừa nói, chị Minh vừa mở các hộp đựng viên tinh bột nghệ ra mời mọi người thưởng thức. Trò chuyện với đoàn công tác của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, chị Minh cho biết chị sinh ra, lớn lên tại Quảng Ninh. Năm 2000, chị về làm dâu tại thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, nơi chủ yếu là người Dao sinh sống.

Thời điểm đó, thôn Tân Thành chưa có điện lưới quốc gia, cuộc sống gia đình chị cũng như những người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2002, vợ chồng chị Minh chuyển vào Tây Nguyên sinh sống và tham gia các dự án trồng rừng tại Gia Lai… Khi các dự án trồng rừng tại Tây Nguyên kết thúc, năm 2008, vợ chồng chị lại quay về xã Nông Thượng sinh sống.

Đến năm 2010, sau khi sinh bé thứ hai, sức khỏe chị Minh yếu dần, thể trạng gầy gò. Chị thấy người dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn thường có thói quen bổ sung nghệ vào các món ăn, đặc biệt là để chăm sóc bà mẹ sau sinh để nâng cao thể chất, nên đã dùng thử. Sau một thời gian dùng nghệ, sức khỏe chị hồi phục nhanh, tăng cân, da dẻ hồng hào... thì cũng là lúc chị Minh ấp ủ ý tưởng trồng nghệ làm hàng hóa, sản xuất tinh bột nghệ để bán.

Người làm nên thương hiệu tinh bột nghệ Bắc Kạn - Ảnh 2.

Chị Hồng Minh giới thiệu với Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng về sản phẩm của HTX Tân Thành. Ảnh: Hải Đăng

Gợi ý thêm với HTX Tân Thành, đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ tinh bột nghệ, HTX Tân Thành cần dựa vào lợi thế của mô hình sản xuất để nghiên cứu tích hợp thêm mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vừa nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp đơn vị tăng thêm thu nhập.

Sau 5 năm tìm tòi thử nghiệm, tìm hướng đi cho cây nghệ, năm 2016, chị Minh đã thành lập tổ hợp tác trồng nghệ và sản xuất tinh bột nghệ với 4 thành viên ban đầu đều là người địa phương. Tháng 5/2017, chị Minh mạnh dạn thành lập HTX Nông nghiệp Tân Thành để tăng quy mô sản xuất, với 9 thành viên, vốn điều lệ 2,7 tỷ đồng. Trong đó, các thành viên đóng góp 50 triệu đồng/người để đầu tư xây nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị sản xuất. Ngoài công việc tại HTX, các thành viên HTX đều tham gia trồng nghệ trên diện tích đất của gia đình.

Trong quá trình thành lập, HTX được UBND thành phố hỗ trợ 80 triệu đồng và được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho vay 99 triệu đồng để đầu tư sản xuất; ngoài ra, HTX còn được Phòng Kinh tế thành phố, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các thủ tục để đăng ký nhãn hiệu, kiểm định chất lượng sản phẩm và đăng ký tem nhãn chống hàng giả.

Giúp dân cùng làm giàu

Để nâng cao chất lượng sản phẩm tinh bột nghệ, các loại máy móc, thiết bị sản xuất của HTX đều được chị Minh đặt sản xuất theo yêu cầu với chất liệu Inox cao cấp, tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo chị Minh, Tân Thành cũng là địa phương có nhiều diện tích trồng quế và bà con thường trồng thêm cây nghệ dưới tán rừng quế, vừa tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi ha nghệ, sau 2 năm thu hoạch được khoảng 20 tấn, thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/ha.

Chị Minh cho biết, HTX đã và đang áp dụng chính sách ưu tiên giá thu mua đối với nguyên liệu nghệ do thành viên HTX trồng để khuyến khích bà con mở rộng diện tích. Ngoài ra, trước vụ trồng nghệ, HTX làm hợp đồng với các hộ dân, hướng dẫn trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong công đoạn làm cỏ.

"Khi thu mua củ nghệ, chúng tôi sẽ loại bỏ củ không bảo đảm chất lượng nên bà con phải chủ động làm bài bản, chăm sóc cây nghệ đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, HTX còn sử dụng bã nghệ ủ men vi sinh làm phân hữu cơ, cấp cho các hộ dân để vừa giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao chất lượng củ nghệ, đảm bảo nguyên liệu đầu vào của tinh bột nghệ" - chị Minh chia sẻ.Theo chị Minh, hiện nay sản phẩm chủ lực của HTX Tân Thành là tinh bột nghệ nếp vàng và tinh bột nghệ đen. Sản phẩm được tiêu thụ ở các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đăk Lăk... Từ tháng 5/2017 đến tháng 12/2017, doanh thu của HTX Tân Thành đã đạt hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên HTX tham gia làm việc tại xưởng chế biến đều có thu nhập từ 4,5 - 6,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2018, HTX đã đầu tư mở rộng sản xuất, mua thêm hệ thống máy sấy cho ra thêm các sản phẩm nghệ sấy lát, bột nghệ, măng sấy các loại... mang về doanh thu hơn 5 tỷ đồng.

Đánh giá cao hướng đi của HTX Tân Thành trong việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào chế biến sâu các sản phẩm nông sản của địa phương, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Dù gặp nhiều khó khăn về đại dịch Covid-19 nhưng HTX Tân Thành vẫn duy trì được sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây thực sự là một kỳ tích rất đáng tự hào của Tân Thành nói riêng và Bắc Kạn nói chung.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem