Bắc Ninh: Công bố Chỉ số điều hành, quản trị địa phương năm 2022
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý hiện tượng gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp
Khương Lực
Thứ năm, ngày 22/12/2022 18:29 PM (GMT+7)
Chiều 22/12, tại hội nghị Công bố Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (Par Index, DDCI, ICT Index) tỉnh Bắc Ninh năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi phát hiện ra cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Chiều 22/12, tại thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (Par Index, DDCI, ICT Index) tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành nhằm nỗ lực đưa tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biến động thị trường để sớm phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, nhiều năm nay, Bắc Ninh đã và đang nổi lên là tỉnh tiên phong về cải cách hành chính cũng như hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ảnh: K.Lực
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 cho thấy, có 8 Sở có Chỉ số cải cách hành chính trên 90 điểm; 9 sở, ngành có Chỉ số cải cách hành chính từ 80 – dưới 90 điểm. Điểm trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 Sở, ban, ngành năm 2022 là 89.92 điểm, giảm 1.72 điểm so với năm 2021. Có 3 Sở đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 cao nhất là Sở Xây dựng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh. Sở Tài nguyên và Môi trường có kết quả Chỉ số cải cách hành chính thấp nhất.
Với cấp huyện, thành phố, điểm trung bình cải cách hành chính cấp huyện là 86.60, tăng 1.86 điểm so với năm 2021. Thành phố Bắc Ninh, huyện Gia Bình và thành phố Từ Sơn là 3 đơn vị nhiều năm liền Chỉ số cải cách hành chính đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, huyện Lương Tài, Quế Võ và Tiên Du có Chỉ số cải cách hành chính ở vị trí thấp.
Về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương (DDCI), ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, Chỉ số DDCI được triển khai từ năm 2016, đến nay dần khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh Bắc Ninh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát đúng tình hình thực tiễn phát triển.
Năm 2022 là năm thứ 6 Bắc Ninh triển khai thực hiện đánh giá DDCI, với sự tham gia của 34 đơn vị gồm: 26 Sở, ban, ngành và 08 huyện, thành phố. Kết quả, Cục Thuế tỉnh tiếp tục dẫn đầu với 72,28 điểm; Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ 2 với 71,97 điểm; Ngân hàng Nhà nước xếp thứ 3 với 71,94 điểm; Sở Tài nguyên và Môi trường xếp cuối cùng với 69,41 điểm. Khối các địa phương, UBND huyện Quế Võ dẫn đầu với 71,45 điểm; huyện Tiên Du xếp thứ 2 với 70,61 điểm; xếp cuối cùng là huyện Lương Tài với 68,36 điểm.
Đối với kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương (ICT Index), bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, kết quả đánh giá ICT Index sẽ giúp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh nắm được tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đưa ra các chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Bắc Ninh.
Theo bảng xếp hạng, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục dẫn đầu với 95,75 điểm; Sở Giáo dục và Đào tạo xếp thứ 2 với 95,16 điểm; Sở Xây dựng xếp thứ 3 với 92,15 điểm; xếp cuối cùng là Ban Quản lý các khu công nghiệp với 77,1 điểm. Nhóm các địa phương, UBND thành phố Từ Sơn dẫn đầu với 88,08 điểm; UBND huyện Quế Võ xếp thứ 2 với 88,02 điểm; xếp cuối cùng là UBND huyện Tiên Du với 79,59 điểm.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang ghi nhận sự cố gắng, chủ động của các cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Nhiều năm nay, Bắc Ninh đã và đang nổi lên là tỉnh tiên phong về cải cách hành chính cũng như hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nói về kết quả các Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (Par Index, DDCI, ICT Index), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh các chỉ số được khảo sát, đánh giá, chấm điểm khách quan, đa chiều, toàn diện và toàn diện hơn so với năm trước. Điều này tiếp tục khẳng định đây là công cụ quản lý rất hữu hiệu, phục vụ hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Để tăng cường hiệu quả công tác cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các cơ quan chủ trì các Chỉ số căn cứ Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thực tiễn của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch về cải cách hành chính, cải thiện môi trườngkinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023.
Đối với các Sở, ngành, địa phương căn cứ kết quả đánh giá, xếp hạng của các Chỉ số, nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2023. Đặc biệt, doanh nghiệp đánh giá tính năng động, tiên phong của các sở ngành, địa phương tgiảm so với năm 2021.
Chính vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra công vụ; Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, xử lý trách nhiệm.
"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi phát hiện ra cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, gây nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì phải có phương án để xử lý"- bà Giang nhấn mạnh.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò của Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp "tổ 3 nhất" trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.