“5 cùng” với nông dân
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23.6.2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội ND Việt Nam về “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” được ban hành, Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến 100% cơ sở Hội. Theo đó, Hội ND các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp theo tiêu chí “5 cùng”. Đó là: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.
Phó Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Phạm Tiến Nam (thứ 4 từ phải sang) và Đoàn khảo sát của T.Ư Hội thăm gian hàng giới thiệu, bán nông sản an toàn của Hội ND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Thu
Bám sát mục đích của Đề án 24 là “về lâu dài, việc xây dựng các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã…”, Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã vận dụng linh hoạt những nội dung, mục đích của Đề án 24 gắn với tình hình thực tế ở địa phương. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng các loại hình hoạt động phù hợp, khẳng định được những thành công bước đầu.
Theo ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HNDTW ngày 19.7.2010 của Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam (khóa V) “Về việc tiếp tục xây dựng tổ chức Hội ND các cấp vững mạnh”, Hội ND các cấp tỉnh Bắc Ninh đã chủ động sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân đã đề ra…
Đi vào hoạt động thực chất
Trong những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh chủ động khai thác và thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn hiện đạt trên 54 tỷ đồng. Cùng với các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tín dụng khác, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân là công cụ đắc lực để các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội hướng dẫn thành lập, củng cố…
Các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được các cấp Hội ND trong tỉnh phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam Phạm Tiến Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong thực hiện Đề án 24 và Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam. Phó Chủ tịch đánh giá cao sự tích cực, chủ động, sáng tạo của Hội ND tỉnh Bắc Ninh trong đổi mới phương thức hoạt động; nhất là sự chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện hoạt động cho Hội ND các cấp hoạt động có hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam khẳng định việc Hội ND tỉnh Bắc Ninh định hướng, vận động hội viên, nông dân xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là bước đột phá, “đi tắt, đón đầu” mục đích, yêu cầu của Đề án 24 hướng đến trong việc xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo tiền đề cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng cường mối liên kết giữa hội viên với nhau...
Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam lưu ý, cùng với việc xây dựng, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh cần chú ý hỗ trợ để các mô hình kinh tế hợp tác đi vào hoạt động thực chất hơn, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.