Bác sĩ 20 năm lấy lương hưu mở phòng khám miễn phí

Thứ năm, ngày 07/11/2019 06:57 AM (GMT+7)
Hơn 20 năm nay, phòng khám miễn phí nằm trong UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân.
Bình luận 0

Dùng lương hưu mở phòng khám miễn phí

Nằm trong khuôn viên UBND phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội), phòng khám từ thiện của các bác sĩ tuổi xế chiều là địa chỉ quen thuộc với nhiều người.

8 giờ 30 sáng, bệnh nhân bắt đầu kéo đến, mỗi lúc một đông. Hôm nay, bác sĩ Trương Thị Hội Tố (87 tuổi) - phụ trách phòng khám đi vắng, chỉ có bác sĩ Trương Duy Đức và các y tá, dược sĩ trực. Điều đặc biệt, ở đây chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.

img

Y tá đo huyết áp cho bệnh nhân trước khi chuyển sang bác sĩ kiểm tra, khám bệnh.

Theo lời bác sĩ Đức, người khai sinh ra phòng khám là bác sĩ Tố - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Nghỉ hưu, bà lên Hà Nội sinh sống cùng con cái, tham gia các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí lưu động cho gia đình chính sách, người nghèo…

Vị bác sĩ ấp ủ mở một phòng khám miễn phí phục vụ bà con nhân dân. Trên chiếc xe đạp cũ, bà lọc cọc đi vận động bạn bè cũ làm trong ngành y đã nghỉ hưu cùng tham gia. Nhưng vì nhiều lý do, họ đều từ chối.

Cho đến khi gặp y tá Lê Thị Sóc (hiện 90 tuổi) - từng công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn, giấc mơ của bà mới thành hiện thực.

Bà Sóc kể: ‘Trước đây bà Tố ở phường Tương Mai, tôi ở phường Giáp Bát, cùng tham gia trong Hội Chữ thập đỏ. Nghe bà Tố tâm sự về ý tưởng mở phòng khám từ thiện, tôi ủng hộ ngay.

Hai chị em mượn địa điểm, dùng lương hưu mua cơ sở vật chất ban đầu. Phải mất hơn chục lần di chuyển, long đong phòng khám mới ổn định ở Hội Chữ thập đỏ của phường Giáp Bát’.

img

Nụ cười của bệnh nhân khi đến phòng khám.

Ở một góc khác, dược sĩ Lê Thị Khiên ngồi phân loại từng hộp thuốc từ các mạnh thường quân mang đến ủng hộ. Loại nào hết hạn, cận hạn bà để riêng, mang đi tiêu hủy. Thuốc còn mới, bà xếp ngay ngắn vào tủ theo từng chủng loại.

‘Tủ thuốc có đầy đủ các loại thuốc từ cảm cúm thông thường đến thuốc đặc trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp… Thuốc nào thiếu, chưa có người ủng hộ, bác sĩ Tố kêu gọi quyên góp hoặc bỏ tiền mua thêm.

Bệnh nhân đến đây chủ yếu là bà con lao động nghèo, hưu trí. Điều kiện cơ sở vật chất còn sơ sài, chúng tôi chỉ khám và điều trị bệnh đơn giản. Trường hợp có dấu hiệu cần thăm khám chuyên sâu, chúng tôi tư vấn đến các bệnh viện lớn, đủ máy móc, thiết bị kiểm tra’, dược sĩ lớn tuổi chia sẻ.

Có mặt tại phòng khám, bệnh nhân Đặng Thị Nhàn (70 tuổi - Nam Định) chia sẻ, gia đình bà gắn bó với phòng khám từ những ngày mới thành lập. Khi đó, bà đưa cậu con trai sinh năm 1972, bị bại não từ nhỏ ra chữa trị, lấy thuốc.

Bản thân bà Nhàn mắc nhiều chứng bệnh. Gia cảnh khốn khó, ngoài tiền hỗ trợ khuyết tật của con trai, bà mở quán nước mưu sinh.

img

Gia đình bà Nhàn là bệnh nhân đặc biệt, gắn bó lâu năm với phòng khám.

‘Gia đình tôi 3 người đều được các y, bác sĩ ở đây điều trị.  Lúc chưa có phòng khám, tháng nào hai mẹ con tôi cũng vất vả bắt xe ôm đến bệnh viện. Con trai tôi thi thoảng lên cơn động kinh, phải mua thêm thuốc bên ngoài, rất tốn kém.

Từ khi bác sĩ Tố mở phòng khám, con trai tôi nương nhờ vào phòng khám để duy trì thuốc men.

Thời điểm chồng tôi bị ốm nặng, nằm liệt một chỗ, bác sĩ Tố giúp đỡ, chạy chữa suốt 10 năm cho đến ngày ông ấy qua đời. Nhờ đó, tôi giảm bớt phần nào gánh nặng về kinh tế’, người phụ nữ khắc khổ nói.

‘Niềm day dứt khi chúng tôi sức tàn’

Tính đến nay phòng khám đã hoạt động hơn 20 năm. Nhiều y, bác sĩ về hưu cũng nhiệt tình góp sức cùng bà Tố, bà Sóc. Trong số đó, có người đã ra đi hoặc phải nghỉ vì bạo bệnh.

Hiện nay, phòng khám còn 2 bác sĩ, 2 y tá và 1 dược sĩ duy trì công việc. Thế nhưng do tuổi cao, các ‘thiên thần áo trắng’ ở độ tuổi U80, U90 chỉ có thể khám vào sáng thứ 2 hàng tuần.

img

Bác sĩ Đức và các đồng nghiệp luôn trăn trở về số phận của phòng khám khi họ không thể tiếp tục.

‘Ngày trước, chúng tôi khám từ thứ 2 đến thứ 6, dần rút lại còn 3 ngày rồi 2 ngày. Giờ sức khỏe yếu chỉ cáng đáng được 1 tháng 4 ngày.

Tôi và các đồng nghiệp ở đây lo rằng, một ngày kia, tất cả đều không cưỡng lại được số mệnh, phòng khám chưa có người kế cận, sợ sẽ phải đóng cửa. Lúc đó lấy ai giúp đỡ bệnh nhân nghèo? Thực sự rất day dứt. Giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng đến khi nào còn có thể’, bác sĩ Đức thở dài cho biết.

img

Ở tuổi gần đất, xa trời, những thầy thuốc già nua này vẫn đau đáu với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Diệu Bình - Lê Anh Dũng (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem