"Cởi trói" mua sắm, đấu thầu y tế - Bài 1: Bác sĩ, bệnh nhân Chợ Rẫy hết cảnh "ngồi trên đống lửa"
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 23/03/2023 16:08 PM (GMT+7)
Sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành đầu tháng 3, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như nhiều bệnh viện khác trong cả nước "thở phào" vỉ được "cởi trói", gỡ được hầu hết các vướng mắc đang có về đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Trước khi có Nghị định 07 và Nghị quyết 30, toàn Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ còn 1 máy CT Scan hoạt động, 5 máy hư hỏng mà không thể sửa chữa, trong đó có máy CT Scan của khoa Cấp cứu.
Thiết bị này nằm sát bên Khoa Cấp cứu, chụp chiếu cho hàng trăm ca mỗi ngày. Ở vị trí này, bệnh nhân cấp cứu được di chuyển chụp CT ngay lập tức, hoặc chuyển lên phòng mổ nhanh nhất có thể.
Khi máy hỏng, nhân viên y tế phải đẩy bệnh nhân sang khu D - Trung tâm ung bướu với quãng đường xa, ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng. Bởi hầu hết ca cấp cứu ở cơ sở y tế này đều nhập viện trong tình trạng rất nặng.
Thông thường, so với các bệnh viện khác, máy CT của Bệnh viện Chợ Rẫy bị hỏng nhiều hơn, vì cường độ hoạt động rất "khủng khiếp". Máy chạy liên tục tỏa ra nhiệt độ rất cao, điều hòa không đáp ứng đủ vì người bệnh chụp liên tục. Tất cả áp lực này dồn lên một chiếc máy chạy 24/24. Nhân viên y tế cũng làm việc không ngừng nghỉ. Các bệnh nhân ngoại trú hầu hết phải chuyển đi nơi khác để thực hiện chụp chiếu.
"Khi máy CT Scan khoa cấp cứu hư, tôi như ngồi trên lửa vì phải chuyển bệnh nhân sang máy CT đặt ở vị trí xa hơn, ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng người bệnh. So với các bệnh viện khác, máy CT của bệnh viện hư liên tục, vì cường độ làm việc rất khủng khiếp. Nếu chiếc máy cuối cùng này hư thì thật sự bệnh viện sẽ gặp thảm hoạ. Khi đó không biết phải xử lý thế nào với bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng vì càng phải di chuyển xa, nguy cơ cho bệnh nhân càng cao", bác sĩ Thức chia sẻ.
Đến nay, bệnh viện đã sửa chữa được máy CT Scan đặt ở khoa Cấp cứu, vừa hoạt động lại vào ngày 22/3. Các máy còn lại dự kiến sẽ sửa xong vào trung tuần tháng 4.
"Đã có khoảng 2 tuần Bệnh viện Chợ Rẫy không thể đặt stent cho người bệnh mạch vành, chỉ đặt cho người bệnh cấp cứu vì không thể mua sắm được stent. Nghị định 07 ra đời khiến một loạt vật tư y tế được thông quan ồ ạt, giải tỏa được tình trạng thiếu vật tư y tế tiêu hao", bác sĩ Thức thông tin.
Bệnh nhân ung thư không phải chờ đến 2h sáng
Sáng 23/3, ông Võ Công Sơn (52 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) đưa vợ quay trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy để xạ trị. Vợ ông bị u não, đang xạ trị dở dang thì được… cho về vì máy hỏng.
"Vợ tôi được các bác sĩ chỉ định điều trị với phác đồ 27 tia xạ trị. Mới xạ được chục lần thì bác sĩ nói về đợi, máy cần sửa chữa, khi nào bệnh viện gọi thì lên chữa tiếp. Tôi đợi suốt 2 tháng, đến hôm nay mới được gọi lên chạy xạ tiếp. Tôi mừng quá", ông Sơn bày tỏ.
Khu xạ trị trong ngày của Bệnh viện Chợ Rẫy có khá đông bệnh nhân ngồi chờ, vì máy chạy xạ vừa được sửa chữa xong tối 22/3, đã bắt đầu chạy được cho bệnh nhân.
TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thời gian qua 4/5 máy xạ trị của đơn vị này hết thời hạn bảo hành, bảo trì, không hoạt động được do không mua được linh kiện thay thế. Toàn trung tâm chỉ còn 1 máy hoạt động được. Do đó, việc xạ trị của nhiều người bệnh ung thư bị gián đoạn.
Mỗi ngày bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 300 bệnh nhân cần xạ trị, trung bình mỗi máy xạ trị có công suất từ 60-80 bệnh nhân/ngày, nên khi có 4 máy không thể hoạt động thì nhiều bệnh nhân rơi vào cảnh chờ đợi. Bệnh nhân ung thư lại không thể chuyển đến "chạy nhờ máy" ở bệnh viện khác như bệnh nhân chụp chiếu nên bắt buộc phải xếp hàng chờ điều trị.
Thời điểm thiếu máy, bác sĩ phải thay đổi phương pháp như hóa trị, phẫu thuật cho người bệnh ung thư có chỉ định xạ trị. Tuy nhiên, số lượng dồn ứ vẫn đông, người bệnh thậm chí chờ đến 2h sáng mới đến lượt.
Sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành, ngay lập tức việc mua sắm linh kiện thay thế được tháo gỡ. Đến ngày 22/3, bệnh viện đã cho hoạt động lại 2 máy xạ trị sau khi sửa chữa xong, giúp số lượng bệnh nhân xạ trị giãn ra, thời gian chờ không còn quá lâu.
"Dù chưa hết công suất tối đa nhưng được vậy đã quá tuyệt vời, giúp thoát cảnh phải làm cả ngày lẫn đêm, thậm chí đến sáng. Dự kiến trong 1-2 tuần tới, 2 máy còn lại sẽ được mở thầu", bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.