Theo ông Hà Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Nông, mặc dù tỉnh có chính sách hỗ trợ ban đầu mỗi người 20 triệu đồng nhằm thu hút bác sĩ về công tác lâu dài, nhưng không ai muốn ở lại.
Không chỉ riêng Đăk Nông, nhiều địa phương khác cũng có tình trạng tương tự, bác sĩ mới ra trường nhận việc ở vùng nông thôn rồi, sống không nổi nên bỏ việc. Đối với những người làm việc lâu năm, có điều kiện mở phòng mạch thì đời sống ổn định hơn.
Nhưng đối với người còn trẻ, nếu có cơ hội, có lời mời là họ sẵn sàng bỏ việc về làm ở các thành phố hoặc địa bàn trung tâm. Hiện nay, bệnh viện tư mở ra rất nhiều và săn bác sĩ giỏi, nên những người có tay nghề khá đều sẵn sàng bỏ việc để đi làm cho bệnh viện tư với mức lương cao hơn gấp nhiều lần. Một thời từng có phong trào “bác sĩ về làng”, nay ngược lại là “bác sĩ bỏ làng”.
Bác sĩ giỏi, bằng cấp cao đều chọn khu vực thành thị để làm việc cho nên lực lượng y tế ở tuyến dưới, đặc biệt là vùng nông thôn vừa thiếu, vừa yếu. Ở các nơi này, bệnh nhân đến bệnh viện, trạm y tế chỉ để sơ cứu hoặc điều trị những bệnh vặt, còn ca nào khó khăn là chuyển.
Chính vì vậy nên bệnh viện tuyến trên luôn quá tải, giường bệnh khi nào cũng chồng chất 2-3 người. Còn người dân nông thôn luôn phải “trả giá” cao hơn khi lâm bệnh. Họ phải đi xa mới được cứu chữa đúng thầy đúng thuốc nên tốn kém đi lại, ăn ở, chưa kể lắm khi phải phong bì cho bác sĩ.
Người dân nông thôn vẫn chịu thiệt thòi rất nhiều mặt, ngay cả nhu cầu tối thiểu về chăm sóc sức khỏe cũng chưa được đáp ứng tốt. Với đội ngũ y – bác sĩ mỏng cho dù có đủ cơ sở và trang thiết bị y tế, người dân cũng khó được đảm bảo trong điều trị bệnh tật.
Để giữ được bác sĩ, điều kiện đầu tiên là phải trả lương đảm bảo đời sống của họ. Nhưng với cơ chế tiền lương hiện nay, các bệnh viện công phải làm đúng quy định, vượt rào thì lấy tiền đâu để trả. Bác sĩ sống không nổi với đồng lương thì tìm nguồn tiền ở nơi khác để sống. Có người vi phạm y đức, vòi vĩnh phong bì của bệnh nhân. Có người làm việc qua loa ở bệnh viện vì để dành thời gian, tâm trí cho phòng mạch ở nhà. Có người tìm nơi có thu nhập tốt hơn để nhảy việc. Đó là thực trạng đáng lo về nhân sự của ngành y tế vùng nông thôn. n
Chân Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.