Bác sĩ khuyến cáo nhận biết sớm dấu hiệu bị đột quỵ

Diệu Linh Thứ hai, ngày 05/12/2022 06:05 AM (GMT+7)
Đột quỵ xảy ra khi xuất hiện hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc tắc mạch khiến dòng máu lên nuôi não bị ngưng trệ, không tuần hoàn. Do đó, cần phải nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ để đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.
Bình luận 0

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Hà Đông), từ đầu năm đến nay, khoa Cấp cứu đã điều trị thành công cho 230 ca đột quỵ. 

Đột quỵ là bệnh cấp tính, diễn tiến nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, các tế bào trong não sẽ nhanh chóng bị ngừng hoạt động. Điều này có thể khiến cho người bệnh đối mặt với di chứng tàn tật, thậm chí là tử vong.

Những dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ sớm

Theo bác sĩ Trung, một số dấu hiệu nhận biết tình trạng đột quỵ sớm bao gồm: 

- Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.

Bác sĩ khuyến cáo nhận biết sớm dấu hiệu bị đột quỵ - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Hà Đông thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (Ảnh BVCC)

- Đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.

- Đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường.

- Đột ngột mất thị lực: Mờ mắt, nhìn không rõ

- Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.

Những đối tượng nào có thể có nguy cơ bị đột quỵ?

Bác sĩ Trung khuyến cáo, bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt, những người có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ bao gồm những người mắc bệnh tăng huyết áp; mắc bệnh đái tháo đường; rối loạn lipid máu; các bệnh lý tim mạch như bệnh van tim, rung nhĩ…; hẹp động mạch cảnh; bệnh hồng cầu hình liềm; rối loạn tăng đông. 

Ngoài ra, những người có lối sống thiếu lành lành mặn, ăn uống thiếu khoa học cũng làm tăng nguy cơ đột qụy như: người ăn mặn, uống rượu; ít vận động; béo phì; dùng thuốc ngừa thai; hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc: cocain, thuốc phiện, amphetamine; từng bị chấn thương đầu, cổ; có tiền sử gia đình bị đột quỵ... 

Nhũng yếu tố nguy cơ hiếm gặp hoặc còn bàn cãi khác như tăng homocystein máu, mắc bệnh MELAS, CADASIL, rối loạn dễ chảy máu, phình mạch não…

"Đặc biệt, với những người đã từng bị đột quỵ, nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người khỏe mạnh", bác sĩ Trung nhấn mạnh. 

Thời gian vàng cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân đột quỵ

Theo bác sĩ Trung, thời gian vàng “cấp cứu” cho người bệnh thuộc trường hợp thiếu máu não, từ khi khởi phát cơn đột quỵ đến 4,5 giờ hoặc 6 giờ đầu là áp dụng phương pháp sử dụng thuốc tan máu đông bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch rTPA. 

Bác sĩ khuyến cáo nhận biết sớm dấu hiệu bị đột quỵ - Ảnh 2.

Đột quỵ gây tổn thương nặng nề lên não nếu không được cấp cứu kịp thời thì tính mạng sẽ bị đe dọa. Ảnh minh họa Istockphoto

Trong vòng 6 giờ là áp dụng cho phương pháp can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Qua cột mốc 6 giờ người bệnh có thể rơi vào hôn mê sâu, bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong do mạch máu không được khai thông kịp thời. 

Còn đối với trường hợp xuất huyết não thời gian vàng “cấp cứu” theo nguyên tắc chung cấp cứu càng sớm càng tốt trong 3 giờ đầu tiên. Phương pháp điều trị và hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, vị trí và mức độ xuất huyết.

Những việc cần làm để phòng chống đột quỵ

Bác sĩ Trung khuyến cáo, người dân có thể chủ động phòng ngừa đột quỵ bằng cách thường xuyên tầm soát sức khỏe để phát hiện các yếu tố bất thường. 

Việc tầm soát đột quỵ sẽ tìm các nguyên nhân tạo ra cục máu đông làm tắc mạch não hoặc nguyên nhân làm vỡ mạch não để theo dõi và điều trị kịp thời. 

Tầm soát đột quỵ nhằm kiểm soát và điều trị những bệnh mạn tính vốn là nguy cơ chính gây đột quỵ như điều trị tăng huyết áp; phát hiện sớm và điều trị bệnh tim; điều trị bệnh đái tháo đường; điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ; điều trị hẹp động mạch chủ có triệu chứng; điều trị chống kết tập tiểu cầu hoặc kháng đông tùy trường hợp...

Đồng thời, để chủ động phòng chống đột quỵ, mọi người cần thay đổi lối sống như cai thuốc lá, cai rượu, giảm stress, có chế độ ăn lành mạnh, giảm mặn, giảm đường, giảm béo, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục thường xuyên…

"Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ với các bệnh lý nguy cơ và bệnh lý mạn tính. Thực hiện một cách nghiêm túc toàn bộ các chỉ định của thầy thuốc. Tuân thủ điều trị không chỉ giới hạn ở việc sử dụng thuốc mà còn phải tuân thủ tất cả các chỉ định khác của thầy thuốc, bao gồm chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống… 

Việc không tuân thủ điều trị các bệnh lý nguy cơ của đột quỵ không những làm gia tăng khả năng đột quỵ mà còn đẩy nhanh các biến chứng nặng nề như suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim ….", bác sĩ Trung nhận định. 

Theo thống kê của WHO có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Trên thế giới, cứ bốn người trên 25 tuổi thì có một người sẽ trải qua một cơn đột quỵ trong cuộc đời của họ.

Mỗi năm, hơn 62% tổng số ca đột quỵ xảy ra ở những người dưới 70 tuổi và 47% cơn đột quỵ xảy ra ở nam giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem