Tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của bệnh viện vừa điều trị ung thư đại tràng ở một bệnh nhân còn rất trẻ, mới 15 tuổi, rất hiếm gặp.
Bệnh nhân là em N.X.N (nam, 15 tuổi) vào viện khám vì lý do đau bụng, trước đó tiền sử khỏe mạnh. Cách vào viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu trái, thành cơn, tăng dần, kèm bí trung đại tiện, bụng chướng dần, nôn buồn nôn ít, không sốt.
Kết quả thăm khám lúc vào viện thấy bệnh nhân tỉnh, đau bụng cơn, bụng chướng hơi, bí trung đại tiện, nôn. Bệnh nhân không có phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc, khám trực tràng không thấy u bất thường.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng thấy các quai ruột non và khung đại tràng giãn lớn, đường kính lớn nhất 57mm, trong có mức dịch khí, vị trí chuyển tiếp là đoạn đại tràng trái, tại vị trí này, thành đại tràng dày nhẹ.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột, theo dõi ung thư đại tràng trái. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu: làm hậu môn nhân tạo đại tràng trái. Tiến hành nội soi đại trực tràng, các bác sĩ phát hiện ngay dưới hậu môn nhân tạo có khối sùi loét chiếm gần hết chu vi, phần đại trực tràng còn lại không thấy tổn thương.
Sau 10 ngày, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi cắt đại tràng trái, vét hạch. Giải phẫu bệnh sau mổ thấy, ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa xâm lấn tới thanh mạc, không xâm lấn mạch máu thần kinh.
Chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư đại tràng trái. Các bác sĩ đã xem xét điều trị hóa chất bổ trợ cho bệnh nhân.
Người trẻ mắc ung thư đại tràng ngày càng tăng
GS.TS Mai Trọng Khoa (Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, ung thư đại tràng, trực tràng là một trong những ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới, phần lớn gặp ở các nước phát triển như Australia, New Zealand, các nước châu Âu, Bắc Mỹ.
Theo GLOBOCAN 2020, trên thế giới, ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về số ca mới mắc trong tất cả các ung thư ở cả 2 giới với gần 2 triệu ca, và đứng thứ 2 về số ca tử vong với khoảng hơn 900.000 ca.
Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng cao, năm 2020, số ca mới mắc và tử vong do ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 ở cả 2 giới chiếm 9% tổng số ca mới mắc các bệnh ung thư và 6,7% ca tử vong.
Ung thư đại tràng thường gặp ở người lớn tuổi, 80% các ca ung thư đại tràng được chẩn đoán sau tuổi 55, tuổi trung bình mắc ung thư đại trực tràng là 74.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây mô hình ung thư đại tràng theo lứa tuổi đã và đang thay đổi với tỉ lệ bệnh nhân trẻ tuổi ngày một gia tăng.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2013, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở người < 50 tuổi tăng 22%, chiếm khoảng 10% tổng số các ca mới mắc ung thư đại trực tràng ở tất cả các lứa tuổi. Trong thực tiễn lâm sàng, các bác sĩ gặp ngày càng nhiều các bệnh nhân ung thư đại trực tràng trẻ tuổi.
Không nên bỏ qua các dấu hiệu nghi ngờ bị ung thư đại tràng
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng ở người bệnh trẻ tuổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn hơn và có tiên lượng xấu hơn so với nhóm người bệnh lớn tuổi.
Hiện nay, theo các khuyến cáo trên thế giới, mốc bắt đầu sàng lọc ung thư đại trực tràng thường được khuyến cáo ở tuổi 45. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng có xu hướng ngày càng trẻ hóa, không chỉ gặp ở lứa tuổi trung niên mà có thể gặp ở cả thanh thiếu niên.
"Vì vậy, với những đối tượng nguy cơ cao (như: tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, mắc các hội chứng di truyền liên quan đến ung thư đại tràng, trực tràng như hội chứng Lynch, hội chứng đa polyp tuyến gia đình),…
Hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ (như: đi ngoài phân nhầy máu, thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng kéo dài) thì người dân nên đi khám sàng lọc bệnh sớm", PGS Phương khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.