Độc đáo ngôi chùa Ấn giữa trung tâm Sài Gòn

Châu Mỹ Chủ nhật, ngày 01/05/2022 13:32 PM (GMT+7)
Nằm ngay đường Trương Định, cách chợ Bến Thành, quận 1 chỉ vài bước chân, chùa Bà Ấn, hay còn gọi là chùa Bà Đen, đền thờ nữ thần Mariamman... là một kiến trúc tôn giáo nổi bật và đặc sắc của phái Hindu giáo tại Việt Nam. Ngôi chùa trở thành điểm đến của cả người Sài Gòn và du khách khắp nơi từ nhiều năm nay.
Bình luận 0

Dấu ấn của người Ấn Độ trên đất Sài Gòn

Đền thờ nữ thần Mariamman là một trong ba kiến trúc tôn giáo Ấn Độ lớn trên đất Sài Gòn. Hai đề thờ Ông còn lại nằm ở đường Tôn Thất Thiệp phường Bến Nghé và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa phường Nguyễn Thái Bình, đều tại quận 1. 

Độc đáo ngôi chùa Ấn giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh 1.

Chùa Bà Ấn nhỉn từ bên ngoài.

Tương truyền, những năm 1946, các khu phố kéo dài từ Lý Tự Trọng qua chợ Bến Thành, tới khu vực giáp cửa sông Sài Gòn, thuộc địa phận phường Nguyễn Thái Bình quận 1 bây giờ, là nơi sinh sống, buôn bán sầm uất của người Ấn Độ. 

Trong ký sự “Hơn nửa đời hư”, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng mô tả cảnh mua bán, ăn chơi sầm uất ở những khu phố người Ấn giữa lòng Sài Gòn. Tác giả hồi ký “Tâm sida - Vượt lên cái chết” cũng kể rất chi tiết về cảnh buôn bán sầm uất tại những sạp vải lớn của người Ấn Độ ở những khu phố này, vào thời điểm trước năm 1975.

Từ đó, các thương nhân Ấn Độ đã xây dựng các trung tâm tín ngưỡng đúng theo kiến trúc mỹ thuật Ấn độ giáo thuộc vùng Nam Ấn Độ, tức quốc gia  Sri Lanka hiện tại.

“Tôi từng cư ngụ ở 233 đường Lý Tự Trọng từ bé, nghe người già kể, chùa được dựng vào năm 1946, sau khi quân đội Anh (phần lớn là lính Ấn Độ) tới Sài Gòn tháng 9/1945 để tước khí giới của quân Nhật đầu hàng. Lính Ấn đóng quân và chiếm cứ vườn Tao Đàn cùng khu tứ giác Lý Tự Trọng – Trương Định – Lê Lợi – chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành). 

Nhà cửa hai bên đường của khu này thuộc quyền sở hữu của một công ty Ấn Độ. Họ sở hữu luôn cả rạp hát, rạp phim Long Phụng (nay là 231 - Lý Tự Trọng, quận 1). Tiền thuê nhà và tiền thuế chợ Sài Gòn đều do người Ấn thu với giá cắt cổ, cao hơn cả giá thuế bên khu phố người Hoa của chú Hỏa. Nếu trung gian môi giới làm ăn, người Ấn luôn lấy hoa hồng 30%”, một Việt Kiều đang cư ngụ tại Mỹ, kể.

Độc đáo ngôi chùa Ấn giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh 2.

Bên trong ngôi chùa Bà Ấn

Chùa Bà Ấn Độ được người Ấn ở Sài Gòn cải tạo vào giai đoạn 1950-1955. Nhiều vật liệu xây dựng, đồ trang trí, điêu khắc, các tượng thần... nhập từ Ấn Độ và do những người dân ở đất nước này thực hiện. Sau năm 1975, vị cai quản người Ấn bỏ về nước. 

Trải qua nhiều tranh chấp từ con cháu, họ tộc của những người Ấn còn lại ở Sài Gòn, tới năm 1991, chính quyền thành phố tiếp quản, mở cửa cho mọi người dân, mọi tôn giáo tới tham quan, hành lễ. Thành phố cũng cử riêng một ban quản trị để trông nom, quản lý di tích này.

“Đền mở cửa cho mọi người của mọi tôn giáo khác nhau vào hành lễ. Khách du lịch Ấn Độ cũng hay ghé còn người Ấn tại Việt Nam hay ghé vào các dịp lễ, họ cũng hay công đức cho đền”, một thành viên ban quản trị cho biết.

Kiến trúc độc đáo, có một không hai của chùa Ấn

Chùa Bà Ấn được thiết kế theo hình chữ U, mang hơi thở của Hindu giáo, được chia làm ba không gian chính: chính điện thờ thần Mariamman và người thân của bà, hai bên có hai hộ thần: Maduraiveeran (bên trái) và Pechiamman (bên phải). Chạy dọc theo hình chữ U hai bên tường là tượng 18 vị thần với những phong thái khác nhau tượng trưng cho 18 ước nguyện của người dân.

Tương truyền nữ thân Mariamman mang lại mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ tốt tươi lại cho người dân. Ngoài ra, người Ấn còn cho rằng bà cũng đem lại sự ấm no, hạnh phúc.

Ngay trước cửa điện thờ nữ thần có hai bộ linga - yoni, một để nổi trên bệ đá thấp, một nằm trong vuông lõm dưới nền gạch có chiều cao hơn một mét và được bao quanh bởi một vuông rào bằng đồng để hạn chế sự đi lại của khách hành hương.

Độc đáo ngôi chùa Ấn giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh 3.

Khách đến viếng chùa, sau khi hành lễ, thường được phát lộc, có khi là hoa tươi cuốn trong 1 thước vải đỏ, có khi là bịch gạo, muối...

Phần mái điện thờ được đổ trần bê tông, bên trên có hai tòa tháp màu sắc sặc sỡ, trạm trổ, đắp tượng tinh vi mang đậm phong cách nghệ thuật Nam Ấn. Mỗi tầng tháp, mỗi tượng thờ, đều mang những thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau của người Ấn cổ xưa. Cách phối màu, nghệ thuật đắp tượng nổi, vị trí các bức tượng hay phù điêu trên tháp... đều rất riêng biệt, nổi bật, khó lẫn với bất kỳ nền văn hóa nào.

Phần hàng rào phía trên mái, quanh hai tòa tháp cũng được đắp phù điêu, tạc tượng và trang trí các họa tiết tinh vi khác, mô tả hành trình đi tìm chân lý, hành trình tu luyện để giác ngộ của các tín đồ Hindu giáo.

Ngoài những nghi thức hành lễ theo Hindu giáo, chùa Bà Ấn Độ được tương truyền là linh thiêng khi khách thành tâm úp mặt vào các phiến đá cầu nguyện hoặc đặt tay lên đầu hai bức tượng thú ở ngay cửa ra vào để cầu may mắn. 

Tương truyền chùa nổi tiếng linh thiêng để “cầu duyên và cầu tự”. Khách đến viếng chùa, sau khi hành lễ, thường được phát lộc, có khi là hoa tươi cuốn trong 1 thước vải đỏ, có khi là bịch gạo, muối... với mong muốn món quà chính là sự hồi đáp ước mơ may mắn, ấm no, hạnh phúc của mỗi người. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem